Với mong muốn nâng cao giá trị của trái mít ở địa phương, chị Cao Thị Cẩm Nhung (36 tuổi, ngụ TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) đã nghiên cứu cho ra các sản phẩm được làm từ trái mít, được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Chị Cao Thị Cẩm Nhung – nhà sáng lập kiêm CEO Công ty Cổ phần Công nghệ thực phẩm sáng tạo (TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), cho biết, nhận thấy tầm quan trọng của sức khỏe cũng như chứng kiến cảnh người nông dân vẫn phải chịu cảnh “được mùa mất giá” nên chị đã quyết định khởi nghiệp nhằm nâng cao giá trị của trái mít ở địa phương.
Theo chị, khởi nghiệp là một quá trình gian nan, không hề dễ dàng. Dù vậy, chị vẫn quyết tâm theo đuổi ý tưởng của mình nhằm khẳng định thị trường thịt thực vật ở Việt Nam.
+ Tại sao chị lại quyết định khởi nghiệp từ trái mít?
Chị Cao Thị Cẩm Nhung: Thực ra, trước đây tôi là giáo viên dạy môn Hóa ở trường trung học cơ sở. Trong quá trình đi dạy, tôi sắp xếp thời gian để kinh doanh thêm nước sốt, gia vị. Quãng thời gian này giúp tôi tích lũy được một số kinh nghiệm trong kinh doanh, tạo được mô hình cho riêng mình.
Đến khi dịch Covid-19 xảy ra, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, các cửa hàng nhượng quyền ăn vặt của tôi cũng gặp nhiều khó khăn, kinh doanh bị trì trệ. Gia đình tôi có một vườn mít, dù bán với giá rất rẻ nhưng vẫn không có thương lái thu mua. Vì thế, tôi bắt đầu làm thử các sản phẩm từ mít rồi đem bán và vui mừng khi thấy nhiều người đón nhận. Sau đó, tôi tìm hiểu và dần nhìn nhận được giá trị của tài nguyên địa phương mình, rồi dành thời gian để nghiên cứu thị trường, đặc biệt là thị trường thịt thực vật được làm từ mít.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trồng mít rất lớn. Mỗi vụ mít, bà con nông dân phải cắt bỏ mít non, chỉ chừa một ít để đạt giá trị cao nhất. Điều này cũng khiến tôi suy nghĩ, trăn trở để làm sao đưa giá trị nông nghiệp, tài nguyên bản địa kết hợp với những kiến thức, kinh nghiệm có sẵn của bản thân để thúc đẩy, nâng tầm giá trị của trái mít.
+ Chắc hẳn để làm sao ra những sản phẩm từ mít với giá trị dinh dưỡng cao không hề đơn giản?
Chị Cao Thị Cẩm Nhung: Từ năm 2019, tôi cùng các cộng sự bắt tay vào nghiên cứu thị trường, khảo sát, hoạch định nguồn lực doanh nghiệp rồi đưa sản phẩm ra thị trường.
Ban đầu, doanh nghiệp có các sản phẩm như patê mít, chả giò mít, thát lát mít… Trong quá trình vận hành cũng như khảo sát thị trường, chúng tôi nhận thấy các sản phẩm thịt thực vật đang lựa chọn của người tiêu dùng ở nhiều nước trên thế giới. Hiện tại, doanh nghiệp có nhiều sản phẩm ở phân khúc khác nhau như ăn liền, chế biến và cả cung cấp nguyên liệu.
Dự án “Sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm thịt thực vật từ mít” của chị Cao Thị Cẩm Nhung vừa đoạt giải khuyến khích tại vòng chung kết Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 cấp vùng miền Nam do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại tỉnh Bến Tre.
Chúng tôi muốn mang công nghệ, có sự sáng tạo kết hợp với giá trị truyền thống của ẩm thực chay Việt Nam để tạo nên thị trường thịt thực vật đi theo xu hướng của thế giới nhưng vẫn có những điểm khác biệt, đặc trưng của Việt Nam.
+ Hiện nay, chị lấy nguồn mít nguyên liệu từ đâu để đảm bảo cho việc sản xuất?
Chị Cao Thị Cẩm Nhung: Ngoài nguyên liệu của các hộ gia đình trồng mít tại địa phương, chúng tôi còn liên kết với một hợp tác nông nghiệp mít hữu cơ với diện tích 300ha trên địa bàn. Không chỉ đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào mà các sản phẩm cũng đạt nhiều chứng nhận, chuẩn chất lượng.
Doanh nghiệp hướng đến việc sản xuất đạt các tiêu chí an toàn, quy định của pháp luật để người tiêu dùng có thể an tâm. Về mặt xã hội, chúng tôi cũng mong muốn làm sao để tạo ra những giá trị cốt lõi để giúp cho người nông dân trồng mít; xa hơn nữa là tạo nên một làng nghề mít trên địa bàn tỉnh, tạo ra sinh kế cho người dân nói chung và người phụ nữ nói riêng.
+ Theo chị, khi phụ nữ khởi nghiệp, nhất là gắn với tài nguyên bản địa thì có những thuận lợi, khó khăn gì?
Chị Cao Thị Cẩm Nhung: Với bản thân tôi, khi khởi nghiệp có thuận lợi là nguồn nguyên liệu dồi dào và chất lượng nguyên liệu tốt. Bên cạnh đó, may mắn là được sự đồng hành với những cố vấn giỏi.
Tôi cho rằng để khởi nghiệp thành công thì cần phải có đội nhóm, tài chính, đi đúng xu thế và phải biết sản phẩm của mình nằm ở phân khúc, thị trường nào. Hiện nay, theo tôi, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là việc tiếp cận nguồn vốn.
Theo PNVN