Theo gia phả của dòng họ Lê Hữu tại thôn Liêu Xá, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, thì vào 6 đời đầu của dòng họ này, dù nhiều người giỏi chữ nghĩa, được giới khoa bảng và quan lại đánh giá cao, nhưng người trong họ hễ đi thi là không đỗ đạt gì hết. Vì thế mà con cháu dòng họ rất nghèo khó dù ham học.
Đầu thế kỷ 18, ông Lê Hữu Dụng là đời thứ 7 của dòng họ này, cũng là người hiếu học thông minh nổi tiếng khắp vùng, nhưng đi thi mấy khoa liền cũng chẳng đỗ đạt gì. Thấy vậy ông Dụng đành ở làng mở lớp dạy học cho lũ trẻ.
Cũng theo gia phả họ Lê Hữu thì ông Dụng quen biết một người bạn tên là Đồ Cẩm, am hiểu phong thủy. Một lần đón bạn tới nhà chơi, ông Dụng ngại ngùng nói: “Nhà tôi gia cảnh bần hàn nên tiếp đón có gì không chu đáo mong ông lượng thứ cho”.
Biết Lê Hữu Dụng là người thông minh lại hay chữ nên Đồ Cẩm ngạc nhiên: “Tôi thấy ông là người tài năng, sao không chịu đi thi chiếm lấy bảng vàng. Con cháu sau này cũng nhờ phúc đó mà bớt phải chịu cảnh cơ hàn. Sao lại chịu sống cảnh khốn khó thế này?”
Ông Dụng kể với bạn về hoàn cảnh của mình, rằng mấy đời họ Lê Hữu học hành cũng khá nhưng không đỗ đạt gì. Biết bạn am hiểu phong thủy, ông nhờ bạn tìm giúp một cuộc đất tốt, để đường khoa bảng của dòng họ bớt trắc trở.
Đồ Cẩm đồng ý tìm cho bạn mình cuộc đất tốt và hẹn sẽ quay lại sau.
Đến hẹn, Đồ Cẩm quay lại chuẩn bị táng mộ của bà Vũ Thị Yêm (mẹ của ông Dụng) vào đất mới. Thế nhưng sắp đến giờ đẹp để táng thì vẫn còn thiếu tiểu sành. Số là gia cảnh ông Dụng nghèo khó, không có tiền để mua, khiến việc chuẩn bị không xong. Thấy vậy Đồ Cẩm liền nói rằng: “Nếu không có tiểu sành thì ông cứ kiếm cho tôi một cái nồi đất miệng rộng, đủ để xếp hài cốt vào là được”.
Đến lúc hài cốt được mang đi cải táng chỗ mới thì bỗng trời nổi gió lớn, mây đen ùn ùn kéo đến, mưa như trút nước, huyệt mới đào bị lấp đầy nước khiến không sao cải táng được. Con cháu họ Lê Hữu đành tạm đưa hài cốt đến rìa lũy tre làng đợi mưa hết sẽ cải táng.
Khi mưa hết, mọi người tiếp tục đưa hài cốt cải táng thì một chuyện lạ xảy ra: xung quanh chỗ hài cốt đó mối đã đùn lên lấp cả hài cốt. Bởi vì tin rằng đây là ý trời, nên con cháu quyết định cứ thế đắp thành mộ chứ không táng vào chỗ đất mà ông Đồ Cẩm đã chọn.
Ông Đồ Cẩm sau khi đến xem xét sự lạ thì thốt lên rằng:
“Ngôi mộ thiên táng này quả là vô cùng hiếm gặp. Ba mặt Bắc, Tây, Đông của làng này đều có con sông nhỏ uốn quanh trông hình tựa một trái hồ lô lớn. Nồi hài cốt đã được đặt vào nơi huyệt kết, là kiểu đất Ngôn kỳ đại thế, lại dựa vào thế đất hồ lô nên long mạch táng ở đáy. Kết cục, thế đất có hình thiên mã, có ngựa lớn, ngựa nhỏ chầu về. Bên ngoài thì có kim quy ngưỡng ngọa, bên trong thì có thượng thư án, bên thì tả tượng, bên thì hữu mã cùng chầu.
Cứ theo thế đất này thì con cháu dòng họ Lê Hữu sẽ được đinh tài lưỡng vượng, học hành đỗ đạt cao. Họ của ông sẽ trở thành dòng họ quý tộc, chí bách dư niên (nghĩa là sẽ phát kết trên 100 năm).”
Từ đó dòng họ Lê Hữu bắt đầu phát đường khoa bảng, mở đầu là con trai cả của Lê Hữu Dụng là Lê Hữu Thời. Ông Thời đỗ kỳ thi Hương, vào thi Hội thì đỗ qua tam trường, được bổ nhiệm làm Tri huyện Chí Linh. Người con thứ của ông là Lê Hữu Danh đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1670.
Chuyện ông Lê Hữu Danh cũng rất ly kỳ. Đỗ Hoàng giáp, Lê Hữu Danh vinh quy bái tổ về làng, cờ lọng uy nghiêm, quân lính chỉnh tề đi theo hộ tống. Người dân hai bên đường đến xem mặt Hoàng giáp rất đông nhưng có một người con gái cứ đi giữa đường như không có chuyện gì xảy ra. Quân lính đến dẹp đường, cô gái liền nói: “Đấy Hoàng Giáp thì đây cũng một tổ tiến sỹ”.
Lê Hữu Danh nghe cô gái nói thế thì liền hỏi nguyên do, mới biết cô gái này là Dương Thị Duệ (người thôn Ngọc Quá, xã Lạc Đạo, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh nay thuộc huyện Văn Lâm, Hưng Yên), cháu gái quan Thượng thư Dương Hồ, cháu ngoại của cụ Phạm Công Trứ – Tể tướng đương triều.
Nghĩ rằng mình gặp cô gái này hẳn có duyên, Lê Hữu Danh tạm ngừng kiệu, tìm vào nhà quan Thượng thư Dương Hồ kể chuyện và ngỏ lời xin được kết duyên. Dương công cũng cho là có duyên liền đồng ý gả cháu gái cho Hữu Danh.
Sau này hai vợ chồng ông Lê Hữu Danh sinh được 5 người con thì có 3 người đỗ tiến sĩ và giữ trọng trách trong Triều. Lê Hữu Danh làm quan đến chức Hiến sát sứ, khi mất được phong Tả thị lang, tước Văn Uyên bá.
Con cháu họ Lê Hữu sau này đều đỗ đến tiến sĩ. Đến thời vua Lê Dụ Tông đầu thế kỷ 18, Tả thị lang là tiến sĩ Lê Hữu Mưu sinh ra Lê Hữu Trác. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được hậu nhân suy tôn là đại danh y, ông có đóng góp rất lớn cho nền y học cổ truyền nước nhà.
Trần Hưng