Được mọi người gọi là “Thiên thần Nam Kinh”, anh Chen Si – người đã miệt mài cứu sống hàng trăm người có những tâm tư không dễ giãi bày.
Cầu sông Dương Tử ở Nam Kinh (Trung Quốc) chở khoảng 80.000 phương tiện và 200 chuyến tàu mỗi ngày. Giữa làn xe cộ nườm nượp không bao giờ dứt này, cầu Dương Tử đã chứng kiến quá nhiều câu chuyện bi kịch, khi nó còn mang cái tên không mong muốn “cây cầu tự vẫn”. Dương Tử đã vượt qua Cầu Cổng Vàng của San Francisco (Mỹ) để trở thành địa điểm tự sát phổ biến nhất trên thế giới.
Kể từ ngày 19 tháng 9 năm 2003, mỗi cuối tuần, Chen Si đều đi 25 km từ nhà đến cây cầu. Từ 7 giờ 30 sáng cho đến khi mặt trời lặn, anh ấy sẽ làm công việc phát hiện ra những người có ý định tự sát trước khi họ có cơ hội lao xuống dòng sông. Chen Si sẽ cố hết sức dùng lời nói thuyết phục họ đổi ý, và dùng cả hành động kéo họ trở lại hàng rào, đá và la hét cho đến khi người đó đến nơi an toàn.
Trong suốt 20 năm qua, Chen Si đã tình nguyện làm công việc này, bất kể mưa nắng. Tính đến nay, anh đã ngăn chặn khoảng 400 người tuyệt vọng nhảy xuống dòng nước xoáy bên dưới. Anh đã nói chuyện với hàng trăm người đang nghĩ đến việc lấy đi mạng sống của bản thân. Truyền thông và công chúng đặt cho anh biệt danh “Thiên thần Nam Kinh”.
Hành trình cứu sống 400 mạng người của “Thiên thần Nam Kinh”
Cầm một điếu thuốc trên tay và cốc trà xanh trong tay kia khi tiếp chuyện phóng viên, Chen Si lãnh đạm chia sẻ rằng anh “không có kỹ năng độc đáo nào” ngoài việc thể hiện sự đồng cảm với những người đã tuyệt vọng đến mức tìm đến “cây cầu tự sát” của Trung Quốc.
Người đàn ông có cuộc gặp gỡ thay đổi cuộc đời đầu tiên ở đó vào năm 22 tuổi khi anh phát hiện ra một phụ nữ – một công nhân nhập cư trẻ như anh khi ấy đang khóc và định nhảy xuống cầu. Sau khi anh dừng lại để nói chuyện, người phụ nữ leo xuống và Chen nhận ra rằng anh có thể đã vô tình cứu được một mạng người.
Kể từ đó, anh ấy đã giúp hơn 400 người lùi lại và quay trở lại đời sống. Trung bình cứ hai tuần lại có một người. Chen Si kể anh từng gặp một thanh niên đặc biệt khỏe và đã cắn vào lưỡi khi bị nhiều người kéo lê từ mép cầu. Với tâm niệm “không có gì quý hơn mạng sống”, anh mong muốn có thể đem mọi người trở về thực tại và cố gắng thêm một lần nữa.
“Tôi nói với họ rằng tôi cũng là một người rất bình thường”, Chen nói.
Lớn lên trong cảnh nghèo khó ở vùng nông thôn tỉnh Giang Tô đã giúp Chen Si hiểu được sự tuyệt vọng của mọi người, anh tự mô tả mình là “một nông dân từ làng quê đã phải vật lộn để có chỗ đứng trong thành phố”.
Bên cạnh đó, một chồng sách của nhà tâm lý học huyền thoại Freud mua từ một người bán hàng rong cách đây nhiều năm cũng khiến anh quan tâm đến tâm lý học. Anh nói: “Mặc dù sách đã bị mất một số trang nhưng tôi vẫn tiếp tục đọc. Nó xây dựng cơ sở để tôi hiểu mọi người”.
Nhiệm vụ cứu người trên cây cầu đè nặng lên vai Chen và anh ấy thường xuyên đến thăm các ngôi đền để trút bỏ gánh nặng cho bản thân.
“Trong quá khứ, tôi không có khả năng tự bảo vệ mình, và những người mà tôi không thể cứu được đã quay trở lại ám ảnh những giấc mơ của tôi”, “thiên thần Nam Kinh” giãi bày. Những mảnh đời, những câu chuyện, những hình ảnh cùng cực của con người anh chứng kiến trong 20 năm qua quá đỗi nặng nề.
Hành động đẹp truyền cảm hứng
Khi được hoàn thành vào năm 1968, cây cầu hai tầng sông Dương Tử ở Nam Kinh được tôn vinh là một kỳ công của kỹ thuật Trung Quốc. Nó đã giành được một vị trí trong Sách kỷ lục Guinness là cây cầu đường sắt và đường cao tốc kép dài nhất thế giới lúc đó.
“Đôi khi khi kiểm tra cây cầu vào buổi sáng, chúng tôi tìm thấy một chiếc giày cao gót hoặc một chiếc điện thoại có ghi chú bên dưới”, Zhang Chun, giám đốc một nhóm xã hội dân sự trong thành phố cho biết.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Lancet hai năm trước, các vấn đề về sức khỏe tâm thần đã trở nên phổ biến hơn ở Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây.
Sau khi được truyền thông ca ngợi và trở nên nổi tiếng, hiện đã có những tình nguyện viên khác tới giúp đỡ Chen Si trong công cuộc làm “thiên sứ bảo vệ cầu Dương Tử”. Trong đó có rất nhiều người là các sinh viên tâm lý học từ các trường đại học địa phương. Chen còn hướng dẫn họ cách nói chuyện với mọi người trên cầu.
“Tôi không thể cứu tất cả bọn họ”
Bên cạnh việc cứu người tự vẫn trên cầu Dương Tử, Chen Si còn biến hai căn phòng của mình thành ký túc xá cho những người tuyệt vọng không có chỗ ngủ. Trên tường căn phòng nhỏ có dán khẩu hiệu “Hãy khóc khi bạn cần khóc”.
Hành trình của Chen Si cũng gian nan và có nhiều góc khuất
Nhưng người đàn ông được cả xã hội tôn vinh, khen ngợi này nói rằng công việc tình nguyện đã khiến cuộc sống cá nhân của ông phải trả giá.
“Tôi không làm việc này một mình. Đó là thời gian tôi vay mượn của vợ và con”, anh nói và cho biết thêm vợ anh đã gánh vác trách nhiệm chăm sóc con cái.
Dẫu vậy, Chen cho biết anh sẽ chỉ dừng lại khi không còn đủ sức để kéo mọi người xuống vực.
“Tôi không nghĩ mình là thiên thần. Tôi chỉ muốn mang lại ánh sáng cho những người đang ở trong bóng tối”, anh nói. “Nhưng tôi không thể cứu được tất cả. Cái gì vượt quá khả năng của tôi, tôi chỉ biết phó mặc cho ông trời”.
Nguồn: AFP-Theo Chi Chi–Thể thao văn hóa