Theo một khảo sát ở Mỹ được thực hiện bởi nền tảng việc làm Reward Gateway, 75% người được hỏi xác nhận rằng họ sẽ có tinh thần làm việc tốt hơn nếu các nhà quản lý biết nói “cảm ơn” sau khi nhân viên hoàn thành tốt công việc được giao.
Đối với người lao động, sự động viên khích lệ kịp thời của cấp trên là cần thiết và quý giá. Không nhất thiết là phải được trao danh hiệu “nhân viên xuất sắc” trong bữa tiệc cuối năm của công ty, nhiều khi chỉ cần một email cảm ơn của sếp, lời khen của đồng nghiệp sau khi hoàn thành chỉ tiêu nào đó cũng đủ khiến nhân viên cảm thấy được công nhận.
Khảo sát trên cho thấy 60% nhân sự thuộc thế hệ Y (những người sinh ra trong những năm 1990 và 2000) muốn được nghe đánh giá tích cực từ người quản lý ít nhất một lần mỗi ngày.
Sự công nhận tích cực rất quan trọng đối với hiệu suất làm việc cũng như giữ chân nhân sự. 60% nhân sự được khảo sát coi trọng sự công nhận tương đương với tiền lương; 40% cho biết họ sẵn sàng cống hiến nhiều hơn nếu được cấp trên công nhận, theo CNBC.
Kết quả khảo sát trên không xa lạ với văn hoá truyền thống của người Á Đông. Trong cuốn sách giáo dục “Đệ tử quy” mà các em nhỏ ngày xưa thuộc lòng, có đoạn: “Khen người thiện, Tức là thiện. Người biết được, càng gắng sức”.
Một vài lời khuyên khi khen ngợi cấp dưới:
- Nên khách quan và công bằng khi khen bất cứ nhân viên nào.
- Khen ngợi nhân viên không cần quá văn hoa, cầu kỳ nhưng phải xuất phát từ chính tấm lòng mình.
- Phải chỉ cho người đó biết lý do cụ thể mình được khen.
Thay vì chỉ nói chung chung: “Cậu/Cô làm tốt lắm, cứ tiếp tục như thế nhé!” thì nên trình bày rõ ràng: “Báo cáo đó cô/cậu làm rất tốt, phân tích rất sắc sảo”.
- Kết hợp khen công khai và khen riêng tư.
Lời khen thường được giữ lại để nói trong các cuộc họp, đó là thời điểm thích hợp nhất để nhân viên nhận lời khen có thể tự hào trước mặt mọi người. Tuy nhiên, thỉnh thoảng sếp cũng nên dành chút thời gian đi lại tận bàn làm việc của nhân viên và nói vài câu khích lệ, đánh giá công việc của nhân viên bằng những lời khen chân tình.
PV