Trong bối cảnh Trái đất đang ấm lên, băng tại Bắc Cực tan nhanh hơn dự kiến, việc lấy nước đá từ các sông băng 100.000 năm tuổi để bán cho giới nhà giàu Dubai khiến nhiều người bức xúc.
Đối với giới thượng lưu, uống ly cocktail trên nóc một tòa nhà chọc trời ở Dubai (UAE) vẫn chưa đủ độ hấp dẫn. Các doanh nhân ở Greenland muốn thêm đá tinh khiết từ sông băng cổ xưa vào ly để mang lại cảm giác hồi hộp tột đỉnh mang tầm quốc tế. Nắm bắt được nhu cầu này, Công ty khởi nghiệp Arctic Ice (Băng Bắc Cực) có trụ sở tại Greenland đã tiến hành khai thác đá từ các sông băng tan chảy để bán cho các quán bar cocktail cao cấp ở Dubai.
Cụ thể, băng Bắc Cực thu hoạch từ các vịnh hẹp ở Greenland, sau đó sẽ được vận chuyển chúng đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để bán cho các quán bar độc quyền. Sử dụng đá băng trong đồ uống là một thói quen phổ biến ở Greenland, và trong nhiều năm, một số doanh nhân đã cố gắng xuất khẩu nó nhưng không thành công.
Người đồng sáng lập Malik V Rasmussen cho biết, băng đã bị nén qua hàng thiên niên kỷ, hoàn toàn không có bọt khí và tan chậm hơn băng thông thường. Nó cũng tinh khiết hơn nước khoáng đông lạnh thường được sử dụng trong đá viên ở Dubai.
“Băng Bắc Cực có nguồn gốc trực tiếp từ các sông băng tự nhiên ở Bắc Cực đã ở trạng thái đóng băng hơn 100.000 năm. Những phần này của dải băng chưa tiếp xúc với bất kỳ loại đất nào hoặc bị ô nhiễm bởi các chất ô nhiễm do hoạt động của con người tạo ra. Điều này làm cho Băng Bắc Cực trở thành sạch nhất trên Trái đất”, báo Guardian dẫn thông tin từ trang web công ty.
Arctic Ice nói các tác động môi trường liên quan đến việc khai thác là “rất không đáng kể”. Giá cho loại đá này khi được phục vụ tại các quán rượu không được tiết lộ.
Công ty Arctic Ice được thành lập vào năm 2022 và gần đây mới gửi lô hàng 20 tấn băng đến UAE. Dự án này được bắt đầu một phần do người đồng sáng lập Malik V Rasmussen của Arctic Ice muốn giúp kinh tế Greenland độc lập khỏi Đan Mạch.
“Tại Greenland, chúng tôi kiếm tiền từ cá và du lịch. Đã lâu rồi tôi mong có thể tìm một thứ khác mà chúng tôi có thể kiếm lợi từ đó”, ông Rasmussen nói.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến trên mạng xã hội đã chỉ trích việc kinh doanh của Arctic Ice. Một số lo ngại tác động của hoạt động này lên môi trường, nhất là trong bối cảnh Trái đất đang ấm dần lên.
Băng tại Bắc Cực có thể biến mất vào năm 2030
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications dự báo băng tại Bắc Cực có thể biến mất hoàn toàn trong những năm 2030 – dấu hiệu rõ ràng về tốc độ nhanh hơn dự kiến của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Báo cáo của các nhà khoa học chứng minh, ngay cả khi các quốc gia đang cố gắng cắt giảm đáng kể tác nhân gây nóng lên toàn cầu, Bắc Cực vẫn sẽ chứng kiến mùa hè không có băng vào những năm 2030 – 2050.
Theo đó, giới chuyên môn đã phân tích những thay đổi từ năm 1979 – 2019, so sánh các dữ liệu vệ tinh và mô hình khí hậu khác nhau để đánh giá sự thay đổi của băng Bắc Cực trong 40 năm qua. Họ phát hiện rằng, nguyên nhân lớn nhất khiến băng trôi biến mất là sự ô nhiễm cùng hoạt động phát thải khí gây nóng lên toàn cầu do con người gây ra. Các nhà khoa học cũng thừa nhận những mô hình trước đó đã đánh giá thấp xu hướng tan chảy của băng Bắc Cực.
“Chúng tôi rất bất ngờ trước kết quả dự đoán Bắc Cực không băng sẽ xuất hiện vào mùa hè thập kỷ tới, bất chấp nỗ lực của các quốc gia trong việc giảm lượng khí thải”, Giáo sư Seung-Ki Min, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ.
Một Bắc Cực không có băng trong mùa hè sẽ gây ra những hiệu ứng gợn sóng khủng khiếp trên khắp thế giới. Lớp băng dày có chức năng phản chiếu năng lượng mặt trời ra khỏi Trái Đất. Vậy nên khi tan chảy, nó sẽ làm lộ bề mặt đại dương, nơi hấp sức nóng lớn, gây gia tăng hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Sự nóng lên tại Bắc Cực được cho là sẽ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, cháy rừng và lũ lụt ở các vĩ độ trung và cao phía Bắc. Việc Bắc Cực không có băng bắt đầu sớm hơn đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ trải qua các sự kiện cực đoan nhanh hơn dự đoán.
Một Bắc Cực không còn băng trên biển cũng có thể dẫn đến sự gia tăng vận chuyển thương mại khi các tuyến đường mới mở ra. Theo báo cáo hàng năm về Bắc Cực của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia, sự gia tăng lưu lượng vận chuyển sẽ dẫn gây ra sự ô nhiễm với lượng lớn khí thải trong khu vực.
“Chúng ta có thể coi băng tại Bắc Cực là hệ thống miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể khỏi những thứ có hại. Nếu không có giải pháp kịp thời, tình trạng của Bắc Cực sẽ nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn”, Giáo sư Min nhận định.
Nguyễn Phượng-Theo Đời sống Pháp luật