Tác giả: Thái Nguyên chỉnh lý
Núi La Phù ở phủ Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, từ xưa đã nổi tiếng với nhiều hiện tượng linh dị, là nơi những người tu đạo chân chính thường lui tới. Trong núi có nhiều loại linh dược, như hoàng tinh, hà thủ ô, nhưng đại đa số mọc ở vách đá cheo leo hiểm trở. Người hái thuốc không thể đến được, thường phải vòng lên đỉnh núi, rồi từ đỉnh núi thả một sợi dây leo dài, một đầu buộc vào eo, một đầu buộc vào thân cây, tay nắm chặt dây leo, từ từ hạ xuống vách đá hái thuốc, hái xong lại bám dây leo trèo lên.
Có một người huyện Tăng Thành, tên là Hoàng mỗ, nhà nghèo khổ, lại hay đau ốm. Chàng từng tham gia kỳ thi đồng tử nhưng không đỗ, sau đó thường xuyên vào La Phù Sơn hái thuốc, vừa để kiếm sống, vừa để chữa bệnh. Một ngày nọ, chàng hái thuốc lên một đỉnh núi, thấy dưới vách đá có một luồng mây trắng bỗng dưng bốc lên. Nhìn xuống dưới, vách đá dựng đứng cao vạn trượng, ở giữa nhô ra một tảng đá bằng phẳng, rộng vài mẫu, cách đỉnh núi khoảng mấy chục trượng.
Luồng mây bốc lên từ tảng đá, phía trên có hai ông lão, mỗi người cầm một bó cỏ xanh, đem cỏ giã nát trên đá, rồi vo thành viên, mỗi người nuốt một viên, bỗng nhiên biến mất. Hoàng mỗ cảm thấy rất kỳ quái, cho rằng họ nhất định là tiên nhân, vách đá này hẳn phải có sơn động, liền muốn xuống đó tìm tòi một phen, xem có gì kỳ dị. Chàng liền dùng dây leo buộc vào eo, từ trên đỉnh núi thả mình xuống, sau đó cởi dây leo ra, tìm kiếm xung quanh, tứ bề không thấy gì cả, chỉ có trên đá còn sót lại chút thuốc của hai ông lão, ngửi rất thơm.
Hoàng mỗ biết là tiên đan, liền cẩn thận cạo hết chỗ thuốc đó, vo thành một viên to bằng ngón tay, nuốt vào bụng. Lúc đó là ngày mùng 7 tháng 7, ánh nắng rất gay gắt, trên đầu như đội một lò lửa, trong miệng khô khốc, đang khổ sở vì nóng nực, bỗng nhiên cảm thấy lòng dạ thanh lương, đầu óc sảng khoái mẫn tiệp, huyết mạch thông suốt, xương cốt như được đả thông. Chàng lại xem xét kỹ chỗ hai ông lão giã thuốc, vẫn còn chút nước cốt đọng lại, liền cúi xuống liếm nước cốt đó, lập tức cảm thấy miệng đầy nước miếng, vị ngon vô bỉ. Hoàng mỗ vốn đang đói khát, bây giờ không những không khát, mà còn không đói nữa.
Hoàng mỗ đang định bám dây leo trèo lên, thì đột nhiên gió lớn nổi lên, thổi dây leo bay lượn trong không trung như tơ nhện. Đến khi gió lặng, thì dây leo đã bị vướng vào góc đá trên vách núi, treo ngang không hạ xuống, trông như vắt vào vách đá. Hoàng mỗ hốt hoảng lo sợ, không biết làm thế nào, chỉ đành kêu trời gọi thần, đến khi khản cả giọng. Chẳng bao lâu trời tối, chàng bèn ngồi dựa vào vách đá, mệt mỏi ngủ thiếp đi.
Bỗng nghe thấy tiếng người nói chuyện, Hoàng mỗ giật mình tỉnh giấc. Lúc này trăng sáng vằng vặc, sao trời lấp lánh, có hai ông lão đang ngẩng đầu nhìn lên dải Ngân Hà. Họ không phát hiện ra Hoàng mỗ, Hoàng mỗ cũng không dám kinh động họ, chỉ nín thở nghe lén họ nói chuyện. Một người nói: “Đêm nay là ngày mà người đời gọi là Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau. Nhưng mà, ba ngôi sao Chức Nữ ở phía trên sao Ngưu Lang, chủ quản tiền bạc, không phải ở phương Đông, mà trong thơ lão Đỗ (Đỗ Phủ) nói: ‘Ngưu Lang xuất Hà Tây, Chức Nữ xứ kỳ Đông’ (chú thích 1), câu này nói sao?”
Người kia nói: “Đây là Lão Đỗ thuận theo tập quán mà nói, tất nhiên là sai.” Người thứ nhất lại nói tiếp: “Ba ngôi sao đều ở phương Tây, vậy thì chuyện cầu Ô Thước càng hoang đường, mà Lão Đỗ lại nói: ‘Ngưu Nữ niên niên độ, hà tằng phong lương sinh’, càng là lời vô nghĩa.” (chú thích 2). Người kia lại đáp: “Đây cũng là Lão Đỗ tùy tục mà nói đùa, không thể lấy thơ văn làm chân tướng sự thật được.”
Vừa nói xong, một người bỗng chỉ tay lên trời, kinh hãi nói: “Phía bắc Ngũ Xa (thuộc Nhị Thập Bát Tú, Tây Phương Thất Tú, Tất Tú), sáng nhất chẳng phải là bốn ngôi Lệ Thạch (thuộc Nhị Thập Bát Tú, Tây Phương Thất Tú, Mão Tú) sao! Sao Lệ Thạch sáng như vậy, chiến tranh sắp xảy ra rồi.”
Người kia ngẩng đầu nhìn quanh, chỉ tay nói: “Không chỉ có sao Lệ Thạch, ngài chẳng lẽ không thấy sao Dã Kê trong Quân Thị (thuộc Nhị Thập Bát Tú, Nam Phương Thất Tú, Tỉnh Tú) sao? Ánh sáng của nó cũng đang lóe lên, lại vừa khớp chiếu xuống phương này, muốn không có binh tai là không thể được rồi. Đại lăng (mồ mả) chất đầy thi thể rất rõ ràng, trong vòng trăm dặm xác chết chất như núi. Năm nay mồng một Tết Nguyên Đán, gió lại từ phương Tây thổi đến, đã là điềm báo chiến tranh, lúc đó tôi nghĩ rằng có lẽ hướng gió còn có thể chuyển dời, bây giờ xem tinh tượng cũng như vậy, không quá vài ngày nữa, nhân gian lạc thổ sẽ biến thành chiến trường, làm sao đây? May mà sao Thiên Tắc chiếu sáng, năm nay mùa màng không đến nỗi thất bát, còn tính là không quá tệ, đây là một điều đáng mừng.” (chú thích 3) Thế là hai người thở dài rất lâu.
Cuộc đối thoại của họ, Hoàng mỗ nghe rõ mồn một, sợ họ lại biến mất, liền thừa lúc họ không để ý bèn trèo đến trước mặt họ, quỳ xuống không đứng dậy, khẩn cầu đạo trường sinh. Một người nói: “Người ở nhân gian, như cá bơi trong nồi, làm sao trường sinh được? Cái tranh nhau chỉ là sống lâu hơn hay ngắn hơn mà thôi. Huống chi danh lợi trong tâm đang giao chiến, chẳng khác nào thêm củi vào lửa. Dù có thể làm được danh lợi đều quên, mà một niệm cầu trường sinh, cũng chẳng khác nào truy cầu danh lợi. Muốn cầu trường sinh bất lão ở đây, chẳng phải hồ đồ lắm sao?”
Hoàng mỗ lặp đi lặp lại khẩn cầu: “Vừa rồi con ăn đan dược tiên nhân còn sót lại, lập tức cảm thấy tinh thần phấn chấn, xin ban cho thêm chút nữa, thì trường thọ có thể nhanh chóng đạt được.” Người kia nói: “Thuốc thang là vật chữa bệnh, trừ bỏ bệnh tật thì được, nhưng kéo dài tuổi thọ thì chưa chắc.” Hoàng mỗ dập đầu xuống đất khóc lóc: “Đệ tử đến đây, đường về đã đứt rồi, xin tiên nhân thương xót.” Một người nói: “Có đến thì có đi. Khi đến không hề lo lắng, khi đi lại sợ cái gì? Đã không hẹn mà đến, thì cứ tự nhiên không hẹn mà đi, đừng vọng tưởng!” Nói xong hai ông lão bỗng nhiên biến mất.
Đến khi trời sáng, Hoàng mỗ thấy dây leo đã rủ xuống, mừng khôn xiết, vội vàng buộc dây leo vào, bám dây leo trèo lên. Hoàng mỗ vốn mắc bệnh thổ huyết, từ đó về sau bệnh khỏi hẳn, tinh lực cũng gấp bội so với bình thường, thứ chàng uống được đúng là linh dược trừ bệnh.
Không lâu sau, ở Bác La, Vĩnh An và các nơi khác, Bạch Liên Giáo nổi loạn, người bị hại rất nhiều, hơn một năm mới dẹp yên. Hoàng mỗ thường kể cho người khác nghe về những gì mình đã trải qua và nghe được, nhiều người biết rõ chi tiết sự việc, nói đến tinh tượng báo hiệu điềm binh tai thì càng được người ta tin tưởng. Đây là chuyện của năm Gia Khánh thứ bảy (1767).
Chú thích
Chú thích 1: Thơ cổ “牽牛織女” (Khiên Ngưu Chức Nữ) của Đỗ Phủ.
Chú thích 2: Thơ cổ “天河” (Thiên Hà) của Đỗ Phủ.
Chú thích 3: “天稷五星,在七星南,農正也,取百穀之長以為號” (Năm ngôi sao Thiên Tắc, ở phía nam sao Thất Tinh, chủ quản nông nghiệp, lấy tên của các loại ngũ cốc để đặt tên). “Năm ngôi sao Thiên Tắc” báo hiệu mùa màng bội thu hay thất bát, sao sáng thì năm được mùa, sao tối thì đói kém, phải di cư.
Nguồn: 《誌異續編》 (Chí Dị Tục Biên)
Theo Epoch Times,-Hương Thảo biên dịch