Công Phượng có thể sẽ thành công, cũng có thể sẽ thất bại. Nhưng bất chấp kết quả thế nào, bầu Đức và “chàng trai vàng” của mình cũng đã thành công, ngay lúc này!
1. Erin McLeod chắc hẳn là cái tên cực kỳ xa lạ với bất cứ người Việt Nam nào, kể cả người hâm mộ bóng đá, chuyên gia bóng đá, thậm chí giới phóng viên thể thao. Chẳng có gì phải ngạc nhiên cả, bởi đấy chỉ là tên của một… cầu thủ bóng đá nữ.
Nhưng cách xa Việt Nam đến nửa vòng trái đất – ở Canada, đấy là cái tên mà hầu hết người dân quốc gia này đều biết đến. Cô là một trong những cầu thủ bóng đá nổi tiếng nhất của ở đất nước có diện tích lớn thứ nhì thế giới này, với tấm huy chương đồng Olympic sau hai kỳ tham dự, cùng 3 lần góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới – World Cup, tất nhiên là dành cho nữ.
Nhưng ngoài thành tích trên sân cỏ, người Canada tự hào về cô bởi một điều đặc biệt khác, là ý chí cực kỳ mạnh mẽ, để thực hiện cho bằng được giấc mơ Olympic của riêng mình, để rồi từ đó thổi bùng lên giấc mơ Olympic, giấc mơ World Cup của cả một dân tộc. Và sau cùng, giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực, để Erin McLeod có một cuộc đời đáng sống, để bóng đá nữ Canada thực hiện thành công giấc mơ bóng đá của đất nước mình.
Tròn 5 tuổi, cô bé Erin McLeod ngày nào cùng gia đình dọn tới Calgary, và ngay trong lần đầu tiên được chứng kiến Olympic mùa Đông trên truyền hình, cô đã chết mê chết mệt khi chứng kiến nữ vận động viên trượt băng nghệ thuật Elizabeth Manley đoạt chiếc huy chương bạc Thế vận hội, và từ đó trong tâm thức của cô bé 5 tuổi ngày nào bật lên niềm khao khát “Một ngày nào đó, mình sẽ tham dự Olympic”.
Giấc mơ ấy không suôn sẻ khi Erin McLeod thử sức từ môn hockey, teakwondo, bóng mềm, bóng rổ, để cuối cùng dừng lại ở bóng đá. Để thực hiện ước mơ của mình, thử thách khó khăn nhất với cô là giảm cân.
“Tôi bắt đầu luyện sút bóng vào hàng rào hàng đêm. Tôi chạy như điên. Tôi giảm được 17 cân. Khi ấy, tôi mới có 12 tuổi“.
Và thêm một bước ngoặt nữa đến với cô gái trẻ đầy hoài bão ấy, bằng một chuyến đi đến châu Phi. Ở Liberia, Erin McLeod chứng kiến một cô bé 13 tuổi ở trung tâm cộng đồng gần một khu ở chuột lớn. Cô bé ấy phải nuôi 8 người em sau khi cha mẹ mất vì AIDS vài năm trước.
Erin McLeod kể lại: “Tôi đã nghĩ rằng cô bé ấy sẽ liệt kê ra một danh sách dài những thứ cần xin, vì hoàn cảnh gia đình cô ấy quá đáng thương. Nhưng cô ấy chỉ yêu cầu một thứ duy nhất: MỘT CÁI BÀN CHẢI ĐÁNH RĂNG. Một chiếc bàn chải đánh răng duy nhất cho cô ấy và gia đình mình“.
Cô bé 13 tuổi ấy khiến giấc mơ ngày nào của Erin McLeod bùng cháy mãnh liệt, trở thành quyết tâm không thể ngăn cản nổi: “Vì Canada, tôi phải trở thành số 1. Tôi phải đến World Cup“.
2.Giờ đây, bóng đá Việt Nam cũng đang mơ về giấc mơ World Cup. Nhưng nó chỉ đến sau những thành công vượt bậc từ khi HLV Park Hang-seo đến với Việt Nam. Giấc mơ cầu thủ Việt Nam được sang thi đấu châu Âu cũng thế. Sau “tấm gương” mang tên Công Vinh, giấc mơ ấy lụi tàn suốt gần 15 năm, để rồi giờ đây được thắp lại bởi Công Phượng, bởi bầu Đức, bởi niềm tin sắt đá vào việc chuyến xuất ngoại này sẽ mở đường cho bóng đá Việt Nam bay cao.
Hơn mười năm về trước, trong khi Quang Hải từng là tâm điểm “giành giật” của đội bóng Hà Nội và lò đào tạo HAGL của bầu Đức, thì Công Phượng từng là chú bé bị SLNA loại vì quá nhỏ bé. Không có HAGL dang rộng vòng tay, liệu Công Phượng có thể trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp?
Nhưng cũng như cô bé 12 tuổi Erin McLeod tập xuyên đêm để giảm 17 kg, để thực hiện bằng được ước mơ được chơi bóng chuyên nghiệp của mình, Công Phượng cùng các đồng đội ở HAGL cũng mất gần 10 năm lăn lộn xa gia đình để theo đuổi giấc mơ. Con đường ấy, không phải tất cả đều đến đích…
Suốt 10 năm lăn lộn cùng lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… bầu Đức chưa từng nhắc đến giấc mơ World Cup, nhưng giấc mơ vô địch SEA Games thì luôn cháy trong ông, kèm theo đó là giấc mơ đưa “những đứa con” của mình vươn ra trời Âu, để bóng đá Việt Nam rộng đường vượt qua Thái Lan, vươn ra khỏi “vùng trũng” Đông Nam Á.
Giờ đây, giấc mơ vô địch SEA Games đã cận kề, chỉ tiếc rằng có khi Công Phượng, Xuân Trường sẽ không có mặt trong dấu ấn vinh quang ấy của bóng đá Việt Nam. Nhưng chẳng sao cả, bởi với Công Phượng, giấc mơ bây giờ mang tên World Cup cơ mà.
Người ta bảo bầu Đức cho Công Phượng đi Bỉ – dù ngay trước đó thất bại ở Hàn Quốc, là vì tiền. Đúng là để có được Công Phượng, CLB Sint – Truidense đã phải trả không ít tiền cho HAGL, cũng như cho Công Phượng. Nhưng chẳng phải nó thể hiện sự đánh giá cao của đội bóng Bỉ với Công Phượng, đồng thời cũng là động lực lớn lao để tiền đạo con cưng của bầu Đức phải thể hiện hết mình ở trời Âu hay sao?
Và nếu Công Phượng thành công trong màu áo mới này, số tiền ấy sẽ là cột mốc khẳng định cho giá trị, cho khát vọng của bóng đá Việt Nam trở thành hiện thực.
Không có Công Phượng, mùa giải này HAGL lại đang có dấu hiệu bết bát với vị trí thứ 11 trên bảng xếp hạng, chỉ xếp trên đội áp chót có 1 điểm mong manh sau trận thua Quảng Nam trên sân Pleiku mới đây. Chỉ tiêu “nằm trong top 5” mà nhà tài trợ Thaco đặt ra cho bầu Đức xem chừng sẽ khó thành hiện thực, nhưng để bóng đá Việt Nam có ngày bay cao, liệu điều đó có quá quan trọng?
Và sau cùng, Bỉ là đội bóng đoạt huy chương đồng ở kỳ World Cup gần nhất. Trong danh sách 23 cầu thủ “Quỷ đỏ” tham dự World Cup 2018, có quá nửa đang thi đấu ở Premier League, và chỉ có vỏn vẹn 4 cầu thủ thi đấu ở những giải đấu nằm ngoài 5 giải VĐQG mạnh nhất châu Âu. Sức mạnh của Bỉ đến từ những cầu thủ đang “đánh thuê” ở những nền bóng đá cao cấp nhất thế giới.
Phải chăng vì thế, bầu Đức chọn nơi đây là đích đến cho Công Phượng?
theo Trí Thức Trẻ