Ban đầu, chị Giang dự định tập trung may váy dạ hội nhưng nhận được nhiều đơn đặt hàng váy cưới nên chị quyết định học may những chiếc váy cưới lộng lẫy. Có người bạn từng khuyên chị cách để nhanh chóng thu hút được khách hàng, đó là “phải nói em học thời trang ở Pháp về”.
Hồi nhỏ, chị Nguyễn Hương Giang (Hà Nội) rất thích chơi búp bê. Chị học cách khâu vá, đan len để may quần áo cho búp bê rồi nuôi ước mơ theo đuổi ngành thời trang. Tuy nhiên, ước mơ đó không được bố mẹ chị ủng hộ. Chị thi vào một trường đại học theo định hướng của bố mẹ nhưng vẫn dành thời gian nghiên cứu việc may. Chị học giỏi tiếng Anh nên tìm được những tài liệu hướng dẫn từ nước ngoài. Tiết kiệm tiền để mua máy khâu, nguyên, vật liệu về dựng váy, chị tự may quần áo cho mình rồi cho người thân, bạn bè.
Học xong đại học, chị xin việc tại một tòa soạn báo nhưng đi làm được 13 ngày, chị thấy không hợp với công việc này và quyết định nghỉ việc. Biết chuyện, bố chị thở dài, giấu vợ cho chị 20 triệu đồng để khởi nghiệp. Chị dùng 12 triệu để thuê một mặt bằng nhỏ. Số tiền còn lại cùng tiền tiết kiệm chị dùng để mua vải. Ban đầu, chị dự định tập trung may váy dạ hội nhưng nhận được nhiều đơn đặt hàng váy cưới nên chị quyết định học may những chiếc váy cưới lộng lẫy. Có người bạn từng khuyên chị cách để nhanh chóng thu hút được khách hàng, đó là “phải nói em học thời trang ở Pháp về”. Nhưng tính chị thật thà, có sao nói vậy và chị cũng không muốn lừa dối khách hàng, “đánh bóng” tên tuổi. Dù là “kẻ ngoại đạo” trong ngành thời trang nhưng chị hoàn toàn tự tin về những chiếc váy mà mình làm ra.
Nhập được chất liệu tốt, có thợ lành nghề trong tay, chị đã làm ra những sản phẩm chất lượng. Sau 8 năm miệt mài, giờ đây, chị đã có những thành công bước đầu. “Dù có những lúc rất buồn và căng thẳng nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ từ bỏ công việc này. Cứ nghĩ đến việc được đóng góp tạo nên kỷ niệm đáng nhớ của các cặp đôi đủ mang lại niềm vui, động lực cho tôi tiếp tục theo đuổi”, chị Giang chia sẻ.
Theo PNVN