Mọi nhà đầu tư đều sống với rủi ro mỗi ngày. Chỉ một sai lầm, các khoản tích lũy nhiều năm ròng và quỹ hưu trí đều có thể bị “xóa sổ” trong vài giờ. Để có chiến lược phòng thủ hợp lý trước các cơn bão tài chính, chuyên gia chỉ ra 5 nguyên tắc vàng sau đây.
1. Đa dạng hóa
Đa dạng hóa danh mục đầu tư của bạn có lẽ là biện pháp quan trọng nhất mà bạn có thể thực hiện để bảo vệ các khoản đầu tư của mình khỏi một thị trường xuống giá nghiêm trọng .
Tùy thuộc vào độ tuổi và khả năng chấp nhận rủi ro của bản thân, bạn có thể sử dụng một cách hợp lý các khoản tiết kiệm hưu trí vào việc đầu tư cổ phiếu riêng lẻ, quỹ tương hỗ hoặc quỹ hoán đổi danh mục (ETF).
Nhưng bạn cần phải chuẩn bị sẵn sàng để kịp thời chuyển số tiền đó vào một thứ gì đó an toàn hơn, ngay khi thấy dấu hiệu khủng hoảng xuất hiện.
Các cá nhân ngày nay có thể bỏ tiền của mình vào nhiều khoản đầu tư, mỗi khoản đều có mức độ rủi ro riêng. Cổ phiếu, trái phiếu, tiền mặt, bất động sản, các sản phẩm phái sinh, bảo hiểm nhân thọ, kim loại quý… là một vài lựa chọn thường thấy. Bạn thậm chí có thể tham gia đầu tư theo hình thức khác, có thể là một dự án sản xuất dầu và khí đốt chẳng hạn.
Chia nhỏ tài sản qua một danh mục đa dạng là cách tốt nhất để đảm bảo rằng bạn vẫn được bảo vệ ở mức “an toàn”, cho dù thị trường có biến động mạnh.
2. “Bay” đến nơi an toàn
Bất cứ khi nào thị trường bắt đầu có dấu hiệu hỗn loạn, hầu hết các nhà giao dịch chuyên nghiệp đều chuyển sang tiền hoặc các khoản tương đương tiền. Nếu đủ tỉnh táo để nhận thức các dấu hiệu, bạn cũng có thể làm được điều tương tự.
Nếu thoát ra ngoài nhanh chóng, bạn có thể quay trở lại khi giá thấp hơn nhiều. Sau đó, đợi tới lúc xu hướng đảo ngược, bạn có thể kiếm được nhiều lợi nhuận hơn nữa từ sự phục hồi trở lại của thị trường.
3. Sở hữu vài khoản đầu tư có mức độ an toàn cao
Các khoản đầu tư có mức độ an toàn cao thường đi đôi với lợi nhuận thấp. Đó là lý do mà hầu hết mọi người không muốn dồn tiền vào đó. Tuy nhiên, trong thời điểm mọi thứ biến động và thay đổi không ngừng, đó lại là những chiếc “két sắt” có thể bảo vệ tài sản của bạn tốt nhất.
Do đó, ít nhất hãy sở hữu một vài khoản đầu tư mang tính an toàn cao, ít chịu tác động từ thị trường chung trong danh mục đầu tư để đảm bảo an toàn cho bản thân. Như vậy, dù mọi thứ có biến động thế nào, bạn vẫn có thể “kê cao gối ngủ”.
4. Thanh toán các khoản nợ
Nếu bạn có những khoản nợ đáng kể, tốt hơn hết bạn nên thanh lý một số tài sản trong tay một cách phù hợp để có thể giảm bớt phần nào các khoản nợ. Trong trường hợp không may, tất cả danh mục đầu tư của bạn đều sụt giảm nghiêm trọng, không có tài chính dư dả, nhưng ngày đáo hạn các khoản nợ đang đến gần. Áp lực tài chính nặng nề có thể sẽ ảnh hưởng tới tâm lý và tư duy, khiến bạn đưa ra những quyết định không sáng suốt.
Ít nhất, khi các khoản nợ được giảm thiểu, bạn sẽ có một bảng cân đối tương đối ổn định hơn trong khi tài chính bị ảnh hưởng. Chẳng hạn như trả hết hoặc trả phần lớn tiền vay nợ để mua nhà, mua xe của bạn cũng có thể là một ý tưởng hay. Giảm thiểu các nghĩa vụ hàng tháng sẽ không bao giờ là một ý tưởng tồi.
5. Tìm kiếm tia sáng cuối đường hầm
Nếu bạn không thể trực tiếp bảo vệ nguyên vẹn các khoản đầu tư của mình khỏi sự sụp đổ, vẫn có những cách giúp bạn lỗ ít hơn, giảm thiểu thiệt hại phải chịu.
Sử dụng những phân tích cơ bản, uy tín để xác định thời điểm cắt lỗ và điểm chốt lãi sao cho thích hợp. Xác định được điểm cắt lỗ thích hợp sẽ giúp bạn ngăn chặn và hạn chế tổn thất trước khi chúng nghiêm trọng hơn.
Nhà đầu tư nổi tiếng Philip Fisher cho rằng thời điểm bán ra một cổ phiếu là khi xuất hiện 1 trong 2 điều kiện sau. Một, nhà đầu tư tìm thấy một cổ phiếu tuyệt vời hơn. Hai, khi nhà đầu tư nhận ra nhận định ban đầu của mình về doanh nghiệp là sai lầm, xu hướng đi xuống ở các yếu tố tăng trưởng của doanh nghiệp.
Cách cắt lỗ thông dụng và đơn giản nhất là bán ra khi cổ phiếu giảm một mức phần trăm nào đó so với giá mua. Tỉ lệ này tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi người cũng như độ biến động (volatility) của từng loại cổ phiếu. Nhiều người giới hạn mức lỗ ở mức 5%-8%.
Nên nhớ đừng coi thường các khoản lỗ nhỏ vì nếu chúng liên tiếp xảy ra và dồn lại thì tính “sát thương” rất lớn. Bởi vậy, nếu liên tục phải cắt lỗ thì bạn nên nghiêm túc xem lại phương pháp đầu tư của mình.
Tổng kết lại, theo chuyên gia từ Investopedia, nếu đã quá “đau tim” vì thị trường, không muốn “đu đỉnh bắt đáy” nữa thì lời khuyên thông minh để bảo vệ danh mục đầu tư của bạn chính là đa dạng hóa và luôn đảm bảo một tỉ suất an toàn nhất định.
Trước những biến động có thể xảy ra trên thị trường, nên có bảo hiểm rủi ro cho các khoản đầu tư của bạn; thanh toán các khoản nợ để giữ bảng cân đối tài chính ổn định, và sử dụng điểm cắt lỗ phù hợp để giảm thiểu thiệt hại của bản thân.
*Theo Investopedia-Thuý Phương–Theo Nhịp sống kinh tế