Điển cố “Nói nào có dễ thế” minh họa sự gian nan của quan lại trong việc tiến ngôn (đề đạt ý kiến) lên hoàng thượng, và nỗi bi ai của những người trung trinh trực gián.
Có một nhân vật huyền thoại trong lịch sử Trung Quốc, cuộc đời ông tràn đầy sắc thái thần kỳ. Ông không phải là thiên tử hay quý tộc, cũng không phải là một trọng thần của triều đình. Có một chương trong “Sử ký” và một tiểu sử riêng về ông trong “Hán thư”.
Thi phú của ông vào thời nhà Hán được đưa vào “Sở từ”, nhưng lại bị loại khỏi “Sở từ tập chú” của Chu Hi; Ông nhờ can gián khôn ngoan mà được trọng thưởng, cũng từng vì say rượu tiểu tiện trong cung mà bị bãi chức. Thành ngữ “Tán hà dung dị” (Nói nào có dễ thế) là do ông đầu tiên sáng tạo ra, ý tứ ban đầu là nói rằng các quan viên trong triều không dễ tiến ngôn. “Liệt tiên truyện” còn liệt ông là thần tiên. Tác phẩm của ông được đưa vào “Hán Ngụy lục triều bách tam gia tập”, được hậu nhân gọi là nhà văn, nhà thi từ thời Tây Hán.
Ông là Đông Phương Sóc, người học sâu biết rộng và rất có tài hùng biện vào thời kỳ Hán Vũ Đế. Ông khôi hài hóm hỉnh, nghĩa lý tinh thâm, ngôn từ hùng biện, phong cách văn chương độc đáo và cao siêu. Tư Mã Thiên đã ghi lại trong cuốn “Sử ký – Tiểu sử hài hước” của mình, rằng Ban Cố gọi ông là “Anh hùng hài hước”.
Theo ghi chép trong “Sử ký” và “Hán thư”, Đông Phương Sóc, tự Mạn Thiến, người Yếm Thứ, Bình Nguyên. Yếm Thứ nay là huyện Huệ Dân, thành Tân Châu, tỉnh Sơn Đông. Trong thư tự giới thiệu của mình, ông viết: “Tôi, Đông Phương Sóc, mồ côi cha mẹ từ niên thiếu, phải dựa vào anh trai và chị dâu nâng đỡ bồi dưỡng mới lớn lên thành người”. Liên quan đến xuất thân của Đông Phương Sóc có rất nhiều thuyết pháp. Theo “Đỗng Minh ký”, cha của Đông Phương Sóc tên là Trương Di, ở tuổi 200 cụ vẫn da dẻ hồng hào như con trẻ. Vào năm thứ ba Hán Văn Đế Hậu Nguyên (161 TCN), mẹ ông là Giáp thị qua đời chỉ ba ngày sau khi sinh hạ ông. Mẹ hàng xóm đã nhận nuôi ông, vì lúc đó Đông Phương Sóc dung diện sáng sủa, nên bà đặt cho con họ là Đông Phương. Đông Phương Sóc khi ba tuổi đã một lần đi lạc, mấy tháng sau mới trở về, nhưng sau khi bị mẹ nuôi đánh cho một trận, ông lại biến mất, mãi đến một năm sau mới quay lại. Mẹ nuôi hỏi ông đã ở đâu trong suốt cả năm, Đông Phương Sóc nói: “Con đi biển cát tím, nước tím làm bẩn quần áo của con. Con đến Ngu Tuyền giặt quần áo, đi từ sáng đến trưa đã về. Sao có thể nói con đi cả năm mới về?”
Dùng ba ngàn thẻ tre để trình thư tự tiến cử
Một nhân vật kỳ lạ như vậy nhất định phải có một khởi đầu khác thường. Trong những năm đầu sau khi Hán Vũ Đế lên ngôi, đã hiệu triệu những hiền lương phương chính và người có tài năng văn học trong thiên hạ. Vì vậy các nhân sĩ, Nho sinh khắp nơi lần lượt trình thư tự tiến cử. Đông Phương Sóc đến Công Xa phủ trình thư tự tiến cử, dùng hết tổng cộng ba nghìn thẻ tre. Công Xa phủ phái hai người cùng nhau khiêng tấu chương của ông, mới nhấc được nó lên. Hán Vũ Đế trong cung đọc tấu chương của Đông Phương Sóc, khi cần dừng lại, ông sẽ đánh dấu ở đó để sau đọc tiếp, phải mất thời gian hai tháng mới đọc xong.
Đông Phương Sóc đã tự giới thiệu mình như thế nào? Trong thư tự tiến cử của mình, ông viết: “Tôi bắt đầu đọc sách ở tuổi mười ba, qua ba mùa đông là đủ dùng; Tôi học đấu kiếm ở tuổi mười lăm; 16 tuổi học ‘Thi kinh’, ‘Thượng thư’, đã đọc thuộc lòng 22 vạn từ. Khi chín tuổi tôi bắt đầu học tập Binh pháp Tôn Tử, hiểu được cách bày trận dùng binh, hiệu lệnh chiêng trống. Tôi đã có thể đọc thuộc lòng 44 vạn từ. Bây giờ tôi đã hai mươi hai tuổi, cao 9 thước 3 thốn. Mắt tôi sáng như trân châu, răng tôi chỉnh tề và trắng khiết như vỏ sò”. “Dũng mãnh như Mạnh Bôn, nhanh nhẹn như Khương Kị, liêm khiết như Bào Thúc, thủ tín như Vĩ Sinh. Như vậy, có thể làm đại thần của thiên tử”.
Mạnh Bôn ở đây là một dũng sĩ vệ quốc trong thời Chiến Quốc, cực kỳ dũng mãnh, có thể “đi trên nước không né tránh giao long, đi trên bộ không né tránh hổ lang”. Khương Kị là con trai của Ngô Vương Liêu thời Xuân Thu, còn được gọi là công tử Liêu Kị, có sự dũng mãnh của vạn phu, chạy nhanh như mãnh thú. Bào Thúc chính là Bào Thúc Nha trong “Quản bào chi giao”, Quản Trọng đánh giá cao độ sự thanh liên chính trực của ông. “Vĩ Sinh ôm trụ” đã trở thành một thành ngữ, tương truyền Vĩ Sinh và một người phụ nữ đã hẹn hò gặp nhau ở dưới chân cầu. “Người phụ nữ không đến, khi nước lũ dâng lên, Vĩ Sinh vẫn ôm trụ cầu mà chết.” Tư Mã Thiên khen ngợi sự thủ tín của Vĩ Sinh, nói: “Tín như Vĩ Sinh”. Tương truyền trụ cầu mà Vĩ Sinh ôm là Lam Kiều ở Thiểm Tây, hậu nhân coi Vĩ Sinh là biểu tượng của ái tình kiên trinh.
Hán Vũ Đế đọc xong tán thán mãi không thôi, khen ngợi ông là bậc kỳ tài, ra lệnh cho ông đợi chiếu ở Công Xa thự, sau đó lại bảo ông đợi chiếu ở cổng Kim Mã. Từ đó, Đông Phương Sóc trở thành cận thần bên cạnh Hán Vũ Đế, làm người đồng hành giỏi hùng biện và hài hước. Ông thường hầu hạ bên cạnh Hán Vũ Đế. Mỗi lần gọi ông đến hầu chuyện, Hán Vũ Đế đều rất vui vẻ cởi mở. Hán Vũ Đế thường ban cho ông dùng bữa trước mặt hoàng đế, ông thường dồn hết số thịt còn thừa vào tay áo mang đi, khiến y phục bị bẩn.
Rất giỏi bói toán
“Hán thư” ghi lại rằng, Hán Vũ Đế yêu cầu một số thuật sĩ giỏi chiêm bốc đoán xạ phúc. Xạ phúc (射覆) là một loại ứng dụng thực tiễn của Dịch học mà những cao thủ nghiên cứu Kinh Dịch thường làm. Xạ là đoán, phúc là che đậy lại. Xạ phúc là che đậy vật phẩm, để các cao thủ dự trắc bằng cách bốc quẻ lấy quẻ tượng, thông qua đặc điểm của quẻ tượng mà phân tích, xác định đặc trưng của vật phẩm cần đoán: hình dạng, màu sắc, kích thước, đặc tính, và vật phẩm rốt cuộc là gì. Hán Vũ Đế đặt con tắc kè dưới chậu và yêu cầu họ đoán xem đó là gì, nhưng các thuật sĩ đều không đoán đúng. Đông Phương Sóc tự giới thiệu và nói: “Thần từng học ‘Dịch’, thỉnh cho phép thần đoán xem nó là gì”. Theo đó, ông xếp cỏ thi thành các loại quẻ tượng khác nhau và trả lời, nói: “Nói nó là rồng thì không có vẩy, nói nó là rắn thì lại có chân, chân đi thong thả, lúc lúc lại dừng nhìn, rất giỏi leo tường, thứ này không là tắc kè thì cũng là thằn lằn”. Hán Vũ Đế nói: “Đoán đúng rồi”, ban cho tấm lụa. Rồi lại yêu cầu ông đoán những thứ khác, và lần nào ông cũng đoán đúng, nhiều lần được tặng lụa.
Khi đó, Quách Xá Nhân, một tên hề thường đi cùng Hán Vũ Đế, nói: “Đông Phương Sóc quá điên rồ, bất quá đó chỉ là một trò may rủi, không có thuật số thực sự nào cả. Hãy để Đông Phương Sóc đoán lại, nếu ông ta đoán trúng, hãy đánh tôi trăm roi, nếu đoán không trúng thì hãy ban lụa cho tôi”. Sau đó, ông ta đặt một vật ký sinh trên cây dưới cái chậu, yêu cầu Đông Phương Sóc đoán xem đó là gì. Đông Phương Sóc nói: “Là Cũ Tẩu” (寠藪). Quách Xá Nhân nói: “Quả nhiên biết Đông Phương Sóc đoán không đúng”. Đông Phương Sóc nói: “Thịt sống gọi là khoái 膾 (gỏi), thịt khô gọi là phủ 脯, gắn vào cây là gọi là ký sinh, đặt dưới cái chậu liền được gọi là Cũ Tẩu”. Hán Vũ Đế ra lệnh cho xương giám (Hoàng Môn lệnh) quất roi Quách Xá Nhân. Sau đó, Đông Phương Sóc được thăng làm thường thị lang.
Trực ngôn khuyến gián
Sách “Hán thư” ghi lại rằng, vào năm Kiến Nguyên thứ ba, khi Hán Vũ Đế 18 tuổi, ông đi săn cùng một số thị vệ mặc thường phục, thường cưỡi ngựa giẫm nát ruộng vườn của nông dân. Sau này, Thọ Vương đề nghị xây dựng lâm uyển dành riêng cho săn bắn. Đông Phương Sóc can gián: “Linh Vương dựng đài Chương Hoa mà dân Sở tản đi; nhà Tần dựng cung A Phòng mà thiên hạ loạn”. Hán Vũ Đế đương thời không nghe lời khuyên của Đông Phương Sóc, nhưng vì Đông Phương Sóc trình tấu về việc dùng ‘Thái giai lục phù’ để quan sát thiên biến, nên vẫn phong cho ông làm thái trung đại phu, ban thưởng trăm cân vàng. Nhưng vườn lâm uyển vẫn được xây dựng. Sau này Đông Phương Sóc vì say rượu tiểu tiện trong cung, bị luận tội đại bất kính, Hán Vũ Đế hạ chiếu giáng ông xuống làm thường dân, chờ chiếu chỉ ở phủ thái giám. Nhờ cuộc đối thoại với Hán Vũ Đế trong lễ chúc thọ, ông đã được phục chức trung lang, được ban một trăm tấm lụa.
Gặp Sô Nha, dự tri người Hung Nô quy hàng
“Sử ký” ghi lại rằng, có một con động vật từ phía sau cung Kiến Chương chạy tới, có hình dáng giống một con nai sừng tấm. Tin tức truyền đến cung, Vũ Đế đích thân đến xem. Ông hỏi quần thần đó là loại động vật gì, nhưng không ai biết. Vì vậy, liền hạ chiếu gọi Đông Phương Sóc đến. Đông Phương Sóc nói: “Thần biết thứ này, thỉnh bệ hạ ban rượu ngon đồ ngon cho thần một bữa no nê, thần mới nói”. Hán Vũ Đế nói: “Khả dĩ”. Cơm rượu xong, Đông Phương Sóc lại nói: “Ở chỗ này kia có ruộng công ao cá và ao sậy rộng mấy khoảnh. Bệ hạ ban thưởng cho thần, thần mới nói”. Hán Vũ Đế đáp: “Khả dĩ”. Theo đó Đông Phương Sóc mới nói: “Con vật này tên là Sô Nha. Răng của nó trước và sau đều to nhỏ giống nhau, không có răng to nên gọi nó là Sô Nha. Sự xuất hiện của Sô Nha là dấu hiệu cho thấy có người từ xa đến quy hàng”. Khoảng một năm sau, Hồn Tà Vương của Hung Nô đã dẫn 10 vạn người tới quy hàng nhà Hán. Vì vậy, Hán Vũ Đế đã ban thưởng cho Đông Phương Sóc rất nhiều tiền tài.
Ẩn sĩ trốn khỏi thế gian
Đông Phương Sóc dùng tiền tài nhung lụa có được để cưới một thiếu nữ xinh đẹp từ thành Trường An về làm vợ. Ông cứ lấy vợ trong vòng một năm, sau đó lại bỏ và cưới một người khác. Một số cận thần gọi ông là “kẻ điên”. Một hôm Đông Phương Sóc đi ngang qua cung điện, các quan nói với ông: “Mọi người đều cho rằng tiên sinh là một kẻ điên”. Đông Phương Sóc nói: “Giống như tôi, chính là vào triều để lánh đời; con người thời cổ đại ẩn náu trong núi sâu, tức là họ ẩn khỏi thế tục, tỵ thế Kim Mã môn”. Cái gọi là ‘Kim Mã môn’ là chỉ con ngựa bằng đồng bên cạnh cổng lớn phủ thái giám, được gọi là ‘cổng ngựa vàng’.
Đông Phương Sóc từng nói với bạn bè của mình: “Thiên hạ ai cũng không hiểu được tôi Đông Phương Sóc, chỉ có Thái Vương Công biết tôi”. Sau khi Đông Phương Sóc qua đời, Hán Vũ Đế triệu Thái Vương Công, người tinh thông thiên văn lịch pháp đến và hỏi: “Ngươi có biết Đông Phương Sóc không?” Thái Vương Công nói: “Tôi không hiểu”. Hán Vũ Đế hỏi ông ta: “Thiên hạ tinh tú vẫn đều ở đó không?” Thái Vương Công trả lời: “Tất cả các ngôi sao đều ở đó, chỉ Sao Mộc đã mất tích mười tám năm, bây giờ lại xuất hiện”. Hán Vũ Đế không khỏi nhìn lên trời thở dài, thán rằng: “Đông Phương Sóc đã ở bên ta mười tám năm, mà ta không biết hắn là Mộc tinh!” (Theo “Thái Bình quảng ký”)
Văn tài sung mãn
Đông Phương Sóc là người có tài hùng biện và văn từ sung mãn, theo “Hán thư – Nghệ Văn Chí” thì Đông Phương Sóc có tổng cộng hai mươi tác phẩm, trong đó chỉ có ba tác phẩm hoàn chỉnh: “Thất gián” có ghi chép trong “Sở từ” của Lưu Hướng, “Đáp khách nan” và “Phi hữu tiên sinh luận”. Điển cố “Nói nào có dễ thế” xuất phát từ “Phi hữu tiên sinh luận” này. Trong tác phẩm sử dụng liên tiếp bốn câu “Nói nào có dễ thế” để minh họa sự gian nan của quan lại trong việc tiến ngôn (đề đạt ý kiến) lên hoàng thượng, và nỗi bi ai của những người trung trinh trực gián. Trong “Đáp khách nan” đã sáng tạo ra một câu tục ngữ: “Thủy chí thanh tắc vô ngư, nhân chí tế tắc vô đồ”, ý tứ là, nước quá trong thì không có cá, người xét nét quá thì không có trò.
Lưu Hướng nhận xét Đông Phương Sóc là “ngôn ngữ hài hước, hùng biện, nhưng không thể kiên trì chủ kiến của mình”; Dương Hùng đánh giá: “Ứng hài thì hợp, triết lý vô cùng, trực ngôn can gián, tính xấu tự ẩn”. Vương An Thạch nhận xét Đông Phương Sóc rất cao trong những câu thơ:
Tài đa bất khả số, xạ phúc diệc tuyệt luân.
Đàm từ tối khôi quái, phát khẩu như hữu thần…
Kim ngọc bổn quang oánh, nê sa khởi năng nhân.
Thời thời nhất ngộ chủ, kinh động Hán đình thần.
Ý tứ là nói, Đông Phương Sóc tài thì nhiều vô số, rất giỏi đoán xạ phúc. Ngôn đàm khôi hài, nói ra như có thần. Vàng ngọc vốn dĩ lóng lánh, nhưng bùn cát lại xuất ra người tài cao. Ông bản tính hiên ngang, không sợ chết, thường dùng những câu chuyện hài hước để châm biếm, đả kích quan tham ô lại, bởi vậy, một khi hoàng thượng hiểu ra, sẽ kinh động quan viên triều đình nhà Hán…
(Còn tiếp)
Theo Epoch Times-Hương Thảo biên dịch