Xưa kia, tại huyện Phù Cát (tỉnh Bình Ðịnh) có một khu rừng được gọi là rừng Cấm, nơi có người Chăm sinh sống. Nơi đây còn là nơi yên nghỉ của thứ phi vua Quang Trung, người may mắn thoát khỏi cuộc trả thù khi nhà Tây Sơn sụp đổ
Dấu tích tháp Chăm
Rừng Cấm nói trên nằm trên một gò đất cuối thôn Vĩnh Long (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát). Tương truyền rằng, xưa kia khu gò đất thoai thoải này vốn là cánh rừng già, với những cổ thụ to vài người ôm không xuể. Giữa khu rừng có một khu tháp của người Chăm. Nơi dựng tháp được coi là chốn linh thiêng, không được xâm phạm nên có tên là rừng Cấm. Tuy vậy, không ai rõ khu tháp trong rừng Cấm bị đổ nát từ thời nào.
Cụ Nguyễn Văn Thiển (84 tuổi, một bậc cao niên ở thôn Vĩnh Long) kể lại, từ những năm 60 trở về trước, khu rừng Cấm còn là cánh rừng già hoang vu. Lúc bấy giờ, dân cư thưa thớt nên nhà cửa chỉ tập trung ở dưới vùng cánh đồng bằng phẳng, cách xa khu vực này. Tuy nhiên sau đó, chiến tranh tàn phá cộng với việc dân cư tập trung, rừng Cấm dần bị khai thác, chặt phá.
Những năm sau giải phóng, thấy khu vực rừng Cấm có nhiều thỏ, nên người ta gọi đó là Gò Thỏ. Người dân trong vùng rủ nhau lên vùng đất xung quanh Gò Thỏ khai hoang vỡ đất trồng lương thực. Về sau, cứ mỗi năm ruộng đất càng cơi nới, Gò Thỏ càng bị thu hẹp dần, bây giờ không còn bóng dáng của rừng cây cổ thụ. Những dấu tích của tháp người Chăm xưa bây giờ cũng khó nhận ra, bởi bao phủ trên đó là những chòm rừng bạch đàn, những bụi cây um tùm bao phủ.
Theo cách bậc cao niên ở đây, từ bao đời nay, người dân truyền nhau là ở khu vực rừng Cấm này có kho báu của người Chăm. Chuyện kể rằng, vào cuối thế kỷ XV khi người Chăm bại trận, kinh đô Vijaya thất thủ, người Chăm phải chạy vào phía Nam. Khi đó, bộ phận cư dân Chăm sống tại rừng Cấm đã buộc phải rút đi khỏi vùng đất mà họ bao đời gắn bó. Trước khi đi, họ đã chôn cất kho báu dưới công trình xây dựng, nhiều khả năng là một ngôi tháp, chính là đống gạch đổ nát trên Gò Thỏ sau này.
Cụ Thiển cho biết: “Hồi còn nhỏ chúng tôi không dám đến Gò Thỏ, đi gần đó là đã thấy dựng tóc gáy. Cách đây tầm 35 năm, có nhiều người đến đào tung các mộ Chăm cổ ở Gò Thỏ để tìm vàng, tìm cổ vật. Ban đầu chỉ là người dân trong làng, sau những người ở xa cũng mang cuốc xẻng tới đào bới, có lúc người trên gò đông hơn chợ chiều. Chẳng biết họ có tìm được gì không nhưng sau đó người làng chúng tôi đến các mộ này đào lấy gạch Chăm về lát đường, lát ngõ”.
“Người nơi khác đến đào bới thì tôi không biết có tìm được gì không, chứ người làng thì chẳng tìm được gì. Đào bới mãi mà không thấy vàng, người ta đồn rằng vàng trên Gò Thỏ là vàng sống, biết chạy nhảy, biến hóa nên đã được ma Hời dẫn đi khỏi kho báu, không phải muốn tìm là được. Còn khi đào được vàng Hời, muốn giữ nó thì phải đốt, phải nung lên cho thay hình đổi dạng, để nó khỏi chạy mất”, cụ Thiển cho biết.
Mộ thứ phi vua Quang Trung
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 1987, khi thực hiện cải tạo ruộng đất khoảng 220ha tại khu vực Gò Thỏ, máy ủi có ủi lên một tấm ván dày khoảng 10cm bằng gỗ, màu đỏ tươi.
Ông Phan Thành Long, Trưởng ban Văn hóa xã Cát Hanh, cho biết: “Cái miếng ván máy ủi đào lên được hôm ấy, cụ Thiển bảo là của dòng dõi nhà cụ. Chúng tôi cũng không biết ngẫu nhiên hay do gia đình họ Nguyễn báo nên máy ủi mới ủi tróc miếng ván hòm ra. Một năm sau, Sở VHTT Nghĩa Bình tìm vào, đem sách sử thi tới… Họ dặn dò họ Nguyễn ngoài việc tránh xã hội dòm ngó thì họ Nguyễn phải giữ gìn những gì còn sót lại có liên quan đến mộ thứ phi vua Quang Trung”.
Nhắc đến mộ thứ phi vua Quang Trung, cụ Thiển dẫn chúng tôi đến khu đất trồng bạch đàn của dòng họ Nguyễn ở khu vực rừng Cấm và bảo đó là mộ bà Nguyễn Thị Bích, thứ phi của vua Quang Trung. Theo quan sát, ngôi mộ này trông rất bình thường, thậm chí còn ít bề thế hơn những ngôi mộ xung quanh, trên bia mộ khắc hàng chữ “Phần mộ/Đời thứ 9/Nguyễn Thị Bích/giá vu/Quang Trung/Nguyễn Huệ/Từ trần ngày 10.09/Các cháu đồng lập mộ 1997”.
Theo cụ Thiển, bà Bích là vợ vua Quang Trung, thuộc đời thứ 9 của dòng họ Nguyễn và cụ Thiển là đời thứ 14. Hiện cụ Thiển đang giữ cuốn gia phả dòng họ Nguyễn bằng chữ Hán được phiên âm sang tiếng Việt.
Theo cuốn gia phả này thì dòng họ Nguyễn ở Vĩnh Long có nguồn gốc từ họ Nguyễn ở làng Mỹ Chánh, tổng An Thơ, huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong (nay thuộc xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị). Các đời trước của dòng họ Nguyễn đều sinh sống tại Mỹ Chánh, đến đời thứ 9 mới có người vào Vĩnh Long. Bà Bích là con út trong số 16 người con của ông Nguyễn Văn Cẩn và bà Nguyễn Thị Ái.
Trong gia phả có câu: “Nguyễn Thị Bích tốt vu cửu nguyệt sơ thập nhật giá vu Quang Trung Nguyễn Nhạc, An Thơ, Mỹ Chánh xuất đinh tịch tự thử thủy” được cụ Thiển giải thích là bà Bích được gả cho vua Quang Trung Nguyễn Huệ nhưng lại ghi là Nguyễn Nhạc do người trong dòng tộc nhầm lẫn. Sau sự kiện này thì làng Mỹ Chánh được vua Quang Trung ban chiếu miễn thuế thân, loại thuế được thu theo đầu người kê biên trong sổ hộ tịch của địa phương.
Theo cụ Thiển, sự kiện bà Bích được gả cho vua Quang Trung diễn ra năm nào, nguyên nhân của mối lương duyên này ra sao thì đến nay chưa ai rõ. Cụ Thiển còn cho biết:
“Trước kia, con cháu tộc Nguyễn ở Vĩnh Long chỉ được nghe người lớp trước nói mộ vua Quang Trung là mộ người của dòng họ nhưng không nghe ai giải thích vì sao, kể đến lai lịch, tên tuổi của người nằm dưới mộ. Ngôi mộ cũng không có bia ghi tên tuổi, ngày mất như những ngôi mộ khác, mà chỉ ghi là mộ “Bà Vua”. Năm 1987, sau sự kiện tấm ván của dòng họ được ủi lên ở rừng Cấm, các nhà sử học và lãnh đạo tỉnh tìm đến, hỏi thăm, đối chiếu gia phả, giải thích thì người họ Nguyễn ở Vĩnh Long mới biết đó là mộ bà Nguyễn Thị Bích được gả cho vua Quang Trung”.
Nói rồi ông Thiển giải thích: “Có lẽ việc không ghi thân thế của bà Bích, không xây mộ to là do những người đi trước muốn che giấu thân phận của bà, tránh sự trả thù của triều Nguyễn. Từ khi biết đến lai lịch mộ thứ phi vua Quang Trung, nhiều người đến hỏi thăm gia phả, tìm hiểu về lai lịch bà Nguyễn Thị Bích. Chúng tôi chỉ mong mộ bà Bích được công nhận là di tích, được bảo vệ, thờ cúng đúng với vị thế là vợ của một ông vua”.
Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung (tỉnh Bình Định), cho biết: “Ngoài tư liệu của tiến sĩ Đỗ Bang và cuốn gia phả của dòng họ Nguyễn, chúng tôi chưa có tư liệu nào khác để khẳng định bà Nguyễn Thị Bích là vợ vua Quang Trung. Chúng tôi đã tìm hiểu từ phía dòng họ Nguyễn ở Vĩnh Long và đang sưu tầm, tìm kiếm thêm ở các tư liệu khác. Cần có những nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này. Sau khi có đầy đủ luận cứ vững chắc, chúng tôi sẽ lập hồ sơ đề nghị các cơ quan chức năng công nhận mộ “Bà Vua” là di tích lịch sử”.
Theo sách “Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung” của tiến sĩ Đỗ Bang, bà Nguyễn Thị Bích có anh là Nguyễn Văn Tuấn làm quan Thư lại ở cửa biển Đề Gi (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) và chị dâu là Từ Thị Diệt, người thôn Vĩnh Long. Lúc thôi làm quan, ông Tuấn về sống ở quê vợ Vĩnh Long và khi chết cũng chôn tại rừng Cấm. Ông Tuấn được con cháu nhận làm phái trưởng của họ Nguyễn ở Vĩnh Long.
Theo nhận định của tiến sĩ Đỗ Bang thì sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, bà Bích trốn về nương náu tại gia đình người anh ở Vĩnh Long và bà Bích có một con trai với vua Quang Trung. Vị hoàng tử này còn sống sót sau những năm tháng bị vua quan nhà Nguyễn truy tầm, hãm diệt nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra tung tích.
Theo Công an nhân dân