Bạn hãy thay đổi niềm tin của mình theo hướng “tôi có đủ khả năng, tôi có thể kiểm soát mọi việc”. Thay đổi suy nghĩ có thể dẫn tới sự biến đổi từ “tôi không thể” sang “tôi có thể” để đạt được mọi điều tôi muốn có trong cuộc sống.
Rất nhiều người trong chúng ta tin vào những điều có thể giới hạn thành công của chính mình. Có thể chúng ta tin rằng mình không có đủ năng lực, hoặc chúng có thể là những niềm tin về cái giá chúng ta phải trả cho thành công, niềm tin về cách chúng ta giữ quan hệ với mọi người, hay thậm chí là những suy nghĩ hoang đường phủ định lại các kết luận của khoa học.
Vượt qua những niềm tin hạn chế này chính là bước đi tiên quyết để tiến tới thành công. Bạn có thể học cách nhận ra những niềm tin hạn chế này và thay thế chúng bằng những suy nghĩ tích cực hơn, những suy nghĩ có thể thúc đẩy thành công của bạn.
Một trong những niềm tin hạn chế phổ biến hiện nay của mọi người là họ luôn cho rằng mình không đủ khả năng để đạt tới mục đích của mình. Dù có được đào tạo kỹ lưỡng tới đâu, dù có hàng chục năm kinh nghiệm trong công việc, song chúng ta lại tự nói với mình rằng: Tôi không thể làm được. Tôi không biết làm cách nào. Chẳng ai giúp tôi cả. Tôi không đủ thông minh để thực hiện việc này…
Những suy nghĩ này đến từ đâu? Hầu hết là do những ảnh hưởng từ tuổi thơ để lại. Khi chúng ta còn nhỏ, không cần quan tâm chúng ta có thể tự mình làm được hay không thì bố mẹ, ông bà hay những người trưởng thành khác đều bảo rằng: Không, con yêu. Con không làm được đâu. Con còn quá nhỏ. Để mẹ lấy hộ con. Có lẽ, năm sau con mới tự mình làm được.
Chúng ta giữ những suy nghĩ hạn chế này cho tới khi lớn. Và chúng càng được củng cố mỗi khi ta gặp phải lỗi lầm hay thất bại trong công việc. Nhưng hãy cùng suy ngẫm xem điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể nói với mình rằng: Tôi có thể làm việc này. Tôi có đủ khả năng thực hiện nó. Có người đã từng làm được rồi. Nếu tôi không đủ kiến thức, tôi có thể học hỏi. Người khác có thể dạy tôi.
Bạn hãy thay đổi niềm tin của mình theo hướng “tôi có đủ khả năng, tôi có thể kiểm soát mọi việc”. Thay đổi suy nghĩ có thể dẫn tới sự biến đổi từ “tôi không thể” sang “tôi có thể” để đạt được mọi điều tôi muốn có trong cuộc sống.
Làm cách nào để vượt qua những niềm tin hạn chế trong bạn?
Sau đây là bốn bước đơn giản nhưng hiệu quả có thể giúp ích bạn trong việc thay thế những niềm tin tiêu cực bằng các suy nghĩ tích cực.
- Nhận dạng những niềm tin hạn chế mà bạn muốn thay đổi.Bắt đầu bằng cách lập một danh sách những niềm tin có thể giới hạn bạn. Một cách khá thú vị để làm việc này là hãy mời hai hay ba người bạn có cùng mục tiêu với bạn tham gia cùng. Các bạn hãy lập và thảo luận một danh sách những điều nghe được từ cha mẹ, người thân, giáo viên, huấn luyện viên – hay thậm chí là các sơ trong tu viện – những điều mà bằng cách nào đó đang gây tác động không tốt tới bạn. Sau đây là một vài ví dụ chung nhất về niềm tin hạn chế của bạn bắt nguồn từ những điều bạn nghe thấy:
Sao con ngu ngốc thế. Mình ngu thật.
Con không đủ thông minh để thi vào đại học. Mình không đủ khả năng để học đại học.
Tiền không tự mọc như cây được. Mình chẳng bao giờ giàu được.
Chẳng lẽ con không làm điều gì đúng đắn được hay sao?
Mình chẳng làm đúng được việc gì cả, vậy tại sao phải cố chứ?
Hãy ăn hết mọi thứ đi. Con có biết bao nhiêu trẻ em trên thế giới này đang chết đói không? Mình nên ăn hết thức ăn cho dù có đói hay không.
Con không còn trẻ nữa, chẳng ai muốn cưới con làm vợ cả. Mình đã già rồi, không ai yêu mình cả.
Con chỉ biết nghĩ cho mình thôi.
Sẽ là không tốt nếu tập trung vào những điều mình cần. Trẻ con không được làm ồn.
Mình cần trật tự để được mọi người yêu quý.
Mọi người không quan tâm tới vấn đề của con đâu. Mình nên che giấu những gì đang xảy ra.
Đàn ông ai lại khóc.
Không nên chia sẻ tâm sự, nhất là nỗi buồn. Hãy là một quý bà.
Không nên hành động tự nhiên, vui vẻ. Không ai quan tâm đến ý kiến của con đâu. Những gì mình nghĩ chẳng quan trọng.
Khi bạn hoàn thành xong danh sách trên, hãy chọn suy nghĩ bạn cho rằng nó giới hạn bạn và tiếp tục với ba bước sau đây:
- Giải thích tại sao niềm tin này lại hạn chế bạn.
- Quyết định xem bạn cần làm thế nào, bạn muốn cảm thấy thế nào hay muốn trở thành thế nào.
- Hãy đưa ra các tuyên bố ngược lại những suy nghĩ trên.Những tuyên bố này sẽ cho phép bạn hành động theo cách khác.
Ví dụ:
- Niềm tin hạn chế của tôi là: Tôi phải tự làm mọi việc. Tôi không được phép nhờ sự trợ giúp của người khác. Đó là dấu hiệu của yếu đuối.
- Suy nghĩ này hạn chế tôi ở điểm: tôi không yêu cầu sự giúp đỡ, tôi phải thức khuya làm việc nên tôi bị thiếu ngủ.
- Tôi muốn cảm thấy thoải mái mỗi khi yêu cầu sự giúp đỡ. Đó không phải là yếu đuối. Tôi cần can đảm để nhờ trợ giúp. Tôi muốn hỏi người khác giúp mỗi khi cần. Tôi cần ủy thác công việc không phù hợp hoặc tôi không thích cho ai khác.
- Yêu cầu giúp đỡ không sao hết. Tôi có thể làm điều đó.
Sau đây là một số tuyên bố ngược lại với niềm tin hạn chế:
Niềm tin hạn chế: Tập trung vào những gì mình cần là không tốt.
Tuyên bố ngược lại: Những gì tôi cần cũng quan trọng như những gì người khác cần.
Niềm tin hạn chế: Nếu tôi bộc lộ cảm xúc, mọi người sẽ nghĩ tôi yếu đuối và sẽ lợi dụng tôi.
Tuyên bố ngược lại: Nếu tôi bộc lộ cảm xúc, sẽ có nhiều người yêu mến, quý trọng, động viên và giúp đỡ tôi hơn.
Niềm tin hạn chế: Tôi không thể làm gì đúng, vậy tại sao tôi phải cố gắng chứ?
Tuyên bố ngược lại: Tôi có thể làm rất nhiều điều đúng đắn. Và mỗi lần tôi làm việc gì mới mẻ, tôi sẽ học hỏi được nhiều điều và hoàn thiện mình hơn.
TN-Theo Nhịp Sống Kinh Tế