Năm 2016 chàng kiến trúc sư trẻ Phạm Xuân Thành (sinh năm 1991) quyết định bỏ công việc ở thành phố về quê khởi nghiệp với một nghề mới chẳng liên quan đến những gì anh đã được đào tạo.
Nhiều năm trở lại đây, cây đước được bà con Cà Mau trồng làm rừng ngập mặn ven biển. Rừng đước ngập mặn trở thành môi trường thuận lợi để người dân nơi đây có nghề đánh bắt thủy hải sản tự nhiên nổi tiếng.
Công tác bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả khi con người và sinh vật cùng tương hỗ lẫn nhau trong cuộc sống. Rừng nuôi dưỡng nguồn lợi từ thiên nhiên, còn người dân vùng rừng hưởng lợi ích từ rừng, trồng và bảo vệ rừng.
Gọi là nuôi nhưng thực chất thủy hải sản nơi đây tự ăn thức ăn có sẵn trong thiên nhiên mà sinh sôi nảy nở. Dưới hệ thống chằng chịt, nhiều con rạch dẫn nước thủy triều từ biển vào rừng hằng ngày rồi rút ra đã mang đến cho nơi này nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, đủ để nuôi lớn tôm, cua, cá dưới tán rừng.
Cuộc sống gắn với con tôm, con cá ở rừng đước dường như đã gắn chặt với chàng kiến trúc sư Phạm Xuân Thành dù ngay từ năm lớp 10, gia đình đã định hướng cho anh sẽ thi vào ngành kiến trúc vì thấy anh có năng khiếu vẽ.
Đúng như nguyện vọng, năm 2009 Phạm Xuân Thành thi đậu vào ĐH Kiến trúc TP.HCM, chuyên ngành Quy hoạch vùng và đô thị. Năm 2014, chàng kiến trúc sư trẻ ra trường và đi làm đúng ngành nghề mình đã chọn. Ngoài giờ đi làm hàng ngày, anh còn bán tôm online giúp gia đình.
Cứ như thế trong hai năm, bỗng “một ngày đẹp trời”, năm 2016 Phạm Xuân Thành chợt nhận ra bản thân… không thích hợp với công việc của một kiến trúc sư. Và ngã rẽ với anh bắt đầu từ đó.
“10 năm theo đuổi ước mơ làm kiến trúc sư, con đường đẹp đẽ mà nhiều người yêu thích nhưng bản thân tôi cảm thấy cần lựa chọn lại ngay lúc này”, anh Phạm Xuân Thành chia sẻ.
“Mình tự hỏi ước mơ của mình là gì? Giá trị mình theo đuổi là gì? Giữa công việc hiện tại và việc đi bán tôm, cái nào mình cảm thấy hạnh phúc hơn? Và tôi đã quyết định nghỉ việc, thành lập công ty trong âm thầm, bắt đầu từ con số không”.
Từ bỏ công việc, về lại quê hương Cà Mau cùng ước mơ nâng cao giá trị cho những sản phẩm từ rừng ngập mặn, Phạm Xuân Thành thành lập Công ty TNHH Con Tôm, với thương hiệu Con Tôm Rừng.
Con Tôm Rừng cũng có nghĩa là tôm tự nhiên ở rừng ngập mặn Cà Mau. Nguồn thức ăn của tôm là rong, tảo và các sinh vật phù du có trong rừng. Tôm cá ở đây thu hoạch mỗi tháng 2 lần theo con nước vào ngày rằm và con nước đầu tháng.
Khi xả nước, tôm cá sẽ đi ăn theo dòng, mô hình này khai thác hoàn toàn tự nhiên nhưng vẫn nương theo tự nhiên. Nghĩa là người dân phải trồng và bảo vệ rừng ngập mặn để tạo dựng hệ sinh thái thì mới có thể thu lợi hải sản. Vì hoàn toàn tự nhiên nên con tôm, con cá nơi đây không ăn thức ăn công nghiệp, và cũng không có thuốc kháng sinh.
Có 9ha rừng được nhà nước giao khoán cho gia đình đã hơn 30 năm, song vì chưa có kinh nghiệm kinh doanh nên những ngày đầu khởi nghiệp với Thành là những ngày vô cùng mệt mỏi. Nhưng sự mệt mỏi đó theo anh là mệt trong hạnh phúc vì đó là con đường anh đã chọn.
“Tôi không biết bắt đầu từ đâu, không biết phải làm như thế nào bởi không có ai hướng dẫn cả. Thời gian này vừa làm vừa học, tích luỹ kiến thức và sửa sai dần dần. Người thân dù không phản đối nhưng không hẳn chấp nhận. Dù gì tôi cũng đã quyết định rồi nên phản đối cũng không thay đổi được, nhưng sự tin tưởng là không có”, anh Thành kể lại.
Chàng kiến trúc trẻ chia sẻ, những ngày đầu mới khởi nghiệp khi chưa tìm được thị trường tiêu thụ tôm, lại chưa có kinh nghiệm bán hàng như thế nào nên Thành đưa những con tôm rừng của anh giới thiệu tại TP.HCM.
Rất may sau đó anh đã bán được những sản phẩm đầu tiên, tìm được thị trường nhờ gặp được nhiều người hỗ trợ và giúp đỡ.
Và rồi theo thời gian, anh Thành cũng tạo dựng được sự tin tưởng của gia đình và những người xung quanh. Con Tôm Rừng với sản phẩm chủ lực gồm: tôm khô truyền thống Cà Mau; mắm tôm chua Cà Mau; riêu tôm đông lạnh; tôm đất đông lạnh; tôm thẻ lột vỏ đông lạnh,… đã có mặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… thông qua các kênh phân phối trực tiếp như cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị và cả kênh bán hàng trực tuyến.
Trung bình mỗi tháng công ty sử dụng khoảng 500kg tôm nguyên liệu để sản xuất cho các loại sản phẩm. Dù mới chỉ phát triển ở quy mô nhỏ, nhưng Công ty TNHH Con Tôm hiện đang tạo công ăn việc làm trực tiếp cho 20 người lao động địa phương.
Không chỉ dừng lại ở việc nâng cao giá trị con tôm rừng, Phạm Xuân Thành còn mở homestay vào năm 2017 để thu hút khách du lịch đến với rừng đước Cà Mau, nơi giao thông chủ yếu bằng đường sông. Thông qua du lịch, du khách có thể hiểu được những giá trị từ rừng ngập mặn Cà Mau mang lại, và họ cũng chính là khách hàng của Con Tôm Rừng.
“Tôi không dám nói rằng tôi sẽ gìn giữ cho cả hệ sinh thái rừng ngập mặn ở đây, nhưng ít ra 9ha của gia đình tôi vẫn giữ được.”, anh Thành khẳng định.
Giữ được rừng cũng chính là giữ môi trường sống cho các loài thủy hải sản, và cũng là giữ sinh kế cho người dân ven biển. Đó là động lực để Phạm Xuân Thành nuôi dưỡng ước mơ và tiếp tục chia sẻ những giá trị từ rừng ngập mặn Cà Mau.
Theo infonet