Đừng bao giờ “diễn kịch” trước mặt nhà tuyển dụng, phơi bày bản tính thật và tìm công việc phù hợp mới là lựa chọn tuyệt vời nhất với chính bản thân bạn.
Nhận được thư từ chối của nhà tuyển dụng, Tôn Duyệt như chết lặng.
Cô là sinh viên mới ra trường, từng tham gia phỏng vấn rất nhiều công ty nhưng liên tiếp bị từ chối, bởi cô nói quá ít và ấn tượng quá mờ nhạt. Sau đó Tôn Duyệt cố ý tránh những công ty phỏng vấn đông người, tham gia phỏng vấn đơn tại một danh nghiệp nhỏ. Cô trả lời câu hỏi vô cùng lưu loát, khác hẳn với con người thật của mình khiến HR không ngớt lời khen ngợi.
Ngay tối hôm đó, Tôn Duyệt nhận được thư thông báo trúng tuyển phỏng vấn. Tuy nhiên sau khi vào làm, môi trường làm việc cởi mở khiến chứng “sợ giao tiếp” của Tôn Duyệt dần bị bại lộ.
“Buổi sáng đầu tiên đi thử việc, tôi vô tình gặp sếp trong thang máy. Nhất thời bị bất ngờ, tôi bối rối mấp máy môi mà không biết nên mở lời thế nào. Thấy vậy sếp đành phải chào tôi trước.
Buổi trưa ngày thứ hai, chị trưởng nhóm mời tôi đi ăn cơm. Trước mặt đám đông, tôi ngại đến đỏ mặt tía tai tự giới thiệu bản thân, nói câu được câu không khiến đồng nghiệp không khỏi bụm miệng cười.
Tan làm, các đồng nghiệp khác túm tụm bàn bạc xem lát nên đi đâu chơi, thì việc đầu tiên tôi nghĩ đến chính là chuồn về nhà trước. Mỗi ngày tôi nói không quá 5 câu với đồng nghiệp. Nếu tôi nhớ không nhầm thì buổi liên hoan đầu tiên có lẽ là lần mà tôi nói nhiều nhất kể từ khi vào công ty.
Công việc đầu tiên của tôi là lên kế hoạch hoạt động. Một ngày nọ, sếp bất ngờ giao cho tôi một nhiệm vụ. Theo thói quen tôi trực tiếp làm việc mà không hề trao đổi với sếp.
Ban ngày làm không xong việc, tôi không tăng ca mà mang về nhà làm. Ngày hôm sau tôi nộp báo cáo cho sếp. Qua hơn nửa giờ đồng hồ, sếp mới nhắn lại đúng 1 chữ “OK”. Tôi bắt đầu cảm thấy có điềm báo chẳng lành.
Quả nhiên sau khi kết thúc 5 ngày thử việc, tôi nhận được thông báo của HR, nói tôi thử việc thất bại, bởi tôi không đủ năng động, không chủ động giao tiếp với đồng nghiệp.
Tôi bàng hoàng đến sững người. Biết sớm muộn gì cũng có ngày hôm nay nhưng không ngờ lại xảy ra sớm hơn tôi dự tính”.
Giống như Tôn Duyệt, Trương Luy cũng là một cô gái mắc chứng “sợ xã hội”. Trong cuộc phỏng vấn, cô vấn đáp một cách hùng hồn khiến giám khảo ai nấy đều choáng váng. Kết quả cô nhận được thư báo trúng tuyển cùng mức lương đề xuất tăng thêm 20%.
Tuy nhiên, việc ngụy trang tưởng như hoàn hảo ấy trước sau gì cũng sẽ bị bại lộ. Những người họ thường dễ bị sếp nhìn thấu chỉ sau một vài ngày thử việc, hoặc nếu không, việc lo sợ bị đuổi việc trong thời gian dài cũng khiến họ không thể trụ được mà rời đi. Đây dường như là số phận chung của những kẻ “dối trá”.
Trương Luy cũng không ngoại lệ. Sau khi nhận được mail chúc mừng từ phía công ty, cảm xúc đầu tiên của cô không phải vui mừng mà là lo sợ. Càng đến ngày trở thành nhân viên chính thức, cô càng cảm thấy bất an.
“Sau khi vào làm, nhỡ bị lãnh đạo phát hiện mình “diễn kịch”, sau đó thẳng tay sa thải mình thì phải làm sao đây?”
Người giống Tôn Duyệt và Trương Luy có rất nhiều. Vốn là những người sống nội tâm và sợ giao tiếp, nhưng vì có thể phỏng vấn thành công mà không tiếc công sức “ngụy trang” thành một con người mới. Rất nhiều người trong số đó không thể tiếp tục “diễn kịch” được và nhanh chóng thất bại. Một số người tuy ngụy trang thành công nhưng lại khổ sở duy trì những ngày tháng khó khăn nơi làm việc.
Vương Kiện, chàng trai này đã từng lăn lộn trên thương trường kinh doanh nhiều năm, ấy vậy lại là người mắc chứng “sợ xã hội”. Cho dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ tình huống nào, anh đều thể hiện bản thân là con người hoạt bát và hướng ngoại một cách hoàn hảo.
Tuy nhiên đây chỉ là bí mật của mình anh. Trước mặt nhân viên, Vương Kiện vẫn là một cấp trên thân thiện, một nhân viên nhanh nhẹn nhiệt tình trong mắt lãnh đạo. Duy chỉ có buổi tối trở về nhà, một mình cô độc trong căn phòng kín, anh mới thực sự có thể sống với chính con người thật của mình.
Tuy nhiên cũng có nhiều người lựa chọn bình thản với cuộc đời, không diễn kịch, không giả tạo hay ngụy trang. Chàng trai Đinh Phong, tuy mất đi hai cơ hội quý báu của cuộc đời nhưng anh vẫn cảm thấy may mắn vì bản thân đã sớm tỉnh ngộ.
Trước khi trở thành giám đốc ở tuổi 27, vì để vào được bộ phận quản lí của nhà máy, Đinh Phong đã từng “diễn kịch” qua mặt nhà tuyển dụng và trở thành con người mà bản thân căm ghét nhất.
“Trong cuộc phỏng vấn, tôi cố gắng thể hiện bản thân là một con người lão luyện. Trước câu hỏi về sản phẩm của HR, tôi thuyết trình một cách hùng hồn ý kiến của bản thân. Thậm chí còn lan man đến mức nhà tuyển dụng phải ngắt lời tôi đến mấy lần.
Tôi đã từng có kinh nghiệm làm tuyển dụng trước đó. Thậm chí tôi còn “bắt thóp” HR đến mấy lần, hỏi ngược lại xem họ phản ứng ra sao.
Cứ tưởng bản thân đã thể hiện vô cùng xuất sắc, nhưng thật không ngờ cuối cùng tôi vẫn bị đánh trượt. Nghe bạn bè tiết lộ, sếp cho rằng tôi khi ấy có chút tự cao tự đại, sợ sau này sẽ khó có thể quản lí nên trực tiếp loại bỏ tôi.
Qua lần ấy tôi mới nhận ra được bài học, “diễn kịch” chưa chắc đã có tác dụng tốt.
Sau đó tôi có một cơ hội phỏng vấn khác. Rút kinh nghiệm từ lần trước, lần này tôi quyết định cất giấu tài năng của mình, trung thực trả lời từng câu hỏi một của nhà tuyển dụng, đồng thời cũng không dám nói nhiều hay cướp lời nữa.
Nhưng kết quả vẫn là thất bại. Lí do là vì tôi không có đủ khí chất quản lý nhân viên. Tính cách của tôi không đến mức cực đoan, không giỏi giao tiếp nhưng cũng không đến mức “sợ xã hội”.
Trải qua hai lần thất bại, tôi phát hiện sống với chính mình mới là điều quan trọng nhất.”
“Đừng bao giờ diễn kịch trước mặt nhà tuyển dụng, phơi bày bản tính thật và tìm công việc phù hợp mới là lựa chọn tuyệt vời nhất với chính bản thân bạn”.
Quê Hương–Theo Sohu