Lần cuối cùng tốc độ tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc tương đương nhau là trong thời kỳ bùng nổ của các công ty công nghệ cao.
Trong nhiều thập kỷ, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của Mỹ. Thế nhưng xu hướng này có thể bị phá vỡ vào năm nay, khi sự phục hồi của nước Mỹ sau đại dịch Covid-19 đang cho thấy những tín hiệu tích cực, theo CNN.
Các nhà kinh tế học đang nhanh chóng nâng mức dự báo tăng trưởng của Mỹ khi hoạt động tiêm chủng vaccine COVID-19 trên toàn quốc được đẩy nhanh và sau khi Washington thông qua gói kích thích 1,9 nghìn tỷ USD, lớn hơn nhiều so với mức mà nhiều người kì vọng cách đây vài tháng.
Hãng tư vấn Goldman Sachs đang đặt mức dự đoán tăng trưởng GDP Mỹ năm 2021 là 6,9%, tỉ lệ cao nhất kể từ năm 1984. Hãng tư vấn Morgan Stanley thậm chí còn lạc quan hơn, dự đoán con số này là 7,3%. Những con số này sẽ vượt qua mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn của chính phủ Trung Quốc năm nay là 6%. Quan trọng hơn, theo khảo sát ý kiến của Refinitiv, những ước tính của Phố Wall về tốc độ tăng trưởng của Mỹ không xa so với dự báo 8,4% cho nền kinh tế Trung Quốc.
Tất cả những điều này có nghĩa là tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ có thể ngang bằng hoặc thậm chí có thể vượt qua tốc độ của Trung Quốc. Đây sẽ là một thành tựu đáng chú ý, vì xứ cờ hoa có một nền kinh tế phát triển hơn rất nhiều, nhưng kể từ sau cuộc Đại Suy thoái luôn bị kinh tế Trung Quốc qua mặt.
Ông Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại hãng RSM cho biết: “Kinh tế Mỹ đang đuổi kịp Trung Quốc rất gần rồi và tôi nghĩ rằng chúng ta rất có thể quay trở lại vị thế số 1 trên thế giới”.
Đối với những người dân Mỹ, sự lạc quan này báo hiệu một thị trường việc làm sáng sủa hơn và triển vọng tương lai tốt đẹp hơn sau một năm 2020 cực kì khó khăn. Hãng Morgan Stanley dự kiến tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ giảm xuống dưới 5% vào cuối năm nay và dưới 4% vào cuối năm 2022.
Kinh tế Trung Quốc đã luôn vượt Mỹ trong suốt 45 năm
Lần cuối cùng tốc độ tăng trưởng của hai quốc gia tương đương nhau là trong thời kỳ bùng nổ của các công ty công nghệ cao. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Mỹ năm 1999 tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 4,8% và Trung Quốc ở mức 7,7%. Cũng theo nguồn thống kê này, Mỹ đã không vượt qua tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc kể từ năm 1976.
Ông Brusuelas gần đây đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ lên 7,2% cho năm 2021 vì quy mô của gói giải cứu kinh tế sau dịch COVID-19 và tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 đang diễn ra rất nhanh. Và nhà kinh tế học của hãng RSM cho biết ông có thể vẫn còn hơi bi quan. “Tất cả chúng ta có thể đang đánh giá thấp sự hồi phục kinh tế sắp xảy ra”, ông Brusuelas nói “Đây có thể là lần tăng trưởng quy mô kinh tế lớn nhất của nước Mỹ kể từ giữa thế kỷ 20”.
Điều đó sẽ hoàn toàn trái ngược với lần phục hồi kinh tế gần nhất. Khi sự phục hồi từ cuộc Đại suy thoái diễn ra vào năm 2010, mức tăng trưởng GDP 10,6% của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần so với của Mỹ. Và vào năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 nổ ra, Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ gần gấp 3 lần so với Mỹ. Tất nhiên, đây chỉ là những dự báo. Sự phục hồi của nước Mỹ có thể mất đi nếu quá trình tiêm chủng gặp gián đoạn, các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây ra nhiều vấn đề hơn hoặc các trở ngại khác xuất hiện.
Và điều quan trọng cần lưu ý là nếu năm nay Mỹ cạnh tranh tốc độ tăng tăng trưởng với Trung Quốc, thì việc này có thể diễn ra một lần duy nhất.
Trung Quốc là một nền kinh tế trẻ hơn nhiều, với lợi thế về nhân khẩu học và năng suất sẽ giúp cho Bắc Kinh sở hữu tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trong trung và dài hạn. “Rất khó có khả năng sự kiện lịch sử này sẽ lặp lại sau năm 2021 vì tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc luôn cao hơn của Mỹ”, bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại ngân hàng Pháp Natixis, cho biết.
Mỹ: Động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu mới
Tuy nhiên, Mỹ trong năm 2021 được dự đoán sẽ tạm thời thay thế Trung Quốc trở thành động lực tăng trưởng kinh tế mạnh nhất trên thế giới.
Oxford Economics kỳ vọng tỉ lệ đóng góp của Mỹ vào tăng trưởng toàn cầu năm 2021 sẽ nhiều hơn của Trung Quốc. Đây là điều chưa từng xảy ra trong suốt 15 năm qua.
“Nền kinh tế Mỹ sẽ một lần nữa trở thành đầu tàu toàn cầu. Và nó sẽ giúp kéo phần còn lại của thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra”, ông Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại Oxford Economics, cho biết.
Ông Daco đang kỳ vọng mức tăng trưởng GDP của Mỹ ở mức 7% trong năm nay, và ông cũng tự hỏi liệu các nhà kinh tế có đang đánh giá thấp tốc độ phục hồi như họ đã từng làm khi đại dịch COVID-19 giảm bớt những tác động tiêu cực trong vài tháng mùa hè năm ngoái hay không.
“Mọi người đã rất ngạc nhiên về tốc độ phục hồi sau cú sốc chưa từng có này. Chúng tôi có thể sẽ ngạc nhiên thêm một lần nữa”, ông Daco nói. “Đôi khi, bạn sẽ cảm thấy khá kì quặc khi vừa bước ra khỏi thời kỳ suy thoái sâu, nhưng chúng ta có những điều kiện phù hợp để tạo nên cú phục hồi mạnh mẽ như vậy”.
Cuộc bầu cử thượng viện ở bang Georgia là nhân tố thay đổi cuộc chơi
Kế hoạch cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD là một yếu tố chính đằng sau tâm lý lạc quan này. Sau cuộc bầu cử tổng thống mà ứng viên Đảng Dân Chủ Joe Biden giành chiến thắng vào tháng 11 năm ngoái, nhiều nhà kinh tế cho rằng một Washington vốn đang bị chia rẽ sâu sắc sẽ chỉ có thể đồng thuận về một gói kích thích kinh tế ở quy mô tương đối khiêm tốn trong năm nay.
Tuy nhiên, tính toán này đã thay đổi hoàn toàn sau khi đảng Dân chủ tái đắc cử Thượng viện vào tháng giêng bằng cách chiến thắng đúp ở bang Georgia. Sự kiện này đã mở ra cánh cửa cho quyết định thông qua dự luật thúc đẩy kinh tế. Chỉ 24 giờ sau khi các cuộc chạy đua ở bang Georgia chính thức kết thúc, hãng Goldman Sachs đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ lên mức 6,4%, từ mức 5,9% trước đó và cao hơn mức đồng thuận khoảng 3,9%. Goldman Sachs dự đoán chính phủ sẽ thông qua gói kích thích tài chính trị giá 750 tỷ USD vào tháng Hai hoặc tháng Ba.
Trên thực tế, Washington cuối cùng đã ban hành một gói kích thích lớn hơn rất nhiều – trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, bao gồm 1.400 USD hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người dân, các khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung, mức tín dụng lớn hơn cho các hộ gia đình có con nhỏ và 350 tỷ USD hỗ trợ cho các bang và chính quyền địa phương.
Niềm hi vọng mở cửa nền kinh tế đang tăng lên
Ngoài gói giải cứu kinh tế từ chính phủ, triển vọng kinh tế Mỹ cũng đang được tiếp thêm nhiên liệu bởi những tiến triển đáng kể trong việc kiểm soát đại dịch. Việc tăng tốc triển khai hoạt động tiêm vaccine, cùng với số ca nhiễm và số ca tử vong do COVID-19 đang giảm dần, đang làm dấy lên hy vọng rằng các quy định hạn chế phòng dịch gây cản trở kinh tế có thể được dỡ bỏ sớm hơn dự kiến.
Và điều này sẽ giải phóng những nhu cầu khổng lồ bị dồn nén lâu ngày của người Mỹ là đi ăn nhà hàng, đi xem phim, lưu trú trong khách sạn và đi lại bằng máy bay. Nhiều người tiêu dùng đã tích trữ tiền mặt chỉ để chờ đợi thời điểm này. Hãng tư vấn Morgan Stanley ước tính các hộ gia đình Mỹ đã tiết kiệm được 2,3 nghìn tỷ USD. Khoản tiền khổng lồ này có thể được chi tiêu khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Hãng tư vấn này cũng cho biết kinh tế Mỹ đang trên đà quay trở lại trạng thái thời kỳ trước khủng hoảng ngay từ cuối tháng 3. “Mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ mang tới nhiều điểm tích cực, tỷ lệ tiêm chủng vaccine covid đang gia tăng và thị trường lao động đang lấy đà phát triển”, các nhà kinh tế của Morgan Stanley viết.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị