Hồng Ngài nằm trên độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển, gần như quanh năm chìm trong mây mù, lạnh giá. Khí hậu lạnh ẩm quanh năm và thổ nhưỡng ở Hồng Ngài hóa ra lại vô cùng thích hợp cho cây thảo quả sinh trưởng và phát triển.
Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, cây thảo quả với giá trị kinh tế cao là cây xóa đói giảm nghèo của người dân Hồng Ngài.
Nhắc đến thôn biên giới Hồng Ngài, người dân xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, ai cũng e ngại bởi lẽ nó xa xôi, heo hút quá. Người ta sợ đến nỗi, tôi vừa nói ý định đi vào Hồng Ngài, chị chủ quán tạp hóa ở chợ Y Tý vội xua tay: “Mưa rét thế này không đi được đâu.
Tôi mới vào trong đó 2 hôm trước, đường ướt trơn khó đi lắm. Tay mình cầm lái mà có lái được xe đâu, đường nó nắn tay lái của mình theo ý nó. Tránh hòn đá bên này lại dính ngay hòn đá bên cạnh. Tôi bị ngã xe đau ê ẩm cả người đến giờ”. Thế nhưng cái tên Hồng Ngài vẫn có sức hấp dẫn riêng. Lời gàn của chị chủ quán tự nhiên lại trở thành sự khích lệ cho quyết tâm tới Hồng Ngài của tôi.
Sau khi đã nai nịt cẩn thận, tôi ngồi sau Đại úy Đinh Công Trọng, tay lái “lụa” của Đồn Biên phòng Y Tý, cán bộ địa bàn từng thông thuộc hết cả trẻ em, người lớn ở Hồng Ngài lên đường dưới trời mưa rét 80C.
Quả thật, đường vào Hồng Ngài không dễ đi chút nào. Sương mù mờ ảo, chúng tôi cứ như người đi trong mây. 18km từ trung tâm xã Y Tý vào thôn Hồng Ngài được vài km đầu là đường bê tông, sau đó là đường đất, lổn nhổn đá hộc với nhiều khúc cua ngoằn ngoèo, ổ voi, ổ gà nối tiếp nhau.
Sống được nhờ thảo quả
“Chúng tôi sống được là nhờ cây thảo quả” – Ông Vàng A Dủa, nguyên Trưởng thôn Hồng Ngài khẳng định chắc nịch với tôi như vậy.
Ông Dủa sinh ra và lớn lên ở Hồng Ngài, làm trưởng thôn tới 20 năm nên am tường vùng đất này như lòng bàn tay. “Trước đây, khổ lắm, đói ăn từ tháng 3 tới tháng 9. Nhà nào cũng phải ăn độn củ nâu và ngô”. Thế nhưng cuộc sống của người Mông Hồng Ngài giờ đã khác. Với diện tích trồng thảo quả lớn nhất ở xã Y Tý, người dân Hồng Ngài đang giàu lên. “Cả bản có 62 hộ, đều là người dân tộc Mông, chỉ còn 5-6 hộ nghèo thôi. Còn nhà giàu có cả tỉ đồng đấy” – Ông Dủa tự hào khoe.
Ngôi nhà gỗ vững chắc của ông Dủa sực nức mùi thơm của hơn 1 tấn thảo quả khô mới được chuyển từ trên nương về. Ông Dủa bảo, năm nay, bà con rất phấn khởi vì được mùa thảo quả sau 3 năm mất mùa do trận mưa tuyết năm 2015 làm thảo quả chết hàng loạt.
Chàng trai trẻ Vàng A Sài, con trai ông Dủa tiếp lời bố: “Mấy năm vừa rồi, mỗi nhà chỉ thu được 1 bao, có nhà không được quả nào. Năm nay, vui hơn vì nhà nào cũng thu nhiều quả”.
Theo lời Sài, mùa thu hoạch thảo quả là mùa vui nhất ở Hồng Ngài. “Cả bản cùng nhau thu hoạch trong một khoảng thời gian nhất định. Làm vậy để động viên, giúp đỡ nhau, cũng là để tránh tình trạng hái nhầm thảo quả của nhau. Nhà nào cũng làm lán và lò sấy ngay trên nương.
Lúc sấy thường phải tập trung canh lửa, phải đốt cho than hồng rực lên để ủ. Sức nóng làm cho thảo quả khô nhanh hơn. Sấy 3 ngày 3 đêm mới được một mẻ khoảng 3 tấn quả” – Sài mô tả chi tiết quá trình sấy thảo quả cho chúng tôi trong tiếng cười giòn tan của lũ trẻ trong nhà.
Dẫn chúng tôi tới gian nhà kho chứa thảo quả, nét mặt ông Dủa trở nên phấn chấn: “Gia đình tôi năm nay thu được khoảng 50 bao thảo quả khô, khoảng gần 2 tấn quả”. Gia đình ông Dủa là một trong những hộ đầu tiên trồng thảo quả và trồng nhiều nhất ở Hồng Ngài.
“Tôi trồng thảo quả từ năm 1990. Ngày trước, cây này không có giá trị, ít người trồng. Sau này, Trung Quốc mua nhiều, giá lên cao, bà con mới đồng loạt trồng. Đến giờ, nhà tôi trồng khoảng 10.000 gốc thảo quả. Có thảo quả, cuộc sống của người Mông Hồng Ngài mới được ấm no như bây giờ” – Ông Dủa quả quyết. Lời nói của ông Dủa quả không sai. Có những thời điểm, giá thảo quả lên tới 300.000 – 400.000 ngàn đồng/kg, thậm chí là 500.000 đồng/kg. Như nhà ông Dủa, mỗi mùa thảo quả có thể thu về vài trăm triệu đồng.
Tỉ phú chân đất
Ở Hồng Ngài không hiếm những cái tên được nhắc đến với biệt danh “tỉ phú” như Lý A Páo, Và A Páo, Vàng A Chu mà như lời giới thiệu của ông Ly Giờ Có, nguyên Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý, mỗi gia đình này đều có tiền tỉ, thậm chí là 3-4 tỉ đồng.
Chúng tôi không mấy khó khăn để tìm tới nhà anh Chu – một ngôi nhà xây 2 tầng, sơn màu xanh nổi bật giữa đất trời Hồng Ngài. Chỉ cần nhìn ngôi nhà thôi cũng có thể đoán được mức độ giàu có của chủ nhà ở nơi thâm sơn cùng cốc Hồng Ngài. Anh Chu xây ngôi nhà này cách đây 5 năm, khi con đường từ trung tâm xã vào Hồng Ngài được mở. Người đàn ông 49 tuổi này cho biết, số tiền xây nhà là hơn nửa tỉ đồng.
Quả là số tiền không dễ có nếu chỉ trồng cấy lúa, làm nương như nhiều gia đình vùng cao khác. Năm vừa rồi, dư giả tiền bạc, anh Chu tậu một chiếc ô tô bán tải để thuận tiện cho việc vận chuyển thảo quả đi bán. Vậy là, sau gia đình anh Lý A Sì, Vàng A Sử, anh Chu là người thứ 3 ở Hồng Ngài sắm ô tô. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên bởi thời điểm năm 2000, anh Chu đã có 200 triệu đồng gửi tiết kiệm trong ngân hàng.
Anh Chu trồng thảo quả cùng thời với ông Dủa. Anh không nhớ chính xác diện tích thảo quả của gia đình mình, chỉ chắc rằng “mỗi năm thu được 2 tấn quả khô”. Nhờ thảo quả, vợ chồng anh không chỉ có tiền gửi ngân hàng, mà còn đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn. “Thành công lớn nhất của cuộc đời tôi là con cái được học hành đầy đủ. Hiện, con gái lớn của tôi đang học năm thứ 4 Đại học Luật dưới Hà Nội” – Anh Chu vui vẻ cho hay.
Trò chuyện với đồng bào người Mông ở Hồng Ngài, chúng tôi phát hiện ra rằng không chỉ gia đình anh Chu, nhiều người dân khác đều nghĩ tới tương lai xa hơn cây thảo quả bằng việc đầu tư cho con cái học hành. Có cơ hội là người Mông Hồng Ngài cho con đi học, tiếp cận với những điều mới mẻ hơn.
Theo Bích Nguyên (Báo Biên phòng)