Ý bảo: Nước quá trong thì không có cá, người quá xét nét thì không có người đồng hành. Người nghiêm khắc quá mức, hay bới móc khuyết điểm của người khác, không thể bỏ qua lỗi lầm của người khác thì bản thân mình sẽ bị cô lập
Tục ngữ nói: “Vàng không thuần khiết, người không hoàn hảo”. Lão Tử cũng giảng: “Trị nước lớn giống như nấu cá nhỏ”, tức là đạo trị quốc giống như nấu cá nhỏ, đừng thường xuyên khuấy nồi, lật lên lật xuống, sẽ làm cá bị nát, món ăn mất ngon. Một gia đình, một đoàn thể cũng là như vậy, nếu như quy củ quá, nghiêm khắc quá thì sẽ khó tồn tại và phát triển được lâu dài, cuối cùng cũng giống như cá nhỏ bị khuấy qua khuấy lại mà hỏng cả.
Sống ở đời ai mà không có lỗi lầm, ai mà không từng phạm phải sai sót? Nếu có thể lấy khoan dung độ lượng mà đối đãi với mọi người thì chúng ta sẽ biết cách ứng xử khi người khác có khuyết điểm hoặc phạm phải sai lầm.
Đạo lý là như vậy, nhưng lại có rất nhiều người không hiểu được điều này. Có một vị cao nhân tu Đạo từng nói rằng: “Nếu như bạn là một thánh nhân thì đều có thể nhìn thấy ưu điểm của người khác, nhìn ai cũng có thể sinh ra từ tâm. Nếu bạn là người tiểu nhân thì trong mắt bạn người khác đều là đê hèn thấp kém, nhìn trên nhìn dưới đâu đâu cũng thấy chướng tai gai mắt. Người có được tâm đại từ bi thì nhìn núi non, sông nước, hoa cỏ, muôn loài đều thấy đáng yêu”.
Cổ ngữ nói: “Thủy chí thanh tắc vô ngư, nhân chí sát tắc vô đồ” (Tạm dịch: Nước quá trong thì không có cá, người quá xét nét thì không có người đồng hành). Người nghiêm khắc quá mức, hay bới móc khuyết điểm của người khác, không thể bỏ qua lỗi lầm của người khác thì bản thân mình sẽ bị cô lập. Người quá so đo tính toán với khuyết điểm hoặc sai phạm của người khác thì cũng không thể nào khoan dung được người khác, cũng không giữ được người tài ở bên mình. Bởi vậy, đối với những vấn đề phi nguyên tắc thì không nên hà khắc, tránh mất đi bè bạn, người thân.
Văn hóa truyền thống coi việc đối đãi nghiêm khắc với bản thân là một đạo đức tốt đẹp. Nhưng đối đãi nghiêm khắc với mình và dùng khoan dung đối đãi với người khác là hai khái niệm khác nhau. Một người có thể dùng tiêu chuẩn nghiêm khắc nhất để yêu cầu mình nhưng không thể lấy tiêu chuẩn của mình để yêu cầu người khác. Khi đặt yêu cầu và kỳ vọng quá cao vào người khác thì kết quả rất có thể sẽ hoàn toàn ngược lại, thậm chí cuối cùng sẽ đánh mất các mối quan hệ ấy.
Trong gia đình, ngoài xã hội hay trong công việc, nếu một người mà luôn yêu cầu nhất cử nhất động của người khác phải phù hợp với tiêu chuẩn của mình thì cuối cùng cũng chuốc lấy thất bại mà thôi, không thể được như ý. Mỗi người đều có tính cách và phương thức xử sự, đối đãi với người khác không giống nhau, ngoài ra cảnh giới tinh thần của mỗi người cũng là khác nhau. Do đó sự xuất hiện các loại xung đột, mâu thuẫn giữa người này với người khác là một kết quả tất yếu. Nếu một người không có tấm lòng khoan dung, luôn dùng sức mạnh hay quyền lực để áp chế người khác thì nhất định sẽ khiến người khác không phục, thậm chí còn sinh tâm oán hận.
Trong lịch sử có rất nhiều câu chuyện lấy khoan dung độ lượng đối đãi với người khác mà được lòng người, lưu danh thiên cổ. Thôi La thời Bắc triều là một ví dụ điển hình. Trong “Bắc Tề thư” có ghi chép: Thôi La giữ chức tả Thừa tướng của nước Bắc Tề thời Bắc triều và rất được Hoàng đế kính trọng.
Thôi La vui với việc tiến cử nhân tài. Ông đề cử Hình Thiệu với Thế Tông đảm nhiệm việc phụ tá phủ Thừa tướng, kiêm quản lý việc chính trị cơ mật. Thế Tông nghe lời Thôi La đề cử, bèn bổ nhiệm Hình Thiệu. Hình Thiệu quả nhiên rất được Thế Tông tin cậy và coi trọng.
Hình Thiệu bởi kiêm quản việc chính trị cơ mật, cho nên có cơ hội gần gũi với Thế Tông. Lúc nói chuyện Hình Thiệu thường hay gièm pha nói xấu Thôi La, đến nỗi làm cho Thế Tông mất vui.
Có một hôm, Thế Tông bảo Thôi La: “Khanh luôn kể những điều hay tốt của Hình Thiệu, mà Hình Thiệu lại chuyên nói xấu khanh, khanh quả thực là ngốc!”
Thôi La độ lượng nói: “Hình Thiệu kể ra những nhược điểm của thần, thần nói đến những chỗ hay của Hình Thiệu, hai người nói đều là sự thật, không có gì sai cả!”
Thôi La khoan dung đối đãi với người khác, đối với bản thân thì nghiêm khắc, ông không chỉ biết chắc được sở trường của người khác, bao dung những chỗ thiếu sót của người khác, mà còn thản nhiên đối mặt với những điều chưa tốt của chính bản thân, đó là phong thái vô cùng khoan dung độ lượng.
An Hòa