Nga có thể chứng tỏ vai trò của bản thân trên trường quốc tế nếu tìm được một giải pháp hóa giải leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran.
Giới chức cấp cao Nga mới đây đã công khai chỉ trích việc Mỹ tiến hành không kích sát hại Tướng Iran Qassem Solemani và cảnh báo, nó sẽ dẫn tới leo thang căng thẳng tại một khu vực Trung Đông vốn đã rất bất ổn.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu có thể khoét sâu hơn nữa rạn nứt trong mối quan hệ chiến lược giữa Washington và các đồng minh châu Âu, Điện Kremlin sẽ có thể có thêm lợi thế sau cuộc tấn công gây tranh cãi theo lệnh Tổng thống Trump nhằm vào tướng quân đội cấp cao hàng đầu của Tehran. Họ cho rằng, leo thang cũng sẽ đem lại cho Tổng thống Nga Vladimir Putin cơ hội vàng để chứng tỏ khả năng lãnh đạo toàn cầu của mình khi thành công tìm được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
“Ông Putin sẽ muốn đảm nhiệm vai trò người trung gian để giảm bớt căng thẳng nhưng đồng thời cũng sẽ khiến hình ảnh của ông ấy tại phương Tây được gia tăng“, ông Jonathan Katz, một học giả cấp cao tại Quỹ Marshall Đức ở Washington, nhận định.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, vụ ám sát là đòn phủ đầu trước mối đe dọa từ Iran tới người dân Mỹ.
Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, cuộc tấn công của Mỹ đã “vi phạm trắng trợn” các nguyên tắc quốc tế. Bộ Ngoại giao Nga gọi đó là một bước đi “thiển cận” sẽ gây ra thêm hỗn loạn cho khu vực.
Các đồng minh của Mỹ tại châu Âu không được thông báo trước về vụ không kích. Họ cũng bày tỏ lo ngại trước động thái bất ngờ của Washington tại khu vực đang sở hữu sản lượng dầu mỏ hàng ngày đáng kể của thế giới.
Theo Ngoại trưởng Đức Heiko Mass, mặc dù Iran từng tiến hành một loạt các hành động “khiêu khích nguy hiểm”, phản ứng của Mỹ “không giúp việc làm giảm căng thẳng trở nên dễ dàng hơn”. Còn Ngoại trưởng Anh Emily Thornberry thể hiện thái độ không hài lòng với cả chính sách Iran của chính quyền Trump lẫn quyết định ám sát Tướng Soleimani.
“Trong hai năm, tôi đã cảnh báo về thái độ thiếu thận trọng của ông Trump trước Iran. Cuộc tấn công hôm 3/1 đã đưa chúng ta đến gần hơn nữa bờ vực”, nữ chính trị gia thuộc Công đảng Anh đối lập nói.
Năm 2018, Tổng thống Trump từng khiến các nhà lãnh đạo châu Âu nổi giận khi đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận quốc tế được ký kết dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama, trong đó giới hạn các hoạt động phát triển hạt nhân của Iran đổi lấy dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu là những bên tham gia ký kết còn lại với Iran. Cũng trong năm đó, Washington bắt đầu tái áp dụng các lệnh trừng phạt lên Iran khiến nền kinh tế nước này rơi vào tình trạng khó khăn.
Ông Trump cũng bất đồng với giới lãnh đạo châu Âu trong các vấn đề chính sách khác như ngân sách quốc phòng và thay đổi khí hậu… Những điều đó đang đặt ra một câu hỏi lớn cho tương lai quan hệ xuyên đại tây dương.
Thắng lợi của Tổng thống Putin?
Ông Katz từ Quỹ Marshall đánh giá, khi quyết định không thông báo cho các đối tác châu Âu, Tổng thống Trump đã trao “một chiến thắng cho Tổng thống Putin liên quan tới việc làm yếu đi mối quan hệ xuyên đại tây dương”. Sau vụ ám sát tướng Iran, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với ông Putin. Hai nhà lãnh đạo trao đổi các quan ngại về cuộc tấn công của Mỹ cũng như thảo luận về khủng hoảng tại Syria, Libya cũng như quan hệ song phương.
Người đứng đầu nước Pháp từ lâu đã tìm cách hàn gắn mối quan hệ giữa châu Âu và Nga – một trong những đối tác thương mại hàng đầu của khối. Cùng với Washington, EU đã trừng phạt Moscow vì các hoạt động gây bất ổn tại Ukraine, bao gồm cả quyết định sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt lại ảnh hưởng tới tăng trưởng của cả châu Âu và Nga. Theo ông Katz, khi mà bất đồng chính sách trong quan hệ xuyên đại tây dương ngày càng trở nên sâu sắc, nó sẽ khiến những quyết tâm tiếp tục trừng phạt Nga trở nên yếu đi.
Vai trò trên trường quốc tế
Sau khi sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và ủng hộ cho lực lượng li khai ở Donbass, Nga phải đối mặt với sự cô lập từ phương Tây. Cũng trong năm 2014, Washington và EU đã đồng lòng loại bỏ Nga ra khỏi nhóm G8.
Tuy nhiên, một năm sau đó, việc Nga can thiệp quân sự vào Syria để hậu thuẫn cho Tổng thống Bashar al-assad, đã khiến các nhà lãnh đạo phương Tây phải ngồi vào bàn đàm phán hòa bình cho Syria với Tổng thống Putin.
Với mối quan hệ thân cận giữa Nga và Iran, ông Putin một lần nữa có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Tehran đang leo thang với tốc độ chóng mặt.
“Putin đang tìm kiếm các sân khâu nơi ông có thể đảm nhận vai trò một cường quốc lớn, nơi ông sẽ chứng tỏ mình không bị cô lập về mặt ngoại giao. Nếu ông ấy có thể giúp tránh được một cuộc khủng hoảng lớn tại Trung Đông, ông chắc chắn sẽ làm điều đó”, nhà phân tích người Nga đến từ tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie, Washington nhận định. “Và nếu ông ấy khiến châu Âu có cảm tình với mình, mọi việc thậm chí còn tốt hơn nữa”.
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cảnh báo, một sự “trả đua tàn nhẫn đang chờ đợi” nước Mỹ. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami thì hứa sẽ có đòn ” đáp trả hủy diệt” toàn bộ những người tham gia vào vụ việc sát hại Tướng Soleimani. Một số nhà phân tích dự đoán, Iran gần như chắc chắn sẽ đáp trả bằng bạo lực, từ đó dẫn tới có thêm nhiều cuộc tấn công khác từ Mỹ.
“Nếu ai đó có thể ngăn ngừa tình huống hiện tại leo thang tệ hơn nữa, người Nga có lẽ thích hợp nhất”, Jeff Mankoff, một chuyên gia về Nga tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, chỉ ra.
Theo Tổ Quốc