Được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, nhiều gia đình ở xã Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh) đã bỏ nghề khai thác thủy sản, thu nhập bấp bênh, chuyển sang nuôi hàu theo hướng bền vững, có của ăn của để.
Huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh có diện tích mặt nước biển rất lớn, môi trường phù hợp cho hàu phát triển. Từ hiệu quả kinh tế thực tế, nhiều hộ dân ở Vân Đồn đã chuyển đổi từ nghề khai thác thủy sản sang nuôi hàu. Trong đó có gia đình chị Bùi Thị Thường, thôn Tân Phong.
Tiếp chuyện chúng tôi trước khi ra biển thu hoạch hàu, chị Bùi Thị Thường, thôn Tân Phong, xã đảo Quan Lạn tươi cười cho biết: “Mấy hôm nay, ngày nào cũng phải ra bè để chỉ đạo công nhân thu hoạch hàu. Hàu đến kỳ thu hoạch, hơn nữa, tàu thu mua hàu đã chờ sẵn rồi nên phải làm khẩn trương”.
Mở ra hướng phát triển mới từ các chương trình tuyên truyền, tập huấn
Trò chuyện với chị Thường mới biết, trước đây, chị làm nghề xiếc cá, tôm. Đó là từ người dân nơi đây dùng để gọi hình thức đánh bắt cá bằng kích điện, chị Thường giải thích.
“Trước đây cuộc sống của gia đình tôi không được như bây giờ. Cái nghề khai thác thủy sản cho thu nhập bấp bênh lắm, hôm được, hôm không thành ra cuộc sống không được ổn định” – chị Thường ưu tư nhớ lại những ngày vất vả đã qua.
Sau khi được tuyên truyền, giải thích về việc khai thác thủy sản như thế sẽ làm hủy hoại môi trường, suy giảm nguồn lợi thủy sản chị Thường đã suy nghĩ rất nhiều. Là hội viên Hội LHPN xã Quan Lạn, chị được tuyên truyền về các mô hình sinh kế bền vững.
Với những kiến thức thu nhận được từ các buổi tập huấn, chị Thường bắt đầu tìm hiểu kỹ về các mô hình. Trên cơ sở điều kiện gia đình hiện có, chị Thường quyết định đầu tư vào nuôi hàu. Đồng thời, chị cũng học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước để mở rộng diện tích nuôi hàu theo hướng bền vững.
Đến nay, gia đình chị Thường là một trong những hộ nuôi nhiều hàu ở xã đảo Quan Lạn và có thu nhập ổn định từ nghề này. Chị chia sẻ: “Hàng ngày tôi đều ra biển kiểm tra bãi hàu. Ở đây mọi người đều giúp đỡ nhau, trông giữ giúp nhau ngoài bãi nuôi thế nhưng tôi vẫn muốn ngày ngày tự mình ra kiểm tra để xem hàu sinh trưởng thế nào có bị con hà ăn không”.
Chị Thường nói tiếp: “Thực ra, nuôi hàu nhàn hơn nghề khác ở chỗ không cần cho ăn. Thức ăn của hàu chủ yếu là các loại sinh vật phù du như tảo. Chúng tôi chỉ cần kiểm tra và vệ sinh để hạn chế bị các sinh vật, đất bùn bám vào làm hàu chết hoặc chậm phát triển. Khởi đầu, chúng tôi chỉ cần đầu tư hệ thống dàn nuôi trong năm đầu tiên, những năm sau chỉ phải bỏ tiền mua con giống. Sau khi thả 7-8 tháng thì được thu hoạch”.
Làm giàu từ nghề nuôi hàu
Chị Thường nuôi hàu từ cách đây 4 năm. Năm đầu tiên chị thả 3-4 vạn giống, và thu lãi lớn. Thành công của năm đầu tiên trở thành động lực để năm tiếp theo chị mở rộng diện tích nuôi hàu lớn hơn. Cứ như vậy, từ lợi nhuận thu được của mỗi vụ, chị Thường đầu tư mở rộng diện tích nuôi hàu qua mỗi năm. “Hiện giờ, gia đình chị nuôi 60 dây hàu, mỗi dây 1 vạn con giống”- chị nói.
Tôi nhẩm tính, vậy là đến năm 2022, chị Thường đã thả 60 vạn con giống, gấp 15 lần so với năm đầu tiên.
Theo chị Thường, nuôi hàu được mất phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên và giá cả thị thường nên cũng có năm được, năm mất, thế nhưng thu nhập của nghề này dù sao vẫn ổn hơn nuôi trồng các con khác. Mùa thu hoạch hàu năm nay, chị Thường thuê 12 nhân công làm việc. “Mỗi ngày tôi thu hoạch được 6-7 tấn hàu. Giá cả tùy thuộc vào độ béo của hàu. Hiện giá hàu đang phục hồi, tôi bán được 7.000 đồng/kg ngay tại bè” – chị Thường cho biết. Tuy giá bán năm nay thấp hơn so với mức giá năm 2021, khoảng 8.000-9.000 đồng/kg, chị Thường vẫn hài lòng vì. “Mỗi ngày tôi xuất bán được khoảng 40-50 triệu đồng. Sau khi trừ tiền công, chi phí giống, tôi thu được khoảng hơn chục triệu đồng”- chị Thường kể.
Thực hiện theo sự tuyên truyền, vận động của chính quyền xã về việc phát triển nghề nuôi hàu bền vững, chị Thường hiện đang thực hiện việc chuyển đổi dây nuôi từ phao xốp sang phao nhựa. “Tôi đã đầu tư gần 100 triệu để mua phao nhựa. Tôi xác định sẽ chuyển dần cho đến hết chỗ phao xốp sang phao nhựa để bảo vệ môi trường theo vận động của chính quyền”- chị Thường cho hay.
Cuối câu chuyện với tôi, chị Thường nở nụ cười mãn nguyện vì cuộc sống hiện giờ đã có của ăn, của để, con gái được học hành đầy đủ, trưởng thành như mong đợi.
Tạm biệt chị, rời xã đảo bình yên, tôi mang niềm vui về theo từng con sóng, bởi tôi biết, biển cả bao la ngoài kia đang mang lại cuộc sống ấm no cho những người giàu nghị lực và tinh thần vươn lên như chị Bùi Thị Thường – người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé tôi vừa được gặp gỡ.
Theo PNVN