Chỉ tài năng thôi thì chưa đủ, một người sếp tốt cần có nhiều hơn như thế.
Khi đi làm, bên cạnh chuyện lương bổng, môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ… thì sếp cũng là một trong những yếu tố quyết định đến việc đi hay ở của nhân viên. Người lãnh đạo chính là sợi dây kết nối nhân viên và công ty. Chỉ cần sợi dây đó đứt, dù các yếu tố kia có tốt đến mấy thì nhân viên cũng dễ dàng “dứt áo ra đi”.
Thế nhưng, nếu may mắn được làm việc dưới trướng của một vị sếp tốt, bạn không chỉ thoải mái trong công việc mà con đường thăng tiến trước mặt cũng trở nên rộng mở hơn bao giết.
Vậy một vị sếp tốt là người như thế nào? Mới đây, anh Trần Hùng Thiện – Chủ tịch Công ty Nghiên cứu thị trường GCOMM – đã chia sẻ trên trang cá nhân quan điểm của mình về phẩm chất của một vị sếp tốt.
“Sếp tốt quan trọng thế nào?
Ngày bước vào nghề, các sếp ngay lập tức tạo cho mình cảm giác có 100 ngàn thứ để học: Em yên tâm đi 2 tháng đầu em học giỏi nhé, đừng lo gì cả. Rồi cũng các sếp đó sau 2 tháng cho mình cảm giác thời gian học của mày đã trôi qua, em ơi phải cố lên mỗi ngày. Đối với mình các sếp là tượng đài, là kho kiến thức vô tận và mình chỉ có 1 lựa chọn là làm cho giỏi để sếp không vì mình mà phiền lòng.”
Với 15 năm kinh nghiệm trong nghề, anh cho biết một vị lãnh đạo giỏi cần phải thực hiện được 4 điều sau.
Sếp tốt là người dám nói thẳng
“Có 1 dạo ham làm quá, mình tự ý làm thêm bài tập vượt quá khả năng và đưa cho Sếp coi, hậu quả là bài chi chít dấu đỏ, từng câu chữ bị dập tơi bời. Cũng đúng, ai biểu lanh chanh vượt cấp. Nhưng ngày sau, sếp bưng mình đi ăn trưa và hỏi “tại sao em làm thế?”. Mình trả lời thật lòng là dạ, tại em thấy chị làm cái đó em thích quá, muốn thử xem là mình có làm được vậy không. “Ah, vậy chị xin lỗi, cả đêm qua chị cứ hiểu lầm em làm vậy vì muốn ghi điểm trước chị. Vậy, mang bài ra đây chị chỉ em sửa cho”. Cảm động rớt nước mắm, nhầm, nước mắt. Sếp tốt là sếp nói thiệt các mày ơi.”
Sếp tốt luôn mong nhân viên tiến bộ
“Vì nôn mình lên chức, sếp ngày đêm bắt mình phải học bài làm bài đi khách kết hợp thực tập vài món mới. Chưa có giây phút nào mình thấy khổ cực mà vui như vậy. Một chiều nọ sếp chạy qua vò đầu khen “giỏi rồi, chú Thiện chắc chẳng cần chị nữa đâu nhỉ”. Nói thiệt, sếp bắt em lăn lê bò trườn đua xe đạp kết hợp chạy bộ vậy em không giỏi mới lạ.
Sếp tốt là sếp muốn mình giỏi, các mày nữa ạ.”
Sếp tốt biết cảm thông với nhân viên
“Có 1 lúc mình buồn ngủ quá ngủ gục trong lúc họp với sếp tổng. Theo thông lệ là sẽ bị chửi banh chành, nhưng sếp mình lúc đó chỉ hỏi nhẹ “chị có chia cho em nhiều account quá không?”. Sếp tốt là sếp biết mình thiếu ngủ vì làm việc chứ không phải ăn chơi các mày ơi.”
Sếp tốt là người “có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia” với nhân viên
“Sếp và mình được khách hàng mời đi đảo Tuần Châu dự hội nghị gì đó vào 23 tháng Chạp cách đây hơn chục năm. Lúc đó mình đang cáu công ty nên trên máy bay mình có hơi cộc tính, nói sếp: ‘Mày yên nha, tao đang không vui mình đừng nói chuyện’. Mình đâu biết câu đó là thảm hoạ đối với sếp, vừa vô đảo sếp kêu mày bực gì, can we have a quick chat. Mình nhấm nhẳng bảo chiều đi. Đến chiều sếp chạy qua gõ cửa cộc cộc: mày ơi chiều rồi đó mày ra đây đi. Như 1 cô gái già lỡ thì mà vẫn kiên quyết làm giá, mình kêu thôi để tối, tao đang không vui. Tội nghiệp sếp, đến 10h tối hôm đó mình mới có mood nói về nỗi bực dọc vớ vẩn của 1 thằng cứ tưởng mình ngon. Sếp ơi, em thương sếp nhiều và em biết sếp tốt là sếp vui với niềm vui của em và cơm không ngon ngủ không yên với nỗi buồn của em luôn.”
Chỉ khi cảm thấy được sếp hậu thuẫn và tôn trọng, nhân viên mới thêm yêu quý công việc của mình, từ đó dốc lòng cống hiến vì sự thịnh vượng của công ty. Tuy nhiên, mối quan hệ này không chỉ thể đến từ một phía mà đòi hỏi cả hai bên – nhân viên và sếp – cũng cố gắng xây dựng. Bản thân cũng là một lãnh đạo, anh Trần Hùng Thiện hiểu rõ điều này hơn ai hết. Do đó, anh đã có đôi lời nhắn nhủ đến nhiều bạn trẻ đang loay hoay tìm việc ngoài kia.
“Thế nên hôm qua mình có nói với bạn trẻ rằng khoan hãy lo lắng đến việc chọn công ty nào, hãy cố tìm cho mình 1 người sếp tốt. Sếp tốt sẽ biết biến cty thành công ty tốt, ít nhất là đối với nhân viên của bạn ấy.
Quá may mắn, Thiện có toàn sếp tốt. Nên viết bài này gửi tặng các bé mentee.”
Bài viết của anh Trần Hùng Thiện đã nhận được nhiều sự đồng tình của cư dân mạng. Rõ ràng, thay vì trở thành lý do khiến cho nhân viên bỏ đi, người lãnh đạo cần trở thành bệ phóng giúp người trẻ ở lại, cống hiến và đạt tới thành công trong tương lai
Linh Hân – Theo Trí thức trẻ