Dự án dự kiến khai thác mỏ trên diện tích 105,73 ha và có trữ lượng quặng phong hóa khoảng 382.486 tấn đất hiếm.
Tiềm năng phát triển của Lai Châu
Lai Châu là tỉnh có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, đồng thời có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế-xã hội, nhất là về nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, thủy điện, khai khoáng và thương mại, xuất nhập khẩu, kinh tế cửa khẩu.
Lai Châu là vùng đất rộng, người thưa, diện tích tự nhiên trên 9.000 km² (đứng thứ 10/63 địa phương trên cả nước); dân số trên 489.000 người (thứ 62/63) với 20 dân tộc anh em, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 85% (dân tộc Thái chiếm 32,3%, Mông 21,5%, Dao 13,2%, Kinh 15,3%, Hà Nhì 3,1%…).
Lai Châu thuận lợi phát triển kinh tế biên mậu với đường biên giới dài trên 265 km giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Hiện có 1 cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng; 1 cặp cửa khẩu phụ U Ma Tu Khoòng và 6 lối mở.
Nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, gồm cả khoáng sản vật liệu xây dựng, khoáng sản kim loại, khoáng chất công nghiệp, trong đó có đất hiếm và nguồn nước khoáng. Hiện tỉnh có 169 mỏ, điểm mỏ, điểm quặng và điểm khoáng hóa.
Khí hậu trung tính và tương đối ôn hòa, ít chịu ảnh hưởng của bão. Tài nguyên đất khá đa dạng, thuận lợi phát triển cây lương thực (lúa chất lượng cao và đặc sản), cây ăn quả, cây dược liệu (sâm), đặc biệt là một số loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, như: Cao su, chè, quế, sơn tra, mắc ca…
Diện tích rừng lớn (trên 494.000 ha), trong đó diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng chiếm 58,8%, rừng sản xuất chiếm 41,2%, vừa đảm bảo an ninh môi trường, vừa đủ diện tích phát triển rừng sản xuất, tạo sản phẩm gỗ và lâm sản để phát triển kinh tế.
Tài nguyên nước phong phú với vị trí nằm trong khu vực đầu nguồn và phòng hộ đặc biệt xung yếu, điều tiết nguồn nước trực tiếp cho các công trình thủy điện lớn trên sông Đà, đảm bảo sự phát triển bền vững cả vùng châu thổ sông Hồng, có nhiều thác ghềnh, lưu lượng lớn, tiềm năng thủy điện lớn.
Lai Châu có nền văn hóa đa dạng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, giàu tiềm năng du lịch. Nghệ thuật Xòe Thái và thực hành Then của người Thái được UNESCO ghi danh vào di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tỉnh có nhiều lễ hội truyền thống các dân tộc, những nét đặc sắc về ẩm thực (mật ong Mường Tè, rượu ngô Sùng Phài, cơm lam, cáp long (cá suối ướp chua), pa pỉnh tộp (cá nướng)…), trang phục, kiến trúc, phong tục tập quán; các nghề thủ công truyền thống được gìn giữ và phát triển mạnh; nhiều danh lam, thắng cảnh giàu tiềm năng.
Chấp thuận khai thác mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe
GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2023 tăng 3,91%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 47,2 triệu đồng, tăng 3,4 triệu đồng so với năm 2020.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (tỉ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 38,03%; dịch vụ chiếm 40,14%; nông nghiệp chiếm 15,16%).
Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chú trọng phát triển giống lúa chất lượng cao, cây trồng có lợi thế và giá trị gia tăng cao. Hiện có gần 3,9 nghìn ha trồng lúa (sản lượng 20,3 nghìn tấn); 9.786 ha chè (sản lượng khoảng 54 nghìn tấn); 12.940 ha cao su (sản lượng gần 10,8 nghìn tấn mủ khô); trên 7,3 nghìn ha mắc ca (sản lượng gần 4,7 nghìn tấn)… Toàn tỉnh có 171 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, 41,5% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Dịch vụ, du lịch phát triển khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng tăng 12,9%, trung bình giai đoạn 2021 – 2023 tăng khá cao (tăng bình quân 10,8%/năm). Du lịch được quan tâm phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; khách du lịch tăng bình quân 33,2%/năm (vượt mục tiêu của nhiệm kỳ là tăng bình quân 20%/năm).
Về công nghiệp, đáng chú ý là tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư dự án khai thác, chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe với tổng công suất thiết kế khai thác 400.000 – 600.000 tấn/năm quặng đất hiếm nguyên khai.
Được biết, mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tổng trữ lượng tài nguyên cả quặng gốc và quặng phong hóa là trên 7,5 triệu tấn đất hiếm (7.536.428 tấn). Trong đó trữ lượng, tài nguyên đất hiếm phong hóa của mỏ được phê duyệt là 1,16 tấn đất hiếm (1.167.381 tấn). Khoáng sản đi kèm là barit, trữ lượng gần 3 triệu tấn (2.964.230 tấn BaSO4).
Tại mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe UBND tỉnh Lai Châu đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án khai thác và chế biến mỏ cho Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải. Dự án dự kiến khai thác mỏ trên diện tích 105,73 ha và có trữ lượng quặng phong hóa khoảng 382.486 tấn đất hiếm.
Về kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được quan tâm đầu tư. Hiện có 99% xã có đường xe máy hoặc ô tô đi lại thuận lợi; 99,7% trường học và 94,2% trạm y tế được xây dựng kiên cố. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai tích cực.
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh. Năm 2022, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 27 cả nước, tăng 28 bậc so với năm 2020; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 24, tăng 14 bậc; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 35, tăng 01 bậc.
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo có nhiều tiến bộ, đời sống của nhân dân được nâng lên. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Lai Châu là tỉnh có có tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhất cả nước giai đoạn 2006 – 2021. Tỉ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2023 giảm bình quân 3,4%/năm, riêng huyện nghèo giảm bình quân 4,7%, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra (lần lượt là 3% và 4%).
Theo Phụ nữ số