Mọi sự may mắn trên đời đều có nhân quả!
Trong một cuộc phỏng vấn, Bành Khải Bình, giám đốc Khoa Tâm lý học tại Đại học Thanh Hoa, đã đề cập đến một kết luận nghiên cứu như sau: Biết ơn người khác là đang tích lũy của cải cho chính mình, người luôn biết ơn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
Hsing Yun một nhà sư, giáo viên và nhà từ thiện Phật giáo Trung Quốc cũng từng nói: Hãy phát triển lòng biết ơn trong lòng, lòng biết ơn chính là của cải.
Tại sao lại nói như vậy? Hãy để tôi kể cho bạn nghe một vài câu chuyện.
01
Có một doanh nhân gặp rất nhiều khó khăn khi bắt đầu công việc kinh doanh của mình. Lúc này, một người bạn đã cho cô vay 260 triệu đồng để cô có tiền mua máy chủ và xây dựng trang web. Người bạn cũng không hề thúc ép cô phải trả lại tiền, vì vậy, cô vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.
Sau này, trang web ngày càng lớn mạnh, lãnh đạo cấp cao của công ty nói rằng họ nên nhanh chóng chi số tiền gấp hai hoặc ba lần để nhanh chóng giải quyết nợ nần với người bạn kia. Nhưng cô lại nói: “Không, khi xưa, tôi xây dựng được công ty lớn mạnh như hiện tại, đều là nhờ vào 260 triệu đồng này. Tôi sẽ không trả anh ấy tiền mặt. Tôi muốn anh ấy phát triển cùng công ty, mang lại cho anh ấy thu nhập cao hơn.”
Sau này, website cần tài trợ, so với các công ty cùng lĩnh vực chuyên môn, cô không có lợi thế gì.
Tuy nhiên, sau khi các nhà đầu tư nghe được câu chuyện về cô và người bạn cho vay tiền, họ nghĩ cô là một người có lòng biết ơn và nếu đầu tư tiền vào cô, chắc chắn họ sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn.
Vì vậy các nhà đầu tư đã vượt qua mọi sự phản đối và trao cơ hội cho cô. Cô cũng dựa vào nguồn tài chính này để làm cho trang web ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, và nó cuối cùng cũng đã được niêm yết trên Nasdaq. Cô gái đó chính là Cung Hải Yên, người sáng lập trang web Jiayuan.com nổi tiếng của Trung Quốc.
Tôi từng đọc được một câu: Những nhà đầu tư thiên tài đầu tư vào bản chất con người, và lòng biết ơn là điều quý giá nhất ở mỗi con người.
Chỉ có người mang trong mình lòng biết ơn mới nhớ được cái tốt của người khác, biết báo đáp, và biết làm cho người ta an tâm.
Khi bạn quan tâm đến người khác và luôn nghĩ đến việc đền đáp cho người khác thì cơ hội sẽ âm thầm rơi vào tay bạn.
02
Lực là sinh viên đại học tại một ngôi trường ngoại ngữ. Gia đình anh vốn có hoàn cảnh khó khăn và anh cần một công việc làm thêm. Một người Mỹ tên là William đã tìm thấy anh và thuê anh làm thông dịch viên.
Khi đó William đang đưa vợ đi khám bác sĩ, để cảm ơn William đã cho anh cơ hội việc làm, Lực không chỉ phiên dịch mà còn giúp William đăng ký thuốc, xếp hàng và chạy khắp các khoa cần thiết.
Sau khi một trong những người bạn cùng lớp của Lực biết được hoàn cảnh của anh, người đó đã giới thiệu cho anh một công việc bán thời gian khác với thu nhập cao hơn. Lực lúc đó rất cảm động, suy nghĩ rất lâu, cuối cùng anh vẫn quyết định từ chối.
Anh kể: “Chính William đã tìm đến tôi khi tôi đang cần việc gấp. Hơn nữa, tôi cũng đã quen với bệnh tình của vợ anh ấy. Người lạ sẽ khó giao tiếp với bác sĩ hơn, điều này sẽ gây bất lợi trong quá trình khám.” Cứ như vậy, Lực đã đảm nhận công việc này cho đến khi kỳ nghỉ lễ kết thúc.
Ba năm sau, Lực tốt nghiệp đại học, dù đã nộp rất nhiều hồ sơ nhưng vẫn không tìm được việc làm. Lúc này, anh nhận được thư của William, mời anh làm đại lý của công ty ở thành phố sở tại, chế độ lương thưởng cũng vô cùng hậu hĩnh.
Thì ra, vợ của William đã qua đời không lâu sau khi hai người tạm biệt nhau, William sau đó đã khởi động lại công việc kinh doanh gần như phá sản của mình và từng bước phát triển nó lớn hơn. Anh ấy chưa bao giờ quên lòng tốt của Lực với mình, giờ đây công ty đang phát triển kinh doanh ra nước ngoài, Lực là người đầu tiên anh ấy nghĩ đến.
Nhà tâm lý học Adam Grant từng đưa ra một kết luận rằng: “Cùng là đưa ra sự giúp đỡ, người nhận được lòng biết ơn sẽ dễ dàng đưa ra sự trợ giúp thứ hai hơn những người không nhận được lời cảm ơn.”
Mọi sự may mắn trên đời đều có nhân quả.
Chỉ khi bạn trân trọng nỗ lực của người khác, người khác mới muốn bỏ ra cho bạn; chỉ khi bạn không bỏ rơi người khác khi họ gặp khó khăn, người khác mới sẵn lòng giúp đỡ bạn lần nữa khi bạn gặp khó khăn.
Đừng sống vô ơn và cũng đừng quên người từng giúp đỡ mình, và bạn sẽ không ngừng được số phận ưu ái.
03
Một cư dân mạng đã chia sẻ câu chuyện của mình như sau. Anh là nhà thiết kế cho một công ty quảng cáo và được trụ sở chính cử sang Đức làm việc. So với không khí làm việc tương đối thoải mái và tự do ở trong nước, môi trường làm việc ở Đức căng thẳng, nghiêm túc và có cảm giác rất vội vã, anh rất khó chịu với điều đó. Anh phàn nàn với sếp: “Ở đây thật kinh khủng. Tôi giống như một con cá ở Biển Chết. Đến thở cũng khó khăn”.
Ông chủ không nói nhiều mà chỉ dạy cho anh một phương pháp: “Hãy nói ‘Tôi biết ơn’ hoặc ‘Cảm ơn’ ít nhất 50 lần một ngày. Hãy nhớ rằng, hãy làm điều đó với một nụ cười và từ tận đáy lòng.”
Ban đầu anh vốn không coi trọng điều đó nhưng khi nghĩ đến công việc đau đầu, anh đã quyết định thử. Lúc đầu, anh cảm thấy rất lúng túng, nhưng dần dần, anh nhận thấy các đồng nghiệp xung quanh có vẻ thân thiện hơn rất nhiều, môi trường không còn tệ như trước, hiệu quả công việc cũng được cải thiện.
Cuối cùng, anh không những hòa thuận được với đồng nghiệp mà còn được thăng chức từ một nhà thiết kế nhỏ lên giám đốc thiết kế, lương đồng thời cũng tăng lên gấp mấy lần.
Tôi chợt nhớ đến câu nói của nhà văn Byrne: “Dù bạn là ai hay đang ở trong môi trường nào, lòng biết ơn sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc đời bạn.”
Lòng biết ơn sẽ tạo ra từ trường thu hút tiền bạc.
Khi bạn làm mọi việc với thái độ biết ơn, sự giàu có sẽ tự nhiên đến với bạn.
04
Stevens là một lập trình viên đột nhiên bị mất việc ở tuổi trung niên, anh đã tìm việc hơn một tháng nhưng không có kết quả.
Khó khăn lắm mới vượt qua bài kiểm tra viết của một công ty phần mềm, nhưng trong cuộc phỏng vấn, anh ấy lại không may bị loại. Nhưng anh không nản lòng và viết thư cảm ơn tới công ty:
“Công ty của các bạn đã dành nhân lực và vật lực để cung cấp cho tôi cơ hội thi viết và phỏng vấn. Dù bị từ chối nhưng tôi đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm và cũng học được nhiều điều thông qua lần ứng tuyển này. Cảm ơn vì sự nỗ lực của công ty, một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn!”
Ba tháng sau, anh bất ngờ nhận được lời mời làm việc từ công ty. Thì ra bức thư đã được nhiều người biết tới và nó cuối cùng cũng tới tai của tổng giám đốc. Đã có rất nhiều người đến công ty phỏng vấn, nhưng anh ấy là người duy nhất viết thư cảm ơn. Một lá thư cảm ơn có vẻ tầm thường nhưng nó ở một khía cạnh nào đó phản ánh trực tiếp nhất tính cách của một người. Theo quan điểm của vị CEO, những người có lòng biết ơn là những người làm việc chăm chỉ và đáng tin cậy.
Hơn mười năm sau, Stevens đã tạo ra giá trị to lớn cho công ty bằng thành tích xuất sắc của mình. Công ty đó là Microsoft và Stevens sau này là phó tổng giám đốc của Microsoft.
Một nhà văn đã từng nói: Nếu bạn quan tâm đến người khác, chân tình của bạn sẽ được đền đáp; nếu bạn biết ơn, quý nhân sẽ ưu ái bạn.
Lòng biết ơn chỉ là một khía cạnh nhỏ của đạo đức, nhưng nó lại sở hữu sức mạnh lớn nhất.
Hãy luôn nhớ đến những điều tốt đẹp của người khác, rèn luyện cái “tâm” của chính mình, có như vậy, sự giàu có trên thế giới sẽ ở lại với bạn.
***
Bàn về những thành tựu của mình trong sự nghiệp, “bậc thầy tiếp thị” Ippei Hara của Nhật Bản cho rằng đó là nhờ cái mà ông gọi là “tam ân”.
Hai trong số những ân huệ này là ân huệ của xã hội và ân huệ của khách hàng.
Các công ty Nhật Bản còn được gọi là “xã” (xã hội hay cộng đồng), chính sự vun đắp của “xã”, sự giúp đỡ của đồng nghiệp và sự tin tưởng của khách hàng đã giúp anh lần lượt giành được các đơn hàng.
Vì điều này, anh giữ lại 10% thu nhập cho bản thân, phần còn lại, anh chia sẻ cho đồng nghiệp và khách hàng dưới nhiều hình thức khác nhau để bày tỏ lòng biết ơn.
Đổi lại, các đồng nghiệp và khách hàng cũng giúp anh phát triển và đạt được những kết quả tuyệt vời.
Thành tựu của một người, trên thực tế không chỉ dựa vào sức của một mình họ.
Mọi thành tựu của một người đều có sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Đối nhân xử thế bằng tấm lòng biết ơn, nhất cử nhất động của bạn đều đang âm thầm tích lũy cho bạn của cải.
Theo Hiểu Đan–Đời sống & pháp luật