Đại hội khóa 20 của Trung Quốc vào năm 2022 được cho sẽ là nơi tiết lộ rõ ràng hơn về người kế nhiệm tiềm năng của ông Tập Cận Bình.
Vấn đề người kế nhiệm
Đại hội đảng toàn quốc của Trung Quốc khóa 20 sẽ được tổ chức vào năm tới 2022. Do hiến pháp đã được sửa đổi vào tháng 3/2018, xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ với chức danh Chủ tịch nước nên ông Tập Cận Bình có thể tiếp tục nắm quyền thêm nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2023.
Tuy nhiên, dư luận thế giới vẫn luôn quan tâm đến việc ai sẽ là người kế nhiệm tiềm năng của ông Tập.
Báo tiếng Hoa Đa chiều cho hay, theo thông lệ bất thành văn kể từ sau Đại hội khóa 14, để bồi dưỡng và củng cố kinh nghiệm của người kế nhiệm, họ thường được đề bạt vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc trước một hoặc hai nhiệm kỳ và sẽ giữ chức Phó chủ tịch nước vào thời điểm thích hợp; từ đó chuẩn bị cho việc kế nhiệm.
Nếu truyền thống này vẫn giữ nguyên, thì đại hội vào năm tới sẽ có khả năng cao xuất hiện bóng dáng của người kế nhiệm trong tương lai của ông Tập Cận Bình.
Điều đáng chú ý là Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) được tổ chức vào tháng 3 năm nay đã trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyền hạn lớn hơn: Dựa theo đề cử của Thủ tướng Quốc vụ viện, có thể quyết định bổ nhiệm và bãi nhiệm các thành viên khác của Quốc vụ viện; dựa theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Quân ủy Trung ương, có thể quyết định bổ nhiệm và bãi nhiệm chức vụ của các thành viên khác của Ủy ban Quân ủy Trung ương; dựa theo đề nghị của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Quốc vụ viện, có thể quyết định cách chức các thành viên khác của Quốc vụ viện; dựa theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Quân ủy Trung ương, có thể quyết định cách chức các thành viên khác của Ủy ban Quân ủy Trung ương”.
Từ trái qua phải: Lý Cường, Hồ Xuân Hoa, Trần Mẫn Nhĩ
Điều này có nghĩa là Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc, vốn chỉ có thể bổ nhiệm và cách chức các quan chức cấp bộ, nay có quyền bổ nhiệm và cách chức các Phó thủ tướng, ủy viên Quốc vụ viện, Phó chủ tịch Quân ủy và các thành viên của Ủy ban Quân ủy.
Thay đổi này được cho nhằm mục đích tạo không gian cho sự điều chỉnh đối với vị trí Phó thủ tướng và Phó Chủ tich Quân ủy. Vì vậy, không loại trừ khả năng trước Đại hội khóa 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc sẽ sử dụng quyền hạn mới nhất này để chuẩn bị cho việc điều chỉnh thế hệ lãnh đạo kế nhiệm.
Vậy, ai sẽ trở thành người kế nhiệm của ông Tập Cận Bình? Hiện nay, những ứng cử viên tiềm năng được đánh giá cao gồm Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ; Ủy viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa và Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Thượng Hải Lý Cường.
Các ứng viên tiềm năng
Ứng cử viên thứ nhất, ông Trần Mẫn Nhĩ, sinh năm 1960, là cộng sự thân tín của Chủ tịch Tập Cận Bình. Sau Đại hội khóa 18, ông lần lượt giữ chức Chủ tịch, Bí thư tỉnh ủy Quý Châu, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Ông được nhiều người coi là người kế nhiệm tiềm năng nhất của ông Tập.
Gần đây, ông Vương Phú, nguyên Thư ký trưởng Thành ủy Trùng Khánh, được bổ nhiệm làm Phó Thị trưởng Trùng Khánh dẫn đến quan điểm cho rằng, ông Trần Mẫn Nhĩ có thể cũng sẽ có thay đổi về chức vụ. Bởi giới quan sát cho hay, tại Trung Quốc, việc điều chỉnh chức vụ của Thư ký trưởng thành ủy nói chung liên quan đến việc điều chỉnh chức vụ của người đứng đầu địa phương, cụ thể trong trường hợp này là ông Trần Mẫn Nhĩ.
Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu ông Trần Mẫn Nhĩ có phải là người đầu tiên được áp dụng quyền hạn mới nhất Ủy ban Thường vụ Quốc hội – bổ nhiệm các quan chức cấp phó nhà nước hay không.
Ứng cử viên thứ hai, ông Hồ Xuân Hoa, sinh năm 1963, thuộc đội ngũ lãnh đạo tiềm năng do cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bồi dưỡng, từng giữ chức Chủ tịch tỉnh Hà Bắc, Bí thư đảng ủy Khu tự trị Nội Mông, Ủy viên Bộ chính trị kiêm Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông.
Sau Đại hội khóa 19, ông Hồ Xuân Hoa chuyển từ Quảng Đông đến Bắc Kinh làm Phó Thủ tướng, đồng thời Tổ trưởng Tiểu tổ lãnh đạo Phát triển và Xóa đói giảm nghèo của Quốc vụ viện, hoàn thành công tác xóa đói giảm nghèo mà ông Tập Cận Bình rất coi trọng. Ở một mức độ nào đó, điều này thể hiện sự coi trọng và rèn luyện của ông Tập đối với ông Hồ Xuân Hoa. Tuy nhiên, từ trước tới nay tại Trung Quốc, chưa có tiền lệ một Phó Thủ tướng trở thành nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc. Do đó, đây cũng là trường hợp đáng lưu ý.
Ứng cử viên thứ ba, Lý Cường, sinh năm 1959, là người lớn tuổi nhất và cũng là cộng sự quan trọng của ông Tập. Đặc biệt, ông Lý Cường từng là Thư ký trưởng tỉnh ủy Chiết Giang thời kỳ ông Tập là Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang.
Sau Đại hội khóa 18, ông Lý Cường liên tiếp giữ các chức Chủ tịch tỉnh Chiết Giang, Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô và Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Đây là ba tỉnh thành thuộc khu vực phát triển nhất Trung Quốc.
Theo lý lịch trước đó, ông Lý Cường từng là Bí thư Thành ủy Vĩnh Khang (thành phố cấp quận/huyện) và Bí thư Thành ủy Ôn Châu (thành phố cấp tỉnh). Từ quận/huyện đến tỉnh, quá trình đào tạo tại địa phương của ông này phong phú, dày dặn hơn những người khác, điều này phù hợp với phong cách dùng người – coi trọng kinh nghiệm công tác địa phương – của ông Tập. Hơn nữa, Thượng Hải cũng là vùng đất đào tạo nhân tài của chính trường Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình cũng từng có thời gian giữ chức Bí thư thành ủy Thượng Hải trước khi được điều về trung ương.
Nhìn chung, các ông Trần Mẫn Nhĩ, Hồ Xuân Hoa và Lý Cường đều có lợi thế riêng nhưng với tình hình hiện tại, còn quá sớm để đưa ra kết luận ai trong số họ sẽ trở thành người kế nhiệm của ông Tập Cận Bình.
Ngoài ra, không loại trừ khả năng các Bí thư tỉnh ủy trẻ tuổi hơn cũng có thể nhanh chóng được đề bạt vào thế hệ kế nhiệm. Ví dụ, Bí thư tỉnh ủy Cát Lâm Cảnh Tuấn Hải (sinh năm 1960), Bí thư tỉnh ủy Hắc Long Giang Trương Khánh Vĩ (sinh năm 1961), Bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây Lưu Quốc Trung (sinh năm 1962) v.v….
Giới quan sát cho rằng, chỉ có thể đợi đến đại hội khóa 20 tới đây, mọi tín hiệu về người kế nhiệm ông Tập Cận Bình mới có thể rõ ràng hơn.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị