Từ một chàng nông dân nghèo, Chung Ju Yung đã tự tay gây dựng nên đế chế xe hơi Huyndai trị giá hơn 20,1 tỷ USD. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đầy những chi tiết kịch tích, giống như một bộ phim hấp dẫn mà bất kỳ khán giả nào cũng nên thưởng thức qua ít nhất 1 lần.
Cảnh mở màn: Người nông dân quyết tâm
Chung Ju Yung sinh năm 1915 tại Tongchong. Là anh cả trong gia đình có 8 người con, ông buộc phải bỏ học sau khi hoàn thành chương trình cấp 2 để đi làm và kiếm tiền nuôi gia đình.
Cắm mặt cả ngày ngoài đồng ruộng và làm những công việc tay chân nặng nhọc không phải mơ ước của Chung Ju Yung. Ông đã nhiều lần tìm cách thoát nghèo.
Lần đầu tiên là năm Chung Ju Yung mới 16 tuổi. Ông đi bộ hơn 15 dặm để tới thị trấn kế bên xin làm công nhân xây dựng. Dù phải làm việc quần quật với đồng lương ít ỏi, ông đã tìm thấy đam mê trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng dân sự.
Tuy nhiên, niềm đam mê này không thể kéo dài lâu. Bố của Chung Ju Yung đã tìm thấy ông và đưa trở về quê nhà.
Năm 18 tuổi, Chung Ju Yung đi bộ lên Seoul, cách nhà khoảng 105 dặm. Trong chuyến hành trình, chàng nông dân trẻ tuổi đã bị một người đàn ông lạ mặt lừa đảo. Ông ta hứa sẽ tìm việc làm cho Chung Ju Yung, nhưng rồi lại cuỗm toàn bộ tiền đi mất. Lần này, Chung Ju Yung cũng buộc phải về nhà.
Lần thứ 3 trốn nhà, ông chọn đi tàu hỏa thay vì đi bộ. Để có tiền mua vé tàu, Chung Ju Yung đã lấy trộm bò của bố rồi bán đi. Lần này, ông được nhận vào làm kế toán, học hỏi được nhiều thứ về tài chính và kinh doanh. Thế nhưng, chỉ vài tháng sau, cha ông lại lên Seoul để tìm con, bắt chàng trai này trở về quê nhà.
Phải đến lần thứ 4 bỏ đi, Chung Ju Yung mới thực sự thành công. Ông quay trở lại Seoul và làm việc trong một cửa hàng gạo. Khi người chủ đã quá ốm yếu để tiếp tục làm việc, ông ta bán lại cửa hàng cho Chung Ju Yung. Ở tuổi 22, chàng trai trẻ này cuối cùng đã sở hữu một doanh nghiệp nhỏ của riêng mình.
Chung Ju Yung đã phải tốn rất nhiều công sức, nhưng cuối cùng hành trình lập nghiệp của ông cũng có thể bắt đầu.
Cốt truyện chính: Người xây dựng đế chế
Thử thách tiếp theo đến với Chung Ju Yung chỉ 2 năm sau đó. Năm 1939, chính sách phân phối gạo bị siết chặt, buộc ông phải chấm dứt việc kinh doanh.
Giống như nhiều doanh nhân giỏi khác, Chung Ju Yung nhanh chóng chuyển hướng, mở một xưởng sửa chữa xe hơi. Trong vòng 4 năm đầu tiên, ông đã có 70 nhân viên làm việc dưới trướng mình.
Thế nhưng, quân đội Nhật lại ép xưởng sửa xe của ông phải sáp nhập với một nhà máy thép. Khi chiến tranh nổ ra, Chung Ju Yung tạm thời về quê và tìm cách sử dụng số tiền 50.000 won tích cóp được bấy lâu nay.
Sau Thế chiến II, Chung Ju Yung đã sớm nhận thấy cơ hội trong quá trình tái thiết đất nước. Kết hợp giữa tình yêu cho kỹ thuật xây dựng dân dụng và hiểu biết về xe hơi, ông thành lập Hyundai Motor Industrial Company vào năm 1946 và Hyundai Civil Industries vào năm 1947.
Trong thời kỳ tái thiết và công nghiệp hóa ở Hàn Quốc thời hậu chiến, Chung Ju Yung đã khôn ngoan thực hiện nhiều dự án kinh doanh. Thậm chí, ông đã chọn một cái tên phù hợp cho sự phát triển này: Hyundai – có nghĩa là hiện đại.
Dần dần, từ một xây dựng thua lỗ do thiếu kinh nghiệm, Hyundai đã trúng thầu nhiều dự án lớn, trong đó có cả hợp đồng với quân đội Mỹ.
Trong vòng 20 năm sau đó, Hyundai chịu trách nhiệm phát triển phần lớn cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ở Hàn Quốc. Họ xây dựng đập đa mục đích trên sông Soyang năm 1967, đường cao tốc Gyeongbu và nhà máy điện hạt nhân năm 1970, bãi đóng tàu Ulsan năm 1973.
Tại Ulsan, Hyundai cho mở tới 9 nhà máy, khiến dân chúng gọi nơi đây là “thành phố Hyundai”.
Nhờ Chung Ju Yung, Hyundai bắt đầu có mặt trên bản đồ thế giới thông qua các gói thầu quốc tế. Năm 1965, công ty này đấu thầu thành công dự án đường cao tốc ở Thái Lan. Trong thập niên 70, Hyundai cũng hoàn thành công trình cảng biển Jubail ở Saudi Arabia. Đây là công trình xây dựng lớn nhất thế kỷ 20 tại thời điểm đó.
Trong thập niên 80, Hyundai là tập đoàn lớn và thành công nhất Hàn Quốc. Đối với người dân, doanh nghiệp này là biểu tượng cho sự phát triển thần tốc được mệnh danh là “Kỳ tích sông Hàn”.
Dựng phim thành công: Đưa Hàn Quốc vươn tầm quốc tế
“Nhân dân chúng tôi thành công nhờ tinh thần dám nghĩ dám làm. Họ biết cách sử dụng sức mạnh của trí óc. Niềm tin… có thể tạo ra những nỗ lực quật cường. Đây chính là chìa khóa thực sự của những phép màu… Tiềm năng của con người là vô hạn”, Chung Ju Yung từng nói.
Là người có lòng tự tôn dân tộc cao, Chung Ju Yung muốn đưa Hàn Quốc vươn lên tầm quốc tế. Mục tiêu tiếp theo của ông là phát triển và sản xuất một loại xe hơi chỉ sử dụng công nghệ và tay nghề của người Hàn Quốc.
Mong muốn này đã được thực hiện hóa vào năm 1976, với sự ra đời của Hyundai Pony. Sản phẩm này còn được xuất khẩu sang Nam Mỹ, trở thành chiếc xe hơi đầu tiên do Hàn Quốc tự sản xuất được xuất khẩu.
Năm 1986, Hyundai chính thức gia nhập thị trường Mỹ và ngay lập tức thành công. Chiếc Pony được đổi tên thành Excel, thiết lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu: chiếc xe hơi được bán nhiều nhất trong năm đầu ra mắt – 126.000 chiếc.
Sau khi đạt nhiều thành tựu rực rỡ trong lĩnh vực xây dựng và xe hơi, Chung Ju Yung đã từ chức Chủ tịch Hyundai vào năm 1987.
Cái kết mãn nhãn: Bài học thành công
Sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường Chung Ju Yung đã đúc kết được không ít những bài học quý giá
Tinh thần “không gì là không thể”
Chung Ju Yung nhiều lần nói rằng tinh thần “không gì là không thể” chính là một trong những nguyên tắc “chỉ đường dẫn lối” trong kinh doanh của ông.
Khi mới tham gia vào ngành đóng tàu, thách thức lớn nhất của ông là tìm kiếm nguồn vốn. Chung Ju Yung đã nảy ra một ý tưởng vô cùng sáng tạo: ông đến ngân hàng Barclays và tặng họ một tờ tiền mệnh giá 500 won. Trên tờ tiền có in hình tàu chiến bằng sắt, ngụ ý rằng người Hàn Quốc cũng có khả năng xây tàu.
Nhờ vậy, ngân hàng đã đồng ý cho Chung Ju Yung vay tiền, giúp Hyundai trở thành nhà sản xuất tàu lớn nhất thế giới sau này.
Đừng sống an phận
Chung Ju Yang luôn hỏi mọi người: “Bạn đã thử làm cái này bao giờ chưa?”.
Khi xây dựng nhà máy đóng tàu Ulsan, Chung Ju Yung quyết định vừa xây nhà máy, vừa xây tàu cùng lúc. Quyết định này đã khiến dư luận hoài nghi, bởi lúc đấy kinh nghiệm đóng tàu của ông chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Không nản lòng, Chung Ju Yung vẫn quyết tâm thực hiện 2 dự án cùng lúc.
Nhờ đó, Hyundai kịp hoàn thành đơn hàng sản xuất tàu cho khách Ý trong vòng 3 năm, thay vì kéo dài 5 năm như dự định ban đầu.
Hòa đồng với nhân viên
Chung Ju Yung thích dành thời gian bên nhân viên và công nhân của mình, hơn là tham gia cùng giới doanh nhân tinh hoa. Ông nghiêm khắc với cấp dưới, nhưng luôn quan tâm đến họ, bởi bản thân vị tỷ phú này cũng đã từng nếm mùi làm công.
Chung Ju Yung thường xuyên chơi thể thao với nhân viên, thậm chí còn tham gia đào tạo tay nghề cùng họ. Đối với nhiều người, vị tỷ phú này không chỉ là một người sếp mà còn là một người cha.
Ngoài ra, một trong những giá trị cốt lõi của Hyundai chính là tình yêu thương giữa con người với con người.
Làm việc thiện
Khác với nhiều đồng nghiệp của mình, Chung Ju Yung lại rất chăm chỉ làm từ thiện.
Năm 1977, ông chủ của Hyundai đã thành lập Quỹ Asan, với mong muốn sẽ tạo được ảnh hưởng tích cực như Quỹ Rockefeller ở Mỹ. Quỹ Asan đã góp phần xây dựng 9 bệnh viện và Đại học Y Ulsan, tài trợ cho Viện Nghiên cứu khoa học cuộc sống Asan, cũng như hỗ trợ nhiều nghiên cứu học thuật khác.
Trong thập niên 50, Hyundai đã xây dựng lại chiếc cầu duy nhất băng qua sông Hàn đã bị phá hủy trong chiến tranh. Với tinh thần của một người con yêu nước, ông đã sửa chữa lại cây cầu bằng mọi giá.
Tình tiết đẹp ẩn sau bộ phim: Trả lại món nợ năm xưa
Năm xưa, Chung Ju Yung phải trộm 1 con bò của bố để lấy tiền khởi nghiệp. Ông chưa bao giờ quên món nợ này, ngay cả khi đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp.
“1 con bò giờ đã biến thành 1.000 con bò. Tôi sẽ quay trở lại quê hơn để trả món nợ này”, ông nói.
Ở tuổi 84, Chung Ju Yung quay trở về quê hương cùng gia đình và 1.001 con bò. Cuối cùng, ông cũng đã trả lại hết được món nợ năm xưa, trước khi qua đời vào năm 2001 và để lại khối tài sản trị giá 4 tỷ USD.
(Theo Medium-)Ngọc Hà–Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị