Được sự hỗ trợ từ chính phủ, nhiều startup ở Hàn Quốc ngày càng mạnh lên và vươn mình trở thành kỳ lân công nghệ, bất chấp tình cảnh đối nghịch ở các khu vực khác.
Hàn Quốc đang trở thành điểm đến lý tưởng của startup công nghệ ở các ngành kinh doanh mới nổi như công nghệ sinh học, thanh toán trực tuyến hay dịch vụ gọi xe.
Đất nước Đông Á này giờ đây đã có 10 kỳ lân công nghệ, tức các công ty tư nhân được định giá hơn 1 tỷ USD. Điều này biến Hàn Quốc trở thành mái nhà lớn thứ ba cho các công ty công nghệ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Hồi tháng 3/2021, sàn thương mại điện tử Coupang đã lên sàn chứng khoán New York và hiện có giá trị thị trường khoảng 69 tỷ USD. Nhà phát triển Krafton (nổi tiếng với game PUBG) cũng đang chuẩn bị một đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) vào tháng 8 tới với định giá khoảng 4,3 nghìn tỷ Won (3,8 tỷ USD), trở thành một trong những thương vụ IPO lớn nhất Hàn Quốc từ trước tới nay.
Sự nổi lên của khu vực kinh tế tư nhân là một dấu hiệu đáng chú ý ở một đất nước vốn bị kiểm soát bởi những tập đoàn gia đình, còn gọi là các chaebol. Các chaebol đáng chú ý như Samsung hay SK vẫn được xem là gã khổng lồ ở mảng smartphone và thiết bị bán dẫn.
Mặc dù chỉ có 52 triệu dân, startup ở Hàn Quốc phát triển mạnh nhờ dân số giàu có, hiểu biết về công nghệ, sống tập trung ở các thành phố lớn với kết nối băng thông rộng tốc độ cao.
Ở Hàn Quốc, hầu hết các gia đình đều sở hữu smartphone và tạo ra một thị trường online đầy tiềm năng. Tỷ lệ thương mại điện tử trong tổng thương mại kinh tế của Hàn Quốc hiện cao nhất thế giới, theo Euromonitor. Tỷ lệ người dân có ngân hàng trực tuyến là 60%, cao hơn cả Singapore và Đức.
Quy mô dân số nói trên của Hàn Quốc giúp các startup có nhiều lợi thế cạnh tranh khi khai phá ra một thị trường mới. Chẳng hạn, Toss, một ứng dụng đi bộ kiếm phần thưởng vừa nhận được hơn 400 triệu USD trong một vòng gọi vốn với các quỹ đầu tư toàn cầu, nâng tổng giá trị công ty lên hơn 7 tỷ USD. Toss hiện có 18 triệu người dùng với 1,8 triệu người dùng Việt.
So với Trung Quốc, Mỹ hay châu Âu, một lợi điểm nữa với các startup Hàn là Nhà Xanh hỗ trợ rất tích cực cho công ty khởi nghiệp. Nước này thành lập hẳn Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Khởi nghiệp vào năm 2017, nâng cấp lên từ Cơ quan quản lý Doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Vai trò của Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Khởi nghiệp là giúp các công ty thu hút vốn đầu tư, hỗ trợ thuế, tập huấn, nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Bộ này cho biết các quỹ đầu tư đã rót vào 3,7 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, trong khi con số tương tự ở cả năm 2020 là 5,1 tỷ USD.
Khi tầm quan trọng của các chaebol ở ngành công nghiệp nặng đang giảm dần, thì đây chính là cơ hội để các startup Hàn Quốc bứt lên và thu hút nhiều nhân tài làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Dự báo bức tranh doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ thay đổi hoàn toàn trong 10 năm tới.
Phương Nguyễn-Theo ICT News