Đắp mặt nạ là một trong những bước chăm sóc da rất cần thiết cho phụ nữ. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận bạn sẽ phạm sai lầm và khiến da xấu đi! Thực tế là có không ít người đôi lúc cảm thấy da tệ hơn sau khi sử dụng mặt nạ.
Trong vô thức, bạn đang lạm dụng việc đắp mặt nạ
Theo các chuyên gia da liễu, đắp mặt nạ mỗi ngày là nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề về da. Nếu đã chăm sóc da đầy đủ, gồm: làm sạch, dưỡng ẩm, chống nắng phù hợp với loại da thì bạn chỉ nên đắp mặt nạ 1-2 lần mỗi tuần là đủ.
Mặc dù mặt nạ là một vũ khí “lợi hại” giúp da bạn mịn màng và trắng hồng hơn nhưng việc lạm dụng mặt nạ rất nguy hại cho làn da. Nó sẽ khiến làn da mỏng manh của bạn bị bào mòn dần, thậm chí là kích ứng. Đặc biêt, các loại mặt nạ có thành phần chính là đất sét hoặc than hoạt tính, nếu đắp quá thường xuyên sẽ khiến da bạn nhăn nheo do mất ẩm và thiếu nước.
Đó là chưa kể đến việc bạn tự trộn lẫn các thành phần để làm mặt nạ và có thể tạo thành hoạt chất mới không hợp với làn da hoặc không thể thẩm thấu vào da. Vì vậy mà làm bí tắc lỗ chân lông, bí da và dẫn đến viêm nhiễm, chàm, mụn…
Nhiều người cũng lạm dụng mặt nạ theo cách “càng nhiều càng tốt”. Tuy nhiên, lớp mặt nạ quá dày sẽ làm các lỗ chân lông nở rộng, tạo điều kiện cho bụi bẩn “ngấm” sâu vào da. Đắp mặt nạ quá lâu cũng là một sự lạm dụng nguy hiểm khác. Mọi người thường nghĩ rằng điều này có thể làm da hấp thu được nhiều dưỡng chất hơn, nhưng sự thật là đắp mặt nạ quá lâu sẽ khiến da bị tổn thương. Mặt nạ đất sét sẽ làm da khô hơn còn mặt nạ giấy sẽ hút ẩm ngược khiến da mất nước.
Bạn nên tuân thủ thời gian đắp mặt nạ theo hướng dẫn của sản phẩm. Đôi khi, bạn cũng nên dựa vào tình trạng da để “cân đo đong đếm” liều lượng và thời gian phù hợp. Chẳng hạn, bạn có làn da khô thì chỉ nên sử dụng mặt nạ đất sét trong 10 phút trong khi da dầu lại có thể để mặt nạ tới 15 phút. Tuy nhiên, dù là tình trạng da như thế nào bạn cũng không nên đắp mặt nạ quá 20 phút.
Không rửa tay trước khi đắp mặt nạ
Dù sử dụng loại mặt nạ nào thì cũng đừng quên rửa tay trước. Nếu bạn không làm sạch tay, vi khuẩn từ tay có thể len lỏi bám vào da của bạn. Trong khi đó, mặt nạ sẽ ở trên da ít nhất là 10 phút, đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến da “tuột dốc không phanh” khi đắp mặt nạ chính là từ thói quen không rửa tay cẩn thận của bạn. Ngoài ra, bạn nên sử dụng những loại cọ chuyên dụng để tán mặt nạ khi dùng mặt nạ rửa. Điều này không chỉ hạn chế vi khuẩn mà còn giúp bạn tiết kiệm một lượng lớn mặt nạ.
Chọn mặt nạ sai cách
Tất nhiên, mặt nạ nào cũng có những ưu điểm của chúng nhưng không phải cái nào cũng hợp với làn da của bạn. Bạn nên cẩn trọng trong tất cả các sản phẩm dành cho da mặt. Nếu da bạn đang thiếu ẩm, đắp mặt nạ đất sét là một sai lầm. Sử dụng sai loại mặt nạ lâu dài sẽ rất hại cho da. Đặc biệt, bạn phải hiểu rõ làn da của mình và phân biệt thành phần trong mặt nạ để hạn chế tình trạng da bị kích ứng.
Ngoài ra, tâm trạng, thời tiết và nhiều yếu tố chủ quan khác sẽ dẫn đến sự thay đổi của da. Do đó, các chuyên gia thường khuyên bạn thay đổi sản phẩm dưỡng da theo mùa. Khi sử dụng mặt nạ, bạn cũng nên lưu ý điều này, sẽ không có một loại mặt nạ nào mãi mãi phù hợp với da của bạn.
PV