Gia đình Badoer bị tổn thất sâu sắc bởi giá thực phẩm giảm nhưng trước bối cảnh cuộc chiến thương mại hiện nay, họ cho biết họ sẵn sàng chịu sự tổn thất này và ủng hộ TT Trump.
Sau khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ, nông dân Mỹ là một trong những đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp. Tuy nhiên, theo kết quả cuộc khảo sát mới nhất về nông nghiệp thương mại của Trung tâm Purdue, 78% nông dân Mỹ cho biết họ tin rằng cuộc chiến này sẽ vẫn mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp Mỹ. Đây là tỷ lệ gần tương đương với 79% tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Donald Trump trong nhóm cử tri nông dân Mỹ.
Vậy tại sao, những người nông dân này lại ủng hộ cuộc chiến thương mại?
Nông dân Mỹ chịu thiệt hại trực tiếp
Mùa xuân nước Mỹ năm nay ẩm ướt, mưa nhiều, kết hợp với bệnh dịch và hiện tượng đêm lạnh bất thường vào mùa hè không phải là thông tin tốt cho những người nông dân trồng đậu nành bang Iowa. Thông thường vào thời điểm này, đậu nành phát triển với chiều cao đã lên đến thắt lưng và hoàn toàn có thể phủ kín mặt đất nhưng lá đậu nành năm nay rất thưa thớt.
Tim Bardole, người đã trồng đậu nành trong 30 năm qua, có thể giải thích tường tận hiện tượng quả đậu lép, khô nhưng ông lại không thể có biện pháp cải thiện. Mùa thu đến, ông biết rằng vụ thu hoạch năm nay sẽ không đạt yêu cầu. “Chắc chắn năm nay không được mùa, mỗi mẫu được 50 giạ ( một giạ xấp xỉ 36 kg) đã là không tồi rồi nhưng tôi thấy, chỉ có thể thu hoạch được 45 hoặc 40 giạ thôi, trái đậu kết quả không nhiều, hạt đậu cũng ít“, Bardole cho biết, năm ngoái, ông thu hoạch trung bình 55 đến 60 giạ/mẫu.
Tim Badoer là thế hệ nông dân thứ năm của gia tộc Bardole với trang trại có lịch sử hơn một thế kỷ của gia đình. Tim cùng cha, anh trai và con trai vừa tốt nghiệp đại học hai năm trước đã cùng canh tác 2.300 hecta đậu nành và ngô trên mảnh đất này. Nông dân bang Iowa vốn có thói quen trồng trọt dựa vào điều kiện thiên nhiên. Đây không phải là năm đầu tiên họ thu hoạch kém, nhưng năm nay họ có nhiều lo lắng hơn.
Ngoài sản lượng, thì giá thành sản phẩm cũng quyết định đến thu nhập của nông dân Mỹ. Ông Roy Badoer – cha của Tim Bardole chia sẻ với phóng viên VOA, giá đậu nành trong những năm gần đây khiến nhiều người lo lắng, gia đình Badoer cũng đã tổn thất khoảng 100USD/mẫu.
Gia đình Badoer không phải là trường hợp đặc biệt. JPMorgan Chase – công ty dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới – dự đoán nông dân trồng đậu nành ở Iowa sẽ tổn thất trung bình 130 USD/mẫu trong năm 2019.
Ông Roy Badoer nói với phóng viên VOA rằng, do được mùa nên đậu nành trên thị trường vốn đã hạ giá ở một mức nhất định trong ba năm qua, đồng thời sau khi cuộc chiến thương mại bùng nổ, Trung Quốc giảm 3/4 nhập khẩu đậu nành từ Mỹ, hơn nữa dịch lợn tả châu Phi khiến càng đàn lợn Trung Quốc bị tiêu hủy dẫn đến nhu cầu nhập khẩu thức ăn gia súc đậu nành của Bắc Kinh càng giảm. Tất cả các điều kiện trên đã khiến thị trường đậu nành Mỹ càng trở nên khó khăn hơn.
Nhắc đến cuộc chiến thuế quan hiện nay, ông Badoer liên tưởng tới chính sách cấm vật hạt ngũ cốc của Mỹ đối với Liên Xô vào năm 1980 dẫn đến cúc sốc giá cả hàng hóa. “Thật tệ, thật tồi tệ. Giá lương thực thấp và cuộc sống rất khó khăn“, ông này nói rằng tình hình hiện nay tương tự như lệnh cấm vận ngũ cốc đó.
Tuy nhiên, đối với những người nông dân đã sống qua hơn nửa thế kỷ như Roy Badoer, ông cho biết ông đã quen với việc biến động giá do cuộc chiến tranh thương mại và thuế quan. Ông cũng cho rằng, điều kiện tự nhiên sẽ còn tác động lớn hơn đến nông nghiệp Mỹ.
Nhưng thế hệ trẻ nhất của gia đình Badoer rõ ràng không quen với việc đối phó với sự thay đổi bất thường của thời tiết cũng như các chính sách thương mại bất ổn đinh hiện nay.
Con trai của Tim, Schyler Bardole, tốt nghiệp đại học hai năm trước và trở về làm việc tại trang trại gia đình. Tác động của cuộc chiến thương mại khiến anh ta có phần bỡ ngỡ. “Tôi vừa về trang trại không lâu, tôi đã thuê đất của ba chủ trang trại khác và tôi phải trả tiền thuê đất cho họ“, Schyler nói, “Con trai đầu của tôi mới một tuổi rưỡi và một bé sinh vào tháng 10. Thực sự rất khó khăn. Tôi không thể kiểm soát thời tiết, có rất nhiều thứ tôi không thể kiểm soát, vì vậy khi các giao dịch thương mại không được như ý, càng khiến người ta thất vọng“.
Trong năm 2017, gần một nửa lượng đậu nành nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Mỹ và nửa còn lại của thị trường chủ yếu thuộc về đối thủ cạnh tranh của Mỹ – Barzil. Một sau sau khi cuộc chiến thương mại bắt đầu, thị phần của Mỹ đã giảm xuống còn 10%, trong năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 3,1 tỷ USD, bằng 1/4 của năm trước đó. Đồng thời, thị phần đậu nành Brazil tại Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng tới 80%.
Tim Badoer được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội đậu nành Iowa năm nay. Ông hiểu rằng nông nghiệp Mỹ cần thị trường nước ngoài, vì vậy nông dân Iowa cần giao dịch thương mại.
Tim Badoer là đại diện của Hiệp hội đậu nành Iowa đến thăm Trung Quốc vào đầu năm nay. Ông nói, người mua Trung Quốc rất thân thiện, “Trung Quốc muốn mua đậu nành Mỹ, họ muốn Tổng thống chúng ta dừng tay“, ông cười nói với phóng viên VOA.
Nhưng nông dân Mỹ vẫn ủng hộ cuộc chiến thương mại
Ông này cho biết, các đòn trả đũa thuế quan của Trung Quốc không đạt được mục tiêu làm suy yếu Tổng thống Trump. Badoer với ba thế hệ đều có bằng cử nhân về sản xuất nông nghiệp hoặc kinh doanh, cho rằng, mặc dù thuế quan tác động đến bản thân nhưng họ vẫn là những người ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Donald Trump và cuộc chiến thương mại.
“Trong những năm qua, Trung Quốc đã đặt hàng rồi lại hủy các đơn hàng đậu nành“, Badoer cáo buộc đây là hành vi thương mại thiếu công bằng.
“Trung Quốc thậm chí hủy bỏ đơn đặt hàng đã đặt mua và khi Trung Quốc cần đậu nành, họ lại nhân lúc thị trường hạ giá để mua vào. Là một nông dân trồng đậu nành, nếu vừa hay đúng vào thời gian đó tôi bán đậu nành và mang khoản tiền này đi trả các khoản vay ngân hàng nhưng do có người thao túng thị trường khiến giá bán giảm, như vậy tôi sẽ bị lỗ“, anh nói.
Tim cho biết thêm: “Iowa có 42.000 nông dân trồng đậu nành, chúng tôi chỉ là doanh nghiệp nhỏ, yếu, sự biến động giá cả kết hợp thêm tình trạng lũng đoạn thị trường sẽ khiến chúng tôi càng khó khăn hơn“.
Các khoản vay ngân hàng của Tim đã vượt quá 4 triệu USD, bán đậu nành, ngô và làm việc tại các trang trại khác trong vụ thu hoạch là nguồn thu nhập của gia đình. Tình trạng như vậy rất phổ biến trong các khu vực sản xuất nông nghiệp Mỹ.
“Tôi không muốn đến ngân hàng, không muốn gặp đại diện cho vay của ngân hàng vì tôi biết tình hình hiện nay của chúng tôi rất tệ”, Tim nói. “Rất nhiều người cũng rơi vào tình trạng này, hiện nay chúng tôi rất khó khăn, thực sự khó khăn“.
Theo Tim, bắt đầu từ cuối năm ngoái, để bù đắp cho thua lỗ từ thu hoạch đậu nành, gia đình Badoer đã quyết định kinh doanh chăn nuôi lợn. Đó không phải là một quyết định dễ dàng khi họ đi ngược dòng cuộc chiến thương mại.
“Thiết kế chuồng nuôi tốn 1,5 triệu USD, chúng tôi không có nhiều tiền. Tôi thậm chí đã thoáng ngạc nhiên khi ngân hàng sẵn sàng cho chúng tôi vay vốn, đồng thời còn khuyến khích chúng tôi kinh doanh đa dạng hóa“, Tim nói, “Nhân lực cũng là một vấn đề, đặc biệt vào mùa xuân và mùa thu“.
Chuồng nuôi được hoàn thành vào tháng 6 vừa qua, Tim tiết lộ, nếu mọi việc suôn sẻ, 15 năm tới, anh có thể hoàn trả hết khoản vay, sau đó là thu lợi nhuận.
Chính quyền Tổng thống Trump áp thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm đa quốc gia đã làm tăng chi phí của chuồng nuôi lên 100.000 USD. “Tương đương với mười tháng thu nhập, như vậy chỉ hoàn trả 100.000 USD này, không kể lãi và các chi phí khác để xây dựng chuồng nuôi thì con số này đã là rất nhiều rồi”.
“Áp lực rất lớn, khó khăn còn lớn hơn đối với Schyler. Nó 26 tuổi mới bắt đầu còn tôi đã mệt mỏi rồi“, Tim nói: “Nhiều đêm tôi không thể ngủ được, áp lực đè nặng trong lòng“.
Để giảm bớt thiệt hại mà các cuộc chiến thương mại đã mang lại cho nông dân, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã trợ cấp cho nông dân thông qua Chương trình Xúc tiến Thị trường (MFP) kể từ năm ngoái.
Tim nói: “MFP năm ngoái đã hỗ trợ chúng tôi. Chúng tôi vốn lỗ 2 USD/giạ đậu nành, nhưng nhờ khoản hỗ trợ, chúng tôi chỉ mất 15 xu“.
Tuy nhiên, những nông dân trồng ngô không may mắn như vậy và ngô cũng là một trong những sản phẩm nông nghiệp bị đánh thuế ở Trung Quốc. Schyler chia sẻ: “Năm ngoái, tôi trồng ngô nhưng thu hoạch thua lỗ và MFP đã hỗ trợ tôi 1USD/giạ. 300 mẫu được trợ cấp 200 USD, chỉ đủ để tôi đi siêu thị và đổ xăng“.
Năm ngoái, trợ cấp của Bộ Nông nghiệp Mỹ được phân loại theo loại cây trồng. Năm nay, một lượng trợ cấp cố định đã được cấp cho mỗi mẫu đất trồng trọt trong cùng một khu vực. Gia đình Badoer đã nhận được 33 USD/mẫu của đợt trợ cấp đầu tiên trong năm nay.
Nghe có vẻ như đây không phải là một khoản tiền nhỏ nhưng Roy Badoer nói với các phóng viên VOA rằng, 33 USD này không đủ số lẻ trong tiền thuê đất, dù rất hữu ích nhưng thực ra cũng không nhiều.
Đợt trợ cấp thứ hai của Bộ Nông nghiệp Mỹ trong năm 2019 vẫn chưa được thực hiện, nếu hai nước Mỹ-Trung đạt được thỏa thuận trong năm nay, hoặc giá đậu nành tăng thì nông dân trồng đậu nành Mỹ có thể không nhận được một xu nào. Schyler cho biết, mặc dù họ đang gặp khó khăn nhưng họ không muốn dựa vào các khoản trợ cấp, họ càng muốn giải quyết tranh chấp thương mại càng sớm càng tốt bởi đây mới là giải pháp lâu dài để giải quyết vấn đề của nông nghiệp Mỹ.
Giới chuyên gia nhận định, các khoản trợ cấp của Bộ Nông nghiệp đã phát huy hiệu quả nhất định, nhưng thị phần bị mất trong cuộc chiến thương mại có thể không thể bù đắp trong một khoảng thời gian ngắn.
Mặc dù gia đình Badoer bị tổn thất sâu sắc bởi giá thực phẩm giảm nhưng trước bối cảnh cuộc chiến thương mại như hiện nay, họ cho biết họ sẵn sàng chịu sự tổn thất này.
Tim cho biết: “Là một nông dân, bạn thấy nhà lãnh đạo đã phát hiện ra những điều ảnh hưởng tới thu nhập của nông dân, đó là lý do tại sao có những người ủng hộ ông ấy. Bởi vì là nông dân, tôi thấy ông ấy đang nỗ lực. Hy vọng đạt được một thỏa thuận cuối cùng. Điều đó tốt cho nông nghiệp và nước Mỹ nói chung“.
theo Trí Thức Trẻ