Ngày càng có nhiều người trẻ lựa chọn làm nhiều công việc cùng lúc để gia tăng thu nhập và phát triển bản thân.
Giữa làn sóng sa thải và kinh tế khó khăn, nhiều người trẻ càng không hài lòng với mức thu nhập mà một công việc chính mang lại. Chính vì thế, họ có xu hướng nhận thêm nhiều công việc tay trái. Ở diễn biến khác, để có được mức thu nhập tốt thì đòi hỏi họ cần biết quản lý tài chính và thời gian để cân bằng giữa đời sống, công việc.
Đánh đổi khi làm nhiều công việc cùng lúc, kiếm 40 – 50 triệu đồng/tháng là điều bình thường
Trước đó, thời điểm chạm mốc tổng thu nhập 40 triệu đồng/tháng, Huyền, SN 1997 đang làm Copywriter fulltime cho 1 agency về bất động sản và nhận thêm các dự án bên ngoài để làm thêm vào thời gian rảnh.
“Khi đó, mình gần như không từ chối bất kỳ job nào mà các khách hàng, agency hay production house mời hợp tác. Cứ như vậy, mình làm việc liên tục mỗi ngày. Điều đó khiến mình thực sự stress và rơi vào khủng hoảng. Nhưng vốn là một người cứng đầu, luôn muốn thử thách bản thân và vượt qua các giới hạn nên mình ‘lì’ lắm, luôn cố để done hết tất cả các task đó, dù nó có nhiều hay khó tới mức như thế nào”, Thu Huyền chia sẻ.
Cô nàng tâm sự, ở tuổi 27, khi nhìn những người bạn xung quanh thì thấy họ đều đạt dấu mốc riêng mình. Có người lấy chồng và sinh con, người mua nhà, mua xe. Cũng có người mở công ty và có cửa hàng riêng, trong khi bạn đi du học, người kiếm được 100 triệu đồng/tháng.
“Nhìn lại mình, không có gì trong tay. Dù có mạnh mẽ đến mấy thì cũng có lúc phải suy nghĩ và so sánh. Và thế là mình lao vào làm việc, một cách điên cuồng đúng nghĩa. Ngày đi làm hoặc đi quay tới tối muộn, về lại tiếp tục làm job ngoài đến 2-3h đêm. Có hôm mình thức trắng đêm cho kịp deadline, trong khi buổi sáng dùng cafe và trà ô long để giữ tinh thần tỉnh táo. Và chuyện gì đến cũng đến, mình bị kiệt quệ cả về thể xác và tinh thần, từng phải đi nhập viện và truyền nước.
Rồi mình chợt nhận ra, không có gì quý bằng sức khỏe của mình. Mỗi người đều có 1 hành trình riêng, chỉ cần mình luôn cố gắng và tốt hơn ngày hôm qua cũng đã là thành công rồi”, Thu Huyền tâm sự.
Một trường hợp khác, Hoàn (28 tuổi, TP.HCM) từng làm công việc Art Director, nhận thêm dự án bên ngoài nên tổng thu nhập là 50-60 triệu đồng/tháng. Thu nhập cao đồng nghĩa với áp lực đi kèm cũng nhiều không kém. Cho đến gần đây, Hoàn đã xin nghỉ việc ở công ty đã gắn bó trong 2 năm để cho bản thân có thời gian nghỉ ngơi sau thời gian dài vất vả.
Hoàn tâm sự: ”Thời gian đầu, mọi thứ như mơ với mình, cho đến khi mình lên cấp quản lý. Chức càng lên cao, áp lực càng lớn. Áp lực hoàn thành KPI, đặc biệt là các dự án cuối năm khiến mình gặp stress liên miên. Không chỉ thời gian làm việc được kéo dài mà công việc của mình cũng rất căng thẳng, khi về nhà thì đầu vẫn chưa được thư giãn. Theo thời gian, mình đã bị cuốn theo công việc mà không biết cách cân đối với đời sống cá nhân ngay từ đầu.
“Mình cứ tiếp tục làm việc, với tâm lý ‘cố đấm ăn xôi’, ‘kiếm được tài sản lớn đã rồi tính chuyện nghỉ việc’. Tuy nhiên, cơ thể mình đã xuất hiện nhiều bệnh lý như tóc rụng và xuất huyết dạ dày đến mức bị nhập viện. Lúc này mình bắt buộc phải nghỉ việc để cho bản thân có thời gian nghỉ ngơi”.
Cùng làm nhiều công việc cùng lúc, nhưng Khánh Linh (23 tuổi, Hà Nội) lại tương đối nhẹ nhàng vì được gắn bó với những lĩnh vực bản thân yêu thích. Được biết, bên cạnh công việc hành chính làm 8 tiếng/ngày thì Linh còn làm giáo viên dạy đàn piano.
Cô nàng chia sẻ: “Với mình, công việc đôi khi mang lại những niềm vui. Một công việc giúp mình trau dồi sự tư duy, sáng tạo và mối quan hệ, cũng như duy trì được sự ổn định về tài chính. Một công việc lại giúp mình theo đuổi đam mê, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Dù làm nhiều việc cùng lúc, nhưng mình ít khi cảm thấy mệt mỏi, mà vẫn có thời gian để vui chơi cùng bạn bè, gia đình”.
Khánh Linh tâm sự, do tính chất công việc tay trái linh động nên tháng nào muốn kiếm thêm nhiều tiền, cô nàng sẽ sắp xếp lịch dạy nhiều hơn. Tháng nào cô thấy mình quá sức thì chọn ít dạy lại. Khi đó, cô chỉ cần điều chỉnh chi tiêu theo sự thay đổi của tổng thu nhập là ổn.
Quản lý thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau như thế nào?
Làm 2-3 công việc cùng lúc là xu hướng chung của nhiều bạn trẻ. Do đó, họ thà chấp nhận làm công việc nặng, áp lực nhiều nhưng đem lại mức thu nhập tốt và nhiều trải nghiệm phát triển. Tuy nhiên, để có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống, họ cần biết sắp xếp thời gian và quản lý tài chính để tối ưu dòng tiền kiếm được.
Khánh Linh chia sẻ cách cô quản lý thu chi khi có 2 nguồn thu nhập. Cô nàng cho biết, dù tổng thu nhập tăng nhưng vẫn giữ nguyên mức chi tiêu và quản lý tài chính như truớc chứ không có thay đổi nhiều. Cụ thể, Khánh Linh dùng 40% để chi tiêu hàng tháng, 20% cho chi tiêu khẩn cấp và 40% dành cho tiết kiệm.
Khánh Linh nói thêm: “Với tỷ lệ cố định như thế, số tiền phân bổ sẽ phụ thuộc vào khoản thu nhập hàng tháng. Theo đó, mình cũng căn chỉnh phân khúc chi tiêu: Thu nhập tăng, mình có thể sẽ tiêu tiền cho những món đồ mắc tiền hơn một chút. Nhưng nếu thu nhập thấp đi, mình sẽ chỉ chi tiêu trong khoản tiền cho phép, sử dụng các sản phẩm có giá phải chăng hơn. Từ đó, việc chi tiêu có thể thay đổi, nhưng luôn nằm dưới 40% thu nhập. Nguyên tắc của mình, là không bao giờ tiêu phạm vào ngân quỹ của bản thân”.
Riêng đối với Hoàn, anh chia sẻ khi còn làm nhiều công việc, anh dành lương của công việc hành chính để chi trả chi phí sinh hoạt hàng ngày và trả góp mua nhà. Lương từ công việc tay trái được anh dùng để gửi tiết kiệm và đầu tư.
Anh quan điểm, tốt hơn cả bạn nên có kế hoạch tài chính dự phòng cho những tình huống thu nhập giảm, chẳng hạn như thất nghiệp. Được biết, dù đã nghỉ làm văn phòng nhưng Hoàn vẫn còn công việc freelancer dù mức thu nhập chỉ 15 triệu đồng/tháng và khoản sinh lời từ đầu tư vàng, chứng khoán và một số quỹ đầu tư liên quan.
Tương tự Khánh Linh, anh cũng đồng tình với nhận định, dù thu nhập gia tăng từ việc làm 2-3 công việc nhưng luôn cần có quỹ tiết kiệm. Từ cách đây 2 năm, khi tổng thu nhập vượt 40 triệu đồng/tháng, Hoàn đã luôn trích 20 – 30% số tiền kiếm được vào quỹ tiết kiệm. Tiền lời từ đầu tư, anh dùng 2/3 để tiếp tục xoay vòng đầu tư, còn lại anh trích hết vào quỹ tiết kiệm. Dựa vào quỹ tiết kiệm này, đây cũng là nơi anh đang lấy 15 triệu đồng/tháng để trả tiền vay nợ mua nhà của ngân hàng khi đang trong giai đoạn thất nghiệp.
Theo Nguyệt-Theo PNS