Là kỹ sư làm lập trình viên cho một công ty chuyên phát triển phần mềm máy tính tại TP. Hồ Chí Minh, thế nhưng, chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Hoàng Hiệp vẫn luôn ấp ủ tình yêu ruộng vườn, cây trái ở quê nhà Khánh Hòa.
Đến một ngày, tình yêu ấy đã đưa anh đến quyết định bỏ phố về quê, tìm cho mình một lối đi riêng bằng mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao.
Về quê chẳng để an nhàn
Một buổi trưa hè, theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi hướng về 2 khu nhà lưới với mái vòm màu trắng nổi bật giữa tổ dân phố Nghĩa Quý, phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh để đến nhà, cũng là khu sản xuất dưa lưới công nghệ cao của anh Nguyễn Hoàng Hiệp.
Thấy có khách đến thăm, chàng kỹ sư 32 tuổi liền căn dặn nhân công, rồi đi ra khỏi khu nhà lưới, tiếp chuyện chúng tôi ngay tại khu nhà kỹ thuật của trang trại.
Nhìn khuôn mặt đỏ bừng, lấm tấm những giọt mồ hôi của anh, chúng tôi phần nào hiểu được về khối lượng công việc giai đoạn hiện tại ở trại dưa, lại càng khó tin anh từng từ bỏ công việc kỹ sư ở một công ty chốn đô thị với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng.
Đó là câu chuyện của 4 năm trước. Đầu năm 2018, anh đã đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt là từ bỏ công việc lập trình viên tại một công ty phát triển phần mềm ở TP. Hồ Chí Minh đề về quê lập nghiệp bằng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch.
“Lúc đó, tôi chưa lập gia đình, ở nhà trọ, với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng cũng tương đối ổn. Nhưng nghĩ đến lúc có vợ con, để mua được nhà và ổn định cuộc sống tại TP. Hồ Chí Minh là điều không hề đơn giản. Hơn thế, tôi xuất thân làm nông từ nhỏ. Từ khi tôi học đại học, ba mẹ cũng nghỉ nghề trồng dưa hấu truyền thống, đất vườn ở nhà phần lớn bỏ hoang, trong khi bản thân luôn có niềm đam mê với ruộng vườn và cảnh yên bình ở quê hơn là chốn thị thành xô bồ náo nhiệt. Những điều đó đã thôi thúc tôi đi đến quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp”, anh chia sẻ.
Thời gian đầu, để tiết kiệm chi phí, anh Hiệp phải trực tiếp làm tất cả mọi việc, từ ngâm ủ giá thể, xuống giống, cắt tỉa cành, thụ phấn thủ công đến chọn trái…, thậm chí anh tự mày mò chế hệ thống bồn chứa nước tưới cho khu vườn.
Gặt hái quả ngọt
Thực ra kế hoạch “hồi hương” làm nông nghiệp đã được anh Hiệp ấp ủ mấy năm trước. Trong thời gian làm ở TP. Hồ Chí Minh, anh đã tham quan, tìm hiểu mô hình trồng dưa lưới tại nhiều trang trại.
Tuy nhiên, những ngày đầu anh đã gặp không ít khó khăn. Vụ dưa đầu tiên, anh trồng trực tiếp ra đất, dù được nhà lưới bao phủ, dưa vẫn nhiễm nhiều loại nấm bệnh. Không nản chí, anh ngày đêm tìm hiểu, nghiên cứu các đặc tính ưu, nhược điểm các giống dưa lưới hiện có, cách thức trồng, chăm sóc, cuối cùng anh đã chọn chuyên trồng giống dưa lưới T-one có xuất xứ Thái Lan trên giá thể để hạn chế nấm bệnh cho bộ rễ của cây.
Ngoài ra, theo anh Hiệp, việc trồng cây dưa lưới đòi hỏi rất cao về kỹ thuật, trong quá trình sinh trưởng của cây, phải đặc biệt chú ý chăm sóc kỹ các giai đoạn cây con, thụ phấn, quả nứt vỏ để tạo lưới, cho đến giai đoạn tạo ngọt cho quả. Bởi các giai đoạn này sâu bệnh rất dễ xâm nhập, tấn công vào tất cả các bộ phận của cây.
Sau thành công bước đầu, từ năm thứ hai, anh Hiệp đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất thêm 1.000m2. Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mỗi năm anh trồng được 3 vụ, năng suất bình quân từ 3,5 – 4,5 tấn/1.000m2/vụ, sau khi trừ chi phí anh thu lãi gần 100 triệu đồng/vụ.
Hiện tại, trang trại của anh tạo việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động địa phương, với mức lương 7-8 triệu đồng/tháng.
Ước mơ và triển vọng
Sau những mùa vụ trồng thử nghiệm các loại dưa lưới như: TL3, M1, M2, M3, T-one, hiện tại anh Hiệp chỉ chọn phát triển giống T-one.
Dù giống dưa này mẫn cảm với thời tiết, đòi hỏi quy trình chăm sóc khắt khe, nhưng khi đã làm chủ được kỹ thuật lại cho năng suất cao hơn, chất lượng vượt trội so với các giống dưa lưới khác nên được thị trường ưa chuộng hàng đầu.
Chính vì thế, thời gian qua, toàn bộ sản phẩm đều được các đơn vị trung gian ký hợp đồng thu mua tại vườn với giá cả ổn định. “Hiện tại, tôi sản xuất dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng do trang trại chưa đủ quy mô diện tích theo tiêu chuẩn nên chưa được cấp chứng nhận. Vì thế, sắp tới tôi sẽ mở rộng quy mô thêm 1.000m2 nữa để đủ diện tích tối thiểu đạt chứng nhận VietGAP”, anh Hiệp cho biết.
Hiện tại đã có một số hộ dân trên địa bàn phường Cam Nghĩa đến trang trại của anh Hiệp tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật để ứng dụng mô hình này.
Anh Huỳnh Trương Long Ngân (tổ dân phố Nghĩa Quý) chia sẻ: “Thấy mô hình trồng dưa lưới trong nhà lưới của anh Hiệp mang lại hiệu quả cao, tôi đã đến tìm hiểu, học tập kinh nghiệm và được anh hướng dẫn rất tận tình ngay từ khâu xây dựng nhà lưới. Hiện tại, tôi đã hoàn tất xây dựng nhà lưới diện tích 1.000m2 và hệ thống tưới tự động, khoảng 10 ngày nữa sẽ xuống giống”.
Được biết, anh Ngân là một kỹ sư tin học, làm việc cho một công ty ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng anh cũng đã quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp bằng mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao.
“Bỏ phố về vườn” là cụm từ đã trở nên quen thuộc, với không ít người là sự lựa chọn an nhàn nơi làng quê yên ả. Nhưng với anh Hiệp, anh Ngân, đó không chỉ là tình yêu mà là thử thách và khát vọng làm giàu bằng con đường riêng, ngay trên mảnh đất quê hương Khánh Hòa.
Thế Anh (Báo Khánh Hòa)