Đó là tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Ngày 29/5 ông nói chủ tịch Tập đã nuốt lời hứa không quân sự hóa ở biển Đông, và kêu gọi “hành động tạp thể” để buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm.
Tướng Mỹ không còn kiêng dè nữa
Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết ông không kêu gọi các bên hành động quân sự, nhưng nhấn mạnh cần phải tăng cường thực thi luật pháp quốc tế.
“Vào cuối năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa với Tổng thống [Barack] Obama rằng họ (Trung Quốc) sẽ không quân sự hóa trên các đảo [ở biển Đông]. Vậy mà giờ đây chúng ta nhìn thấy những đường băng dài 10.000 foot (hơn 3km), các cơ sở tích trữ đạn dược, và các trang thiết bị phòng thủ tên lửa, phòng không được triển khai đều đặn,” ông Dunford nói trong bài phát biểu về an ninh và quốc phòng Mỹ tại Viện Brooking.
“Rõ ràng là họ đã từ bỏ cam kết đó (không quân sự hóa biển Đông).”
“Theo đánh giá của tôi, biển Đông không chỉ là những đống đá”, tướng Mỹ nói, đề cập các thực thể bị Trung Quốc áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý, xâm chiếm và mở rộng trái phép để cho phép lưu trú các lực lượng quân sự cùng máy bay cỡ lớn.
“Những điều đang bị đe dọa ở biển Đông và những nơi có yêu sách chủ quyền như thế là các chuẩn mực, quy tắc quốc tế, luật pháp quốc tế và việc thực thi luật pháp,” ông nói. “Khi chúng ta bỏ qua những hành vi không tuân thủ quy định, quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế, thì chúng ta đã tạo ra một tiêu chuẩn mới.”
“Điều cần thực hiện… là hành động tập thể rõ ràng nhằm vào những bên vi phạm quy tắc và chuẩn mực quốc tế. Họ cần phải chịu trách nhiệm bằng cách nào đó, nhằm ngăn chặn những vi phạm trong tương lai.”
Cho đến nay, Washington dường như thất vọng bởi những nỗ lực đã đưa ra chưa thể ngăn chặn sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh trên biển Đông. Hải quân Mỹ tiến hành thường xuyên và định kỳ các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP) qua biển Đông, và tướng Dunford xác nhận hoạt động xây cất phi pháp của Trung Quốc trên các thực thể chiếm đóng đã bị chậm lại.
Tuy nhiên, ông nói, “Tôi cho rằng điều đó là bởi vì các đảo [nhân tạo] hiện đã được phát triển tới mức đủ khả năng quân sự theo yêu cầu mà Trung Quốc đặt ra”.
Trong tháng này, hai tàu khu trục USS Preble và USS Chung Hoon của Mỹ đã di chuyển vào vùng nước 12 hải lý của Đá Gạc Ma và Đá Ga Ven, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm thách thức yêu sách chủ quyền và hoạt động cải tạo, quân sự hóa trái phép của Bắc Kinh trên những thực thể này.
Biển Đông: Các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc cũng có thể bị Mỹ trừng phạt
Theo nhận định của trang Asia Times, nếu Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông trong thời gian tới, các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc cũng có thể bị cấm vận nếu người đó trực tiếp chỉ đạo quân sự hóa hai vùng biển này.
Giữa lúc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trở lên gay gắt, tuần trước, 14 nhà lập pháp của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, đại diện bởi thượng nghị sĩ Marco Rubio, đã đệ trình lên quốc hội dự luật trừng phạt các cá nhân và tổ chức Trung Quốc có liên quan đến hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông và Hoa Đông.
Nội dung được các thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ đệ trình lên Quốc hội có tên “Dự luật áp lệnh cấm vận đối với Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa liên quan đến các hoạt động trên Biển Đông và Hoa Đông và các mục đích khác”, dự luật này có 12 tiểu mục.
Trong Mục 2 của dự luật nêu rõ, dù Mỹ đứng trung lập trong tranh chấp chủ quyền đối với các thực thể đất trong khu vực… Tất cả yêu sách hàng hải phải được dựa trên thực thể tự nhiên, theo đúng luật quốc tế”. (Báo cáo Bộ Quốc phòng Mỹ tháng 8-2015).
Trong Mục 5, quan điểm trên được nhấn mạnh, rằng Quốc hội Mỹ phản đối hành động của chính phủ bất cứ quốc gia nào can thiệp vào quyền tự do sử dụng vùng nước và không phận ở Biển Đông hoặc Hoa Đông; yêu cầu Trung Quốc ngừng theo đuổi các yêu sách bất hợp pháp và hành động quân sự hóa một khu vực quan trọng đối với an ninh toàn cầu.
Dự luật cũng kêu gọi chính phủ Mỹ mở rộng các chiến dịch tự do hàng hải và hàng không, phản ứng lại hành động khiêu khích của Trung Quốc bằng các biện pháp tương xứng.
Tờ Asia Times bình luận cho rằng, với những từ ngữ, nội dung cứng rắn như trên, Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông 2019 hứa hẹn sẽ khiến Bắc Kinh phản ứng mạnh nếu được thông qua, thương chiến cũng sẽ gia tăng vì nhiều công ty hàng đầu Trung Quốc có liên quan đến hoạt động cải tạo ở Biển Đông.
Dự luật đang được Quốc hội Mỹ xem xét yêu cầu tổng thống áp đặt lệnh trừng phạt về nhập cảnh và tài sản tại Mỹ đối với bất cứ người Trung Quốc nào có liên quan đến các dự án xây dựng và phát triển, trực tiếp bằng hành động hoặc chính sách, mang tính chất đe dọa hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Theo Asia Times, do cách tiếp cận toàn diện của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, trong đó chính quyền địa phương, quân đội, các tổ chức bán quân sự đều có tham gia, lệnh cấm vận của Mỹ có thể vượt xa hơn các doanh nghiệp nhà nước lớn, bao trùm cả quân đội Trung Quốc và các đơn vị chính quyền.
Ngoài ra, dự luật có đính kèm danh sách ban đầu gồm 25 công ty Trung Quốc có thể bị trừng phạt ngay, đáng chú ý là CCCC Dredging Group, công ty con trực thuộc Tập đoàn Xây dựng viễn thông Trung Quốc, đơn vị đã tham gia xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông.
Danh sách này còn có Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (Sinopec), Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC), China Mobile, Tổng công ty Viễn thông Trung Quốc (China Telecom), Tập đoàn Khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC)…
Về mặt lý thuyết cấm vận có thể áp dụng với cả lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc, nếu người đó chủ trương quân sự hóa phi pháp Biển Đông.
PV (t/h)