Chính quyền ông Trump cần phải rất thận trọng trong vấn đề Đài Loan vì Mỹ chưa chắc đã hiểu rõ “lằn ranh đỏ” của Trung Quốc, cây viết của tờ New York Times bình luận.
Nếu có ngày Mỹ bị kéo vào một cuộc chiến với Trung Quốc, thì “ngọn lửa” châm ngòi cuộc chiến ấy có thể chỉ là một “sự cố” ở Đài Bắc, cây viết từng nhận 2 giải thưởng Pulitzer Nicholas Kristof bình luận trên tờ The New York Times.
Sau đây là nội dung (lược dịch) của bài viết trên.
Căng thẳng đang ngày càng gia tăng tại khu vực eo biển Đài Loan, đặc biệt là sau khi Mỹ thông qua thương vụ bán 66 chiếc máy bay chiến đấu F-16V trị giá 8 tỉ USD cho Đài Bắc – một động thái khiến Bắc Kinh “nóng mặt”.
Trước tình hình ấy, một số chuyên gia an ninh đã bày tỏ quan ngại rằng trong vài năm tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ “ra tay” với Đài Loan và kéo Mỹ vào cuộc xung đột trên đảo tự trị này.
Gần đây, khi phong trào biểu tình tại Hong Kong tăng nhiệt, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và giới lãnh đạo Bắc Kinh đã liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn, đồng thời các lực lượng quân đội (PLA) và bán quân sự của nước này liên tục có những động thái được cho là thị uy ở ngay sát sườn Hong Kong.
Những diễn biến trên lại càng khiến người dân Đài Loan và giới quan sát lo ngại rằng sẽ khó có khả năng Bắc Kinh tiến hành thống nhất Đài Loan – nếu điều đó xảy ra – theo cách hòa bình.
Trung Quốc dường như đã từ bỏ ý định thuyết phục tâm tình người Đài Loan – và thay vào đó là chú trọng nâng cao năng lực quân đội. Điều này khiến nhiều người lo sợ rằng sẽ có ngày ông Tập dùng tới biện pháp quân sự đối với Đài Loan.
“Chúng tôi rất lo ngại”, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu), cho biết hiện nay một trong những vấn đề khiến các nhà lập pháp của Đài Bắc lo lắng nhất là việc ông Tập có thể lấy Đài Loan ra để đánh lạc hướng những vấn đề của Đại lục, như nền kinh tế giảm tốc hay khủng hoảng tại Hong Kong.
Tuy nhiên, khác với những nhận định thường thấy, mối bận tâm lớn nhất của các nhà hoạch định quân sự của Đài Loan không phải là một cuộc đổ bộ quy mô lớn của PLA vào đảo tự trị này. Thay vào đó, điều khiến họ lo lắng là Đại lục sẽ tìm cách khiến Đài Loan rơi vào cảnh hỗn loạn, hay tác động đến kinh tế trên đảo tự trị này nhằm quy phục họ.
Cụ thể, một số người cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ thực hiện tấn công mạng nhằm vào lưới điện của Đài Loan, hoặc phá hoại hệ thống cáp quang dưới biển để “ngắt kết nối” giữa Đài Loan và thế giới. Ngoài ra, các tàu chở dầu từ nước ngoài tới Đài Loan cũng có thể trở thành mục tiêu tiềm năng của Bắc Kinh.
Ngoài ra, ông Ngô cũng cho biết Trung Quốc có thể sẽ gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Loan bằng cách tăng cường các cuộc tuần tra trong khu vực hoặc tổ chức các cuộc tập trận ở vùng lân cận.
Mỹ sẽ bị kéo vào cuộc chiến với Trung Quốc vì Đài Loan?
Các quan chức chính quyền Đài Loan không tiết lộ nhiều với truyền thông về kế hoạch đối phó với các cuộc tấn công mạng và những đòn tấn công tiềm tàng khác của Đại lục. Tuy nhiên theo người đứng đầu cơ quan ngoại giao của đảo tự trị này, thì các quan chức quân sự đang “lên kế hoạch phòng thủ và tấn công”.
Còn theo một quan chức cấp cao của chính quyền Đài Loan, thì họ đã tính đến một số đòn trả đũa như không kích với mục tiêu là tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc. Tiết lộ của vị quan chức này cũng trùng hợp với một số nhận định cho rằng Đài Loan sẽ nhanh chóng đưa cuộc chiến tới Trung Quốc, trong trường hợp họ bị tấn công.
Tuy nhiên, nếu cuộc chiến ấy nổ ra, thì không ai có thể biết được Mỹ sẽ có hành động gì. Ngay cả Washington có thể cũng chưa tính đến điều đó. Đạo luật Quan hệ Đài Loan 1979 quy định rằng Mỹ cam kết giúp Đài Loan trong vấn đề phòng thủ, tuy nhiên lại không nêu rõ Mỹ cần cam kết ra sao.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh nâng cao năng lực quân sự, trong đó bao gồm khả năng tấn công các tàu sân bay. Theo tác giả Nicholas Kristof, trong cả 18/18 cuộc tập trận giả định tình huống đối phó với Trung Quốc tại eo biển Đài Loan do Lầu Năm Góc tổ chức thời gian quan, quân đội Mỹ đều thua cuộc. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế, kết quả có thể sẽ khác đi trong nhiều tình huống khác, ví dụ như khi Mỹ phong tỏa nguồn cung dầu mỏ của Trung Quốc từ vùng Vịnh.
Nhìn chung, so với những đời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm, thì ông Donald Trump có vẻ ủng hộ Đài Loan mạnh mẽ hơn, và cho đến nay thì điều đó vẫn tốt đẹp.
Tuy nhiên chính quyền ông Trump vẫn cần phải rất thận trọng trong vấn đề Đài Loan, bởi trong khi Đài Bắc và Bắc Kinh hiểu rõ “lằn ranh đỏ” của nhau, thì các chính trị gia Mỹ rất có thể sẽ “gây họa” vì quá nhiệt tình giúp đỡ Đài Loan. Một cuộc chiến nổ ra giữa Trung Quốc và Mỹ vì vấn đề Đài Loan sẽ chẳng khác nào thảm họa.
theo Trí Thức Trẻ