Câu chuyện về cây lim hơn 600 năm tuổi trút lá “hiến thân” làm cột cái trong Chính điện Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa), khiến du khách không khỏi bất ngờ.
Nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 50km về phía Tây Bắc, Lam Kinh nổi tiếng là vùng đất thiêng “địa linh nhân kiệt”. Đây cũng là quê hương của người anh hùng dân tộc Lê Lợi, sau này là nơi an nghỉ của các hoàng đế, vương hậu nhà Lê sơ.
Lam Kinh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012. Khu di tích được quy hoạch với tổng diện tích 200ha, trải rộng trên địa bàn 2 huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc (Thanh Hóa).
Ngày nay, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh là điểm du lịch yêu thích của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Bên trong khuôn viên rộng lớn của di tích có vô số loài cây quý hiếm tạo nên vẻ cổ kính, linh thiêng cho vùng đất này. Đặc biệt, câu chuyện về cây lim cổ thụ hơn 600 năm tuổi “hiến thân” trong Chính điện Lam Kinh khiến nhiều du khách bất ngờ.
Cây lim trút lá “hiến thân” đúng lúc phục dựng di tích
Theo sử sách ghi chép, Điện Lam Kinh được xây dựng vào năm 1433. Sau vụ hỏa hoạn không rõ nguyên nhân, năm 1448, vua Lê Nhân Tông xuống chiếu cho làm lại điện miếu ở Lam Kinh, chưa đầy một năm công trình hoàn thành.
Năm 1456, nhân dịp hành lễ ở Lam Kinh, nhà vua đã đặt tên cho 3 tòa nhà ở Chính điện Lam Kinh là Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh. Trải qua lịch sử hàng trăm năm với biết bao biến cố và thăng trầm, Lam Kinh dần trở thành phế tích.
Năm 2010, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 3232/QĐ-UBND về việc phỏng dựng lại Điện Lam Kinh. Công trình phỏng dựng bằng gỗ theo đúng quy mô, kích thước và kiến trúc xưa.
Chính điện Lam Kinh gồm 3 tòa điện lớn, cao 1,8m so với mặt sân Rồng. Kiến trúc của tòa điện theo hình chữ Công, tổng cộng 3 tòa gồm 19 gian 4 chái. Trong đó, Điện Quang Đức và Diên Khánh đều 7 gian 2 chái với gian giữa rộng nhất, 2 gian đầu hồi rộng 2m tạo thành hành lang bao quanh điện. Điện dọc ở giữa là Sùng Hiếu nối giữa 2 nhà có 5 gian.
Theo chân hướng dẫn viên du lịch, chúng tôi có thêm thông tin về quá trình trùng tu, phỏng dựng lại Chính điện Lam Kinh. Trong đó, kỳ bí nhất là câu chuyện cây lim cổ thụ hơn 600 năm tuổi đang xanh tốt bỗng dưng trút lá.
Khoảng nửa năm sau, cây lim xanh tốt ngày nào trở thành một cây khô từ trong ra ngoài và không còn sự sống. Lúc này, người dân địa phương cho rằng, phải chăng cây lim cổ thụ trút lá để “hiến thân” làm trụ cột trong Chính điện Lam Kinh.
“Sau khi báo cáo sự việc và được chấp thuận, Ban quản lý di tích đã làm lễ hạ cây. Tuy nhiên, khi hạ cây lim cổ thụ có rất nhiều điều đặc biệt được phát hiện. Tại buổi hạ cây, nhiều người đã nhìn thấy một dòng nhựa đen chảy ra từ giữa thân cây.
Kỳ lạ hơn, thông thường các cây lim cổ thụ sẽ bị tiêu tâm (rỗng ruột), nhưng cây lim này thì không, ruột vẫn đặc nguyên một khối rất thuận lợi để làm trụ cột trong Chính điện”, chị Lê Thị Loan, hướng dẫn viên khu di tích chia sẻ.
Nhiều sự trùng khớp đến kỳ lạ
Chưa dừng lại, sau khi gọt bỏ phần vỏ cây, người ta phát hiện một điều trùng khớp đến ngẫu nhiên đó là lõi cây trùng khít với chân tảng cột cái nằm giữa ở Chính điện Lam Kinh.
Ngọn cây vừa với chân tảng cột quân, hai nhánh cây đủ làm một cột con và một thượng lương. Với những điều trùng khớp ngạc nhiên như vậy, nhiều người cho rằng cây lim cổ thụ đã “hiến thân” để phục dựng lại Chính điện.
Hiện, cột cái của cây lim “hiến thân” được đặt ở hậu điện, cạnh long sàng nơi các vua ngự khi về bái yết sơn lăng.
Tiếp tục theo chân hướng dẫn viên đến vị trí cây lim “hiến thân” từng sinh trưởng suốt hơn 600 năm. Nơi đây chỉ còn sót lại một vài nhánh củi khô được cho là rễ của cây lim đã chết.
Trước đây, Ban quản lý khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh từng nhiều lần trồng cây lim nhỏ thay thế, song không có cây nào sinh trưởng và phát triển được.
Ngày nay, vị trí nơi cây lim cổ thụ từng sinh trưởng, phát triển trở thành điểm dừng chân yêu thích của du khách khi ghé thăm vùng đất thiêng Lam Kinh. Trên hành trình tham quan, du khách được hướng dẫn viên giới thiệu câu chuyện đầy kỳ bí về cây lim già đã “hiến thân” mình làm cột cái trong tòa Chính điện Lam Kinh năm nào.
Theo phụ nữ mới