Ban đầu khởi nghiệp gian nan dữ lắm. Do thiếu vốn nên hồi đó tôi chủ yếu vẽ thư pháp để bán thôi. Sau này, khách hàng dần dần biết đến nên doanh thu của cửa hàng dần khá lên.
Ấn tượng đầu tiên khi PV có dịp trò chuyện với anh Trần Quốc Lững (33 tuổi, ngụ khóm 2, P.7, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), đó là một người hiền lành, tỉ mỉ và trung thực. Đặc biệt anh có “máu” của một người nghệ sĩ và hiện là chủ một cửa hàng tranh thư pháp.
Thà ‘bỏ’ tấm bằng đại học chứ không bỏ đam mê
Năm 2011, anh Trần Quốc Lững tốt nghiệp đại học với chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản của Trường đại học Bạc Liêu. Sau khi tốt nghiệp, anh Lững xin vào làm việc cho 1 công ty sản xuất giống thủy sản có tiếng trên địa bàn huyện Đông Hải (Bạc Liêu). Công việc này có thể nói là rất phù hợp với ngành học của anh. Nhưng chỉ gắn bó với nghề thủy sản được 3 năm thì anh Lững quyết định bỏ nghề vì quá đam mê thư pháp.
“Lúc học đại học, tôi đã tập tành viết thư pháp rồi và được bạn bè trong khóa học nói rằng tôi rất có khiếu viết và động viên cố gắng phát huy. Thời điểm đó, tôi cũng từng nghĩ sẽ bỏ học để theo đuổi đam mê viết chữ nghệ thuật. Nhưng khi nghĩ lại tôi quyết định tạm gác đam mê, để tiếp tục hoàn thành khóa học. Ra trường, tôi cũng khát khao muốn phát triển nghề mà mình học nên cố đi làm được 3 năm, sau đó thì vẫn bỏ nghề bởi niềm say mê thư pháp cứ thôi thúc tôi mãi”, anh Lững chia sẻ.
Có một câu hỏi đặt ra là liệu nghề này có thể giúp anh “hái ra tiền” ở vùng ĐBSCL hiện nay hay không? Anh Lững cho hay, đó là niềm đam mê của anh và với bản tính nghệ sĩ vốn có, anh không thích ràng buộc, mà muốn tự do bay nhảy, làm chủ bản thân.
Anh Lững tâm sự, bây giờ tấm bằng kỹ sư thủy sản anh có thể bỏ nhưng nếu bắt buộc từ bỏ đam mê thư pháp thì anh không làm được. Bởi theo anh đó là cái nghiệp mà mình lựa chọn nên dù gian nan, khó khăn cách mấy vẫn đeo bám, đam mê đó đã ăn sâu vào máu thịt anh rồi.
6 năm chưa nhận lời phàn nàn nào của khách hàng
Tọa lạc tại khóm 2, P.7, TP.Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), cửa hàng mang tên Việt Thư của anh Lững đang dần tạo được chỗ đứng trong lòng người mộ điệu với đa dạng loại tranh như tranh thư pháp, tranh thêu, tranh gắn đá, sơn mài, sơn dầu…
Sau khi bỏ nghề kỹ sư thủy sản như đã nói, anh Lững đã khăn gói lên TP.HCM để học thư pháp. Có lẽ do có năng khiếu từ bộ môn nghệ thuật này từ trước, nên chỉ trong vòng 2 tháng anh Lững đã học thành thục các kỹ năng vẽ, viết, thêu tranh nghệ thuật.
“Ban đầu khởi nghiệp gian nan dữ lắm. Do thiếu vốn nên hồi đó tôi chủ yếu vẽ thư pháp để bán thôi. Sau này, khách hàng dần dần biết đến nên doanh thu của cửa hàng dần khá lên. Rồi tôi mới thuê nhà để mở rộng xưởng và đầu tư mua máy móc, thiết bị để tạo ra những bức tranh đặc sắc hơn, cung cấp ra thị trường”, anh Lững nói.
Anh cho biết bản thân quan tâm đến vấn đề uy tín và chất lượng sản phẩm của mình. Những sản phẩm nào bị lỗi khung hoặc nét chữ chưa mềm mại, uyển chuyển mà khách hàng không hài lòng thì anh vui vẻ, sẵn sàng đổi bức khác ngay.
“Làm nghề ngoài chữ tín còn phải chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Tôi đã bán tranh khoảng 6 năm nay, chưa bao giờ khách hàng phàn nàn về chất lượng tranh của tôi. Bởi nguyên tắc làm việc của tôi là cởi mở, vui vẻ và thẳng thắn, nên khi giao tranh cho khách hàng tôi thường hỏi họ hài lòng chưa, nếu chưa tôi sẽ chỉnh lại hoặc đổi bức khác cho khách hàng. Vì vậy, khách đến cửa hàng tôi lần đầu sẽ có những lần tiếp theo và cứ thế lượng khách cứ tăng lên”, anh Lững kể.
Giá tranh của cửa hàng anh Lững khi bán ra dao động từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng/bức. Ngoài việc buôn bán ở trong tỉnh, tranh của anh Lững còn được khách hàng ở các tỉnh, thành phố như Cần Thơ, Bến Tre, Sóc Trăng, TP.HCM… đặt mua.
Chị Thạch Kim Thoa, ngụ xã Hưng Hội, H.Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) chia sẻ: “Anh ấy rất nhiệt tình, thái độ cầu thị, cởi mở với khách hàng. Tranh của anh Lững vẽ rất sống động, như chính cậu ấy thổi hồn vào tranh vậy, nhưng giá bán thì phải chăng và chất lượng cao”.
Bên cạnh đó, hằng tháng Lững còn đều đặn tham gia hoạt động từ thiện như hỗ trợ gạo hoặc tiền để ủng hộ người nghèo, trẻ em mồ côi, cơ nhỡ trong tỉnh Bạc Liêu. “Tuy tôi không dư dả gì nhiều nhưng khi san sẻ được cho người nghèo những ký gạo hoặc ít tiền thì tôi thấy trong tâm mình thoải mái lắm”, anh Lững chia sẻ.
Chủ tịch UBND P.7, TP.Bạc Liêu – Lê Hồng Phong cũng công nhận những năm qua anh Lững đã đóng góp nhiều cho địa phương trong các nguồn quỹ hằng năm, bao gồm cả hoạt động an sinh xã hội do địa phương tổ chức.
Theo motthegioi