Trước khi qua đời, Lưu Bị đem hoàng quyền và tương lai của nước Thục giao phó cho Gia Cát Lượng, đồng thời lệnh cho anh em Lưu Thiền bái Gia Cát Lượng làm cha. Vì sao lại như vậy?
Kể từ khi kết nghĩa ở vườn đào, ba anh em Lưu – Quan – Trương đã phải bôn ba khắp nơi, chinh chiến hơn nửa đời người, cuối cùng vẫn chưa thể gây dựng được chỗ đứng cho mình.
Nhưng sau khi ba anh em gặp được Gia Cát Lượng, sự nghiệp của họ bắt đầu có những bước ngoặt lớn: Trước tiên trong trận chiến Xích Bích, họ đã liên hiệp được với Đông Ngô đánh bại Tào Tháo, giành được Kinh Châu làm trạm dừng chân. Sau đó họ lại tiến xuống Ích Châu, lấy được Hán Trung, đặt định cơ nghiệp của nước Thục. Phải nói rằng trong quá trình này, vai trò của Gia Cát Lượng là không ai có thể thay thế, công lao của ông cũng không thể phai mờ.
Đáng tiếc sau này vì Quan Vũ bị hại, Lưu Bị trong lúc tức giận đã dẫn binh phạt Ngô, bị một vị tướng trẻ tài mạo song toàn của Giang Đông là Lục Tốn đánh bại ở Di Lăng. Nỗi đau mất người thân cùng nỗi nhục mất nước đã khiến Lưu Bị ngã bệnh nằm liệt giường, ông tự biết bản thân mình không còn sống được bao lâu. Hiện thực đau thương khiến Lưu Bị không thể không lo lắng cho tương lai nước Thục. Với ông, việc khó nhất không phải là bố trí nhân sự, mà là làm thế nào để sau khi ông mất nước Thục vẫn đoàn kết được nội bộ, khiến đại nghiệp giang sơn phát triển vững bền.
Trong xã hội hoàng vị cha truyền con nối, Lưu Bị đã truyền lại ngôi cho Lưu Thiền, để Lưu Thiền gánh lấy ngọn cờ gây dựng lại cơ nghiệp nhà Hán. Ông lại đem hoàng quyền và tương lai của nước Thục giao phó cho Gia Cát Lượng, nói với Gia Cát Lượng rằng: “Tài năng của khanh gấp mười Tào Phi, ắt có thể an bang định quốc. Nhưng con trẫm đáng giúp thì giúp, bằng không khanh hãy tự làm chúa mà giữ lấy Thành Đô”. Đồng thời, ông cũng lệnh cho anh em Lưu Thiền bái Gia Cát Lượng làm cha, dặn họ rằng chuyện lớn chuyện nhỏ nào cũng đều phải tôn trọng ý kiến của Gia Cát Lượng.
Có người nói: Lưu Bị làm vậy là để thăm dò xem Gia Cát Lượng có ý soán quyền hay không. Cũng có người nói: Lưu Bị biết rõ Gia Cát Lượng không có ý mưu phản, chỉ vì lòng trung thành của Gia Cát Lượng mà cố tình diễn một màn kịch ân tình sâu nặng này. Nhưng sự thực lại hoàn toàn không phải vậy! Lưu Bị không có ý thăm dò, cũng không có ý gửi gắm ân tình gì cả. Hãy thử nghĩ xem, nếu Gia Cát Lượng thật sự muốn cướp ngôi, thì lời dặn dò của Lưu Bị há chẳng phải vừa khéo cho ông một cái cớ để mưu phản hay sao? Gia Cát Lượng biết sẽ bứt dây động rừng, nên ông ngoài mặt từ chối, nhưng trong lòng lại ngấm ngầm triển khai hoạt động. Còn nếu Gia Cát Lượng không có ý mưu phản, thì Lưu Bị há chẳng phải đã làm chuyện dư thừa, lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử hay sao?
Vậy vì sao Lưu Bị lại làm như vậy, nói như vậy? Có thể giải thích qua bốn điều sau:
Thứ nhất, sau khi nhóm người Lưu, Quan, Trương, Hoàng Trung, Pháp Chính qua đời, nhân tài đứng đầu của nước Thục đã không còn mấy ai. Tình hình khi đó có thể nói là: ‘Gia Cát Lượng còn thì nước Thục còn, Giá Cát Lượng mất thì nước Thục mất’. Vậy nên, Lưu Bị đã vì đại cục của nước Thục mà làm như vậy.
Thứ hai, Lưu Bị vì để bảo đảm cho mối quan hệ vua – tôi giữa Lưu Thiền và Gia Cát Lượng được hòa thuận, tránh phát sinh mâu thuẫn sau này mới sắp đặt cho họ kết làm cha con, dùng luân lý đạo đức mà ước thúc họ, cũng là giúp Gia Cát Lượng thực thi hoàng quyền một cách danh chính ngôn thuận. Hơn nữa, nếu thật sự phát sinh tranh chấp nội bộ, dẫu kết quả thế nào thì tổn thất lớn nhất đều là Lưu Thiền. Vậy nên Lưu Bị làm vậy cũng là để Lưu Thiền có được sự bảo hộ về sau.
Thứ ba, mục đích của Lưu Bị không phải để thăm dò, mà là để giữ chân Gia Cát Lượng. Lần đầu tiên gặp gỡ Lưu Bị đã biết Gia Cát Lượng có tài thông tỏ trời đất. Khi Gia Cát Lượng xuống núi đã căn dặn người nhà rằng: “Ta nhận ân huệ ba lần viếng thăm của Lưu hoàng thúc, không thể không xuống núi. Các ngươi hãy tự mình canh tác trồng trọt ở đây, không được để ruộng vườn hoang phế. Đợi sau khi xong việc, ta sẽ về đây quy ẩn”. Khi đó, Lưu Bị đã nhận định gia Cát Lượng là một bậc trí giả siêu nhiên thế ngoại, với những nan đề chính trị có thể phải đối mặt sau này thì ông đã có chuẩn bị đầy đủ cả rồi. Là một bậc thế ngoại cao nhân, Gia Cát Lượng chỉ muốn tìm một vũ đài để phát huy tài năng của mình, đối với danh lợi ông vốn dĩ không hề xem trọng, khi cần quy ẩn tất sẽ quy ẩn thôi!
Nhưng vì khi con người ta ở cùng với nhau, mâu thuẫn là điều không sao tránh được, giữa vua tôi lại càng như vậy. “Bề tôi giỏi chọn vua sáng mà thờ”. Nếu giữa Lưu Thiền và Gia Cát Lượng thật sự có gián cách đến mức nước lửa không thể dung hòa, Gia Cát Lượng vì để tránh mang tiếng bất trung, tuy không mưu phản nhưng sẽ lựa chọn rời đi. Thời ông chưa xuống núi thường ví bản thân mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị. Nhạc Nghị tác chiến bên ngoài, liên tiếp đánh hạ 72 thành trì của nước Tề, vì bị Yến Huệ Vương nghi kỵ nên đã đầu quân sang nước Triệu. Còn Gia Cát Lượng tuy sẽ không đầu quân Đông Ngô hay Tào Ngụy, nhưng như đã nói, ông sẽ lựa chọn ẩn cư.
Vì thế Lưu Bị mới nói ra những lời như vậy: một là để nhắc nhở Lưu Thiền không được làm khó dễ Gia Cát Lượng, hai là để xóa tan nỗi lo ẩn sâu trong tâm Gia Cát Lượng, rằng sau khi Lưu Bị tạ thế ông sẽ phải rời đi, đồng thời khiến ông bất kể lúc nào cũng đều có thể lấy đại cục của nước Thục làm trọng.
Trong “Xuất sư biểu” Gia Cát Lượng viết: “Từ khi lĩnh mệnh ngày quên ăn, đêm quên ngủ, thần không tiếc gì đến thân, không ngại xông pha nguy hiểm để khỏi phụ lòng tiên đế”. Ý tứ chính là nói: Nếu tiên đế đã nhận định ta là một trung thần, đem chuyện nhà của tiên đế và tương lai của nước Thục toàn bộ đều giao phó cho ta, thế thì ta cũng phải làm tròn bổn phận của một trung thần, dốc hết toàn lực vì người nhà của tiên đế và tương lai của nước Thục, để không phụ lòng tin của tiên đế trong việc nhìn người.
Thứ tư, Gia Cát Lượng phò tá Lưu Bị gây dựng chính quyền Thục Hán, cả đời vất vả công cao. Lưu Bị để ông ở ngôi vị thừa tướng, lại có thể dùng đến quyền uy của bậc đế vương, đây cũng tính là một phần bù đắp cho công lao của Gia Cát Lượng. Nói từ một góc độ nào đó, thì cũng là biểu hiện bề mặt về nỗi hổ thẹn trong tâm của Lưu Bị vì đã không nghe theo lời khuyên của Gia Cát Lượng, dẫn đến thất bại ở Di Lăng.
Con người vốn không ai là thập toàn. Dù là ai đi chăng nữa thì đôi lúc mắc sai lầm cũng là điều khó tránh, mâu thuẫn giữa người với người càng không sao tránh được. Nhưng cả Lưu Bị và Gia Cát Lượng đều có thể lấy đạo đức làm trọng, giữ tròn bổn phận của mình, tương kính tương tri, đại nghĩa quân thần vua tôi của họ xưa nay đều được người đời ngợi ca, lần lượt trở thành hình mẫu vua sáng tôi hiền. Mối quan hệ vua tôi của họ được hậu thế ca tụng là “đệ nhất quân thần”.
Lưu Bị có tài nhìn người, ông may mắn đã gặp được Gia Cát lượng. Qua từng cử chỉ lời nói mà Lưu Bị có thể nhìn rõ tài hoa tuyệt thế và phẩm cách cao thượng của Gia Cát Lượng, khẳng định rằng ông là một bậc trung thần tài đức song toàn. Hơn nữa Lưu Bị cũng rất rõ ràng rằng: các bậc trung thần trong lịch sử có thể để lại tiếng thơm muôn đời, không phải bởi họ trung thành với quân vương, mà là vì họ trung thành với đạo đức. Đồng thời, với một nhân tài hàng đầu như Gia Cát Lượng mà nói, chỉ khi trao cho ông tín nhiệm đầy đủ nhất mới có thể phát huy tài năng và tiềm lực của ông ở mức lớn nhất.
Cả một đời của Lưu Bị lấy nhân đức làm gốc rễ, từ việc ba lần viếng thăm lều cỏ đến việc chân thành ủy thác việc nước việc nhà cho Gia Cát Lượng ở thành Bạch Đế, đã khiến Gia Cát Lượng cảm động sâu sắc. Đây cũng có thể là một nguyên nhân quan trọng giải thích vì sao Gia Cát Lượng phải “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi” để báo đáp Lưu Bị chăng?
Vũ Dương – Theo Chánh Kiến