Chị Mạc Thị Khón, ở thôn Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng) lặng lẽ chọn nghề làm ghế rơm để khởi nghiệp tăng thu nhập và gìn giữ những giá trị cổ truyền của người dân tộc Tày.
Hàng ngày, ngoài công việc đồng áng, chị Khón lại tranh thủ làm ghế rơm vào những buổi tối, công việc không nặng nhọc, nhưng lặng lẽ, tỉ mẩn và cầu kỳ đến từng chi tiết.
Chị Khón chia sẻ: “Nghề làm ghế rơm này ngày xưa các mế đều làm để dùng trong gia đình, hoặc cho tặng nhau. Nhưng ngày nay thì ít người làm. Tôi thì thích nghề làm ghế rơm nên tôi vẫn duy trì và tìm hiểu về kỹ thuật, mẫu mã để làm. Sau này nhiều khách biết đến nên tôi đã sản xuất đều đặn để bán ra thị trường”.
Ghế rơm là vật dụng được sản xuất từ rơm sau khi thu hoạch lúa, từ xưa người dân tộc Tày, Nùng thường lựa chọn những cây rơm có độ dài phù hợp, sau đó bó thành từng bó đem phơi khô để làm ghế rơm. Ưu điểm của ghế rơm là ngồi có cảm giác êm, lại bền, càng dùng lâu thì càng bóng, không bị co ngót như các loại ghế bông.
Chị Khón cho biết thêm, để làm ghế rơm, thì đòi hỏi phải chọn lựa chất liệu phù hợp. Trước khi làm thì phải đem rơm nguyên liệu ra phơi sương qua đêm để rơm mềm ra, khi bện sẽ chặt chẽ mà không bị gãy sợi rơm.
Chia sẻ về bí quyết thành công khi khởi nghiệp làm ghế rơm, chị Khón cho biết:
Tôi cho rằng, khi lựa chọn làm công việc gì, thì đầu tiên là mình phải yêu thích nó, đam mê nó.
Mình phải trân trọng chất lượng từng sản phẩm, làm sao để khách hàng sử dụng họ hài lòng. Từ đó họ sẽ giới thiệu sản phẩm của mình với những người tiêu dùng khác.
Nhờ những yếu tố đó mà tôi sản xuất và bán sản phẩm ngày càng nhiều hơn.
Hiện nay mỗi tháng chị Khón có thể sản xuất ra thị trường hàng trăm ghế rơm. Khi số lượng đặt hàng nhiều, thì chị phải huy động cả gia đình cùng làm, thì mới đủ số lượng cung cấp cho khách. Có lúc khách hàng đặt nhiều, chị Khón phải nợ khách đến cả tháng mới trả hết hàng.
Với tiêu chí đặt chất lượng sản phẩm nên hàng đầu, chị Khón luôn lựa chọn nguyên liệu tốt, và chăm chút đến chất lượng, thẩm mỹ của từng sản phẩm. Nhờ đó hàng của chị sản xuất ra luôn được khách hàng yêu thích.
Mỗi cái ghế rơm, chị Khón bán tới tay khách hàng với giá 150 nghìn – 300 nghìn đồng, tùy theo kích cỡ sản phẩm.
Bà Triệu Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN xã Đàm Thủy, cho biết: “Chị Khón là người rất chăm chỉ và khéo tay, hiện nay chị là hội viên tiêu biểu của Hội LHPN xã Đảm Thủy. Chị ấy chọn nghề làm ghế rơm để khởi nghiệp thì ngoài việc làm thương mại tăng thu nhập cho gia đình, còn là để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ở địa phương, góp phần quảng bá giới thiệu sản phẩm truyền thống rộng rãi ra bên ngoài cộng đồng”.
Cho đến nay, sản phẩm ghế rơm của chị Khón được bán đi khắp các tỉnh thành trên cả nước. Thậm chí nhiều khách du lịch quốc tế đến thăm làng bản của người Tày ở xã Đàm Thủy, cũng mua đem về nước làm kỷ niệm.
Chị Khón chia sẻ: Tôi rất yêu thích công việc này, nên vẫn tiếp tục duy trì và phát huy nó. Hiện nay tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu để tạo ra các dòng mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng. Tôi cũng mong muốn nhiều chị em cùng tham gia sản xuất ghế rơm nhằm giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.
Hiện nay, xu hướng sử dụng các đồ dùng làm từ các loại phế thải nông nghiệp rất phù hợp với phong trào sống xanh, thân thiện với môi trường. Việc sản xuất ghế rơm của chị Mạc Thị Khón là rất đáng trân trọng.
Theo PNVN