Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy vị trí ưu tiên trong danh sách các thị trường đầu tư mà Gen Z yêu thích là một cái tên khá mới.
Một cuộc khảo sát được Bank of America (BofA) công bố gần đây cho thấy: Những người trẻ và giàu ở Mỹ đang có xu hướng “quay lưng” lại với các thị trường đầu tư truyền thống, như cổ phiếu, trái phiếu hay gọi chung là chứng khoán. Vàng, ngoại tệ và BĐS cũng không phải là thị trường đầu tư lý tưởng trong suy nghĩ của tầng lớp Gen Z thượng lưu này.
Cách giới trẻ đầu tư: Sưu tầm đồ cổ, trang sức và rượu “limited”
Cuộc khảo sát của BofA chỉ ra: 94% Gen Z và thế hệ Millennials quan tâm đến việc sưu tầm các loại đồ cổ, trang sức và rượu hiếm. Họ coi đó là những món hàng có tiềm năng tăng giá cao hơn cả tỷ suất sinh lời của các thị trường đầu tư truyền thống.
Ngoài đồ cổ, trang sức và rượu hiếm, xe hơi – giày thể thao bản giới hạn và tranh nghệ thuật cũng là mặt hàng mà giới trẻ “nhắm” tới.
Vào tháng 1/2024, Bain & Co – Công ty kiểm toán ở Mỹ công bố báo cáo nghiên cứu thị trường và tiết lộ rằng đến năm 2030, Gen Z sẽ đóng góp 25-30% lượng tiêu thụ ở thị trường các ngành hàng xa xỉ. 50-55% là tỷ lệ tương đương của thế hệ Millennials.
4 tác giả của báo cáo trên (Claudia D’Arpizio, Federica Levato, Andrea Steiner và Joëlle de Montgolfier) cho biết: “Trong thị trường trang sức, đồng hồ trang sức được coi là sản phẩm có tiềm năng tăng giá nhanh nhất. Đây được coi là điểm sáng cho các khoản đầu tư và thế hệ trẻ có lẽ đã cảm nhận được điều này” .
Với thị trường tranh nghệ thuật, khảo sát của BofA cho thấy rõ ràng rằng Gen Z và thế hệ Millennials muốn biến việc “thưởng tranh” thành một lối sống. Bởi thế, họ sẵn sàng mua tranh hoặc “hiến tặng” tranh nghệ thuật được kế thừa cho các tổ chức nghệ thuật một cách phi lợi nhuận.
56% những người trong độ tuổi từ 21 đến 43 cho biết họ sẽ tiếp tục đa dạng hóa bộ sưu tập tranh nghệ thuật của mình, 32% cho biết họ sẽ tặng một hoặc một vài tác phẩm cho các bảo tàng hoặc tổ chức tư nhân, và 26% khẳng định sẽ chia sẻ một số tác phẩm với các tổ chức phi nghệ thuật.
Gen Z suy nghĩ lạc quan hơn các thế hệ trước khi tự đánh giá tình hình tài chính cá nhân
So với GenX (những người chào đời trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1980), Gen Z và Millennials có phần lạc quan hơn hẳn khi nhìn nhận và tự đánh giá khả năng kiếm tiền cũng như nền tảng tài chính của bản thân.
Knight Frank – Công ty môi giới bất động sản ở Mỹ đã tiến hành một cuộc khảo sát với những người có tài sản ròng trên 1 triệu USD, hoặc có thu nhập hàng năm từ 200.000 USD trở lên để phỏng vấn. Kết quả cho thấy: 75% cá nhân có tài sản ròng cao là Gen Z, và họ tin rằng tài sản của mình chắc chắn sẽ tăng giá trị vào năm 2024.
Báo cáo được công bố cũng chỉ ra: “Khi phân tích dữ liệu theo độ tuổi, kết quả cho thấy nhóm người trẻ (Gen Z) bắt đầu đầu tư kiếm tiền sớm hơn khoảng 5-7 năm so với thế hệ Gen X hoặc Gen Y. Việc đầu tư từ sớm và có những thành công bước đầu khiến GenZ tự tin và lạc quan hơn vào tình hình tài chính của bản thân trong năm 2024, bất chấp những khó khăn của nền kinh tế đang trong giai đoạn hồi phục sau đại dịch” .
Những Gen Z dưới 27 tuổi, có tài sản ròng hơn 200.000 USD trong khảo sát của Knight Frank, đều là những giám đốc điều hành cấp cao trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc công ty gia đình. Trong nhóm này, cũng có một vài người không cần nỗ lực vẫn được thăng tiến, đơn giản vì họ có cha mẹ “chống lưng”.
Theo công ty quản lý tài sản Cerulli Associates, trong năm 2024, khoảng 53 nghìn tỷ USD sẽ được truyền lại từ những người thuộc thế hệ Gen X cho thế hệ Gen Z là đối tượng thừa kế của họ. Trong khi đó, một báo cáo khác cho thấy cứ năm thanh niên thì có một người mong đợi kiếm được khoảng 750.000 USD từ việc được thừa kế.
Theo Fortune-Ngọc Linh–Theo Nhịp sống thị trường