Áp dụng mô hình trồng cây sương sâm trên diện tích hơn 3.000 m2, nông dân Nguyễn Quang Định (xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) thu về mỗi năm khoảng 1 tỉ đồng từ loài cây này.
Trước đây, bà con hay dùng lá sương sâm để làm món ăn giải nhiệt vào những ngày nắng nóng. Dần dà, từ quê ra phố, sương sâm trở thành món ăn vặt được nhiều người ưa chuộng.
Nắm bắt được nhu cầu ấy, lão nông Nguyễn Quang Định đã học cách trồng cây sương sâm ở miền Nam, mang giống cây này về Quảng Nam trồng thử nghiệm nhằm phát triển mô hình trồng cây sương sâm tại quê nhà.
Gắn bó cùng cây sương sâm đã hơn 10 năm, kinh nghiệm canh tác dày dặn, ông Định cho biết loài cây này rất dễ trồng, càng nắng càng phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao và mỗi vụ thu hoạch đều chưa từng bị ế hàng, đôi khi còn “cháy” hàng.
Chia sẻ kinh nghiệm cách chăm sóc cây sương sâm tại vườn, lão nông này cho biết gốc sương sâm cần được trồng trong trụ sắt vững chắc, thiết kế giàn leo bằng dây, đưa lên cao để tiết kiệm diện tích.
Loại cây này tuy ít bị sâu bệnh hại nhưng rất sợ úng vì úng sẽ dễ bị bệnh, nhất là bệnh thối rễ gây chết nhanh. Nếu đất không tơi xốp và thoát nước thì bệnh hại có điều kiện phát triển mạnh, gây chết hoàn toàn…
Vì vậy, ông luôn tích cực chăm sóc để phòng trừ cỏ dại mọc, xây dựng hệ thống tưới nước tự động, các rãnh thoát nước chống ngập úng, tưới tiêu phải hợp lý; đặc biệt, cây sương sâm của ông không có thuốc trừ sâu độc hại, sạch, lá lớn khỏe. Nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch cây sương sâm sau 5-6 tháng, trung bình một năm thu hoạch 2 vụ.
Vào những tháng nắng nóng, người dân có nhu cầu giải nhiệt, làm mát cơ thể cao nên sương sâm càng được nhiều người ưa thích, hút hàng trên thị trường.
Hiện tại, giá bán lá sương sâm của gia đình ông trên thị trường tương đối cao và ổn định, trung bình khoảng 100.000 đồng/kg, cũng có những thời điểm lên tới 150.000 đồng/kg. Sản lượng sương sâm bình quân của gia đình ông đạt 20 tấn/năm.
Ông Thân Văn Quyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Anh Nam, đánh giá: “Nhờ tìm tòi, học hỏi và lao động sáng tạo, mô hình trồng cây sương sâm của nông dân Nguyễn Quang Định rất mới mẻ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân rất chuộng mô hình này ở địa phương”.
Không chỉ phổ biến loài cây này tại nơi sinh sống, ông Định cũng tích cực vận chuyển sương sâm sau thu hoạch đến nhiều điểm thu mua ở khu vực miền Trung để tăng nguồn thu, mở rộng việc kinh doanh sương sâm.
“Sắp tới, tôi dự định sẽ mở rộng canh tác thêm 2.000 m2 để cung ứng lá sương sâm ngược vào cho khách hàng ở miền Nam” – ông Định tự tin.
Theo Người lao động