Hơn 10 năm làm kỹ sư xây dựng nhưng anh Lê Trọng Kha (Tiền Giang) vẫn quyết định từ bỏ công việc với mức thu nhập ổn định để khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm sạch.
Lý do khiến anh Lê Trọng Kha (SN 1982, quê ở Cái Bè, Tiền Giang) quyết định khởi nghiệp với thực phẩm sạch là bởi anh đã chứng kiến quá nhiều người xung quanh mắc phải căn bệnh ung thư. Với hy vọng làm được điều gì đó để thay đổi, năm 2016, anh lập Công ty TNHH LeKha Distributor (LeKhaMart).
LeKhaMart có trụ sở tại quận 11, TP.HCM với tệp khách hàng thân thiết lên đến hàng nghìn người, chủ yếu phục vụ tận nhà khách hàng. Anh Kha cho biết, quãng thời gian hơn 6 năm kinh doanh thực phẩm sạch giúp anh có cơ hội đặt chân đến nhiều quốc gia trong khu vực và châu Á, từ đó anh nhận ra sự khác biệt về thị trường tiêu dùng và nền nông nghiệp của Việt Nam so với các nước khác.
Với rất nhiều câu hỏi và trăn trở nên anh Kha muốn xây dựng một hệ sinh thái công bằng, làm sao để người tiêu dùng tin tưởng an tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm, để người sản xuất có thể tập trung chuyên tâm sản xuất tốt và để tối ưu chi phí sử dụng nguồn lực xã hội hiệu quả.
Không chỉ bán thực phẩm sạch, LeKhaMart đã kết nối với hàng trăm đối tác cung cấp cho hàng ngàn khách hàng, thực hiện xúc tiến thương mại, gian hàng hội chợ trong và ngoài nước để giúp các nhà sản xuất giới thiệu sản phẩm hiệu quả,…
Không dừng lại ở đó, mới đây anh Kha công bố thực hiện một dự án đầy hoài bão với tên gọi “189 ngày khởi nghiệp cùng bạn” và sẽ chính thức khởi động vào tháng 9/2022. Đây là dự án được thực hiện tại khắp 63 tỉnh, thành dành cho những ai muốn khởi nghiệp, mỗi tỉnh sẽ được anh Kha dành ra 3 ngày để chia sẻ về văn hoá trong doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, khởi nghiệp tinh gọn, xây dựng thương hiệu và sự đoàn kết cùng nhau khởi nghiệp, phát huy nội lực và tinh thần dân tộc,…
Doanh nhân 8X chia sẻ vớiPV Infonet về lý do thực hiện dự án này: “Sau hơn 6 năm khởi nghiệp, với nhiều trải nghiệm sâu sắc về thị trường và sản phẩm. Nhìn nhiều bạn thất bại không chỉ mất tiền, mất nhiều hơn là nhiệt huyết, động lực tái khởi nghiệp. Việt Nam đã phát động phong trào khởi nghiệp nông nghiệp trong nhiều năm qua nhưng nông dân vẫn tù mù về thông tin thị trường, về tính minh bạch sản phẩm. Người nông dân không biết tạo nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ những thành quả mình tạo ra”.
Khi tham gia dự án, người tham gia không chỉ nhận được giá trị chia sẻ kiến thức từ những doanh nhân thành đạt mà còn được hỗ trợ kết nối giao thương qua các buổi trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, các lớp học này hoàn toàn miễn phí, người tham gia chỉ phải tự chi trả tiền chi phí đi lại và sinh hoạt cá nhân.
Kinh phí thực hiện dự án sẽ do LeKhaMart tài trợ, đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ. Bên cạnh đó các bạn khởi nghiệp thấy dự án khả thi có thể ủng hộ góp một phần để dự án có thể phục vụ mọi người tốt hơn.
“Trường hợp không kêu gọi được bất cứ khoản đóng góp nào thì dự án chạy bằng kinh phí LeKhaMart hỗ trợ trong khả năng. Ví dụ thay vì có đội ngũ đi làm thị trường cho các bạn khởi nghiệp thì sẽ hướng dẫn cho mọi người tự làm, tự thiết kế hình ảnh nhận diện thương hiệu… hoặc tự đi xúc tiến thương mại. Nhưng đây là dự án rất thiết thực, nên Kha tin mọi người sẽ ủng hộ sau khi tham gia 3 ngày, họ sẽ thấy lợi ích khi cùng hợp tác giữa các bạn khởi nghiệp”, anh Kha quả quyết.
Theo anh, với 63 tỉnh, thành, mỗi địa phương sẽ thực hiện trong 3 ngày là thời gian tối ưu nhất, không ngắn để ít thông tin chia sẻ, không quá dài để người tham dự có thể sắp xếp thời gian. Tuy nhiên, dự án sẽ đi cùng người khởi nghiệp trong giai đoạn 5 năm sau đó.
“Dự án hỗ trợ suốt 5 năm nên đây chỉ là giai đoạn tiếp cận. Tôi kỳ vọng kết nối 6.000 bạn khởi nghiệp để chọn ra 1.000 bạn khởi nghiệp đi cùng”, anh Kha chia sẻ.
Chia sẻ về những vấn đề các startup gặp phải, anh Kha cho rằng các startup Việt đang phải cạnh tranh với các doanh nghiệp đa quốc gia hay các tập đoàn trong nước lớn mạnh. Chúng ta không nên cạnh tranh với nhau, mà cần cùng nhau phát triển thị trường, phát triển sản phẩm để phục vụ được thị trường nội địa và xuất khẩu theo những giá trị riêng.
Người tiêu dùng Việt thực sự muốn được dùng hàng Việt chất lượng, họ sẵn sàng trả đúng giá trị sản phẩm. Mà muốn làm được sản phẩm chất lượng và được đón nhận, mỗi startup cần rất nhiều nguồn lực từ vốn, con người, tư duy cải tiến liên tục, tư duy hợp tác bền vững, khởi nghiệp tinh gọn,… Sẽ đi nhanh hơn nếu các startup cùng nhau làm, loại bỏ tinh thần cạnh tranh “xấu”, thay bằng tinh thần hợp tác cùng phát triển bền vững.
“Trong dự án, tôi sẽ đi sâu, chia sẻ thực tế về tư duy tìm đầu ra, cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp, khởi nghiệp tinh gọn, phát triển sự khác biệt trong sản phẩm và cách hợp tác với các nhà phân phối sản phẩm trong và ngoài nước để phát triển bền vững. Ngoài ra còn những chương trình khác sẽ hỗ trợ các bạn khởi nghiệp trong suốt thời gian dự án chạy.
Đây đều là những kinh nghiệm thực tế trong quá trình tôi xây dựng doanh nghiệp và thương hiệu LeKhaMart, đồng thời việc xúc tiến thương mại khắp cả nước và đi nhiều quốc gia làm thương hiệu, tìm kiếm đối tác cho các sản phẩm Việt Nam sẽ giúp các bạn khởi nghiệp có cái nhìn tổng quát hơn khi làm thị trường”, anh Kha nói thêm.
Theo Tuân Nguyễn–Theo Infonet