Thất bại, Nick quyết định đi du lịch để lãng quên. Trong chuyến đi đến Úc và Indonesia, để quay video chính mình đang lướt sóng, anh đã gắn một chiếc máy ảnh nhỏ vào tay bằng một dải cao su. Và đây chính là lúc cảm hứng đến với anh.
Thời thơ ấu
Nick Woodman sinh ngày 24/6/1975 ở California. Đây là nơi anh học đại học và tốt nghiệp khoa nghệ thuật thị giác. Trên thực tế, GoPro không phải là dự án kinh doanh đầu tiên của Nick.
Lần thử sức đầu của anh là Empowerall.com, trang web bán hàng điện tử cho các nhãn hiệu cực kỳ nhỏ. Tiếp đó là Funorms, một trang web chơi game tạo cơ hội cho người chơi giành giải thưởng tiền mặt. Thật không may, cả hai đều thất bại, nhưng chúng đã mang lại cho Nick trải nghiệm mà anh cần để thành công với GoPro.
Ý tưởng tỷ đô với GoPro
Sau hai lần khởi nghiệp thất bại, Nick quyết định đi du lịch khắp thế giới. Trong chuyến đi đến Úc và Indonesia, để quay video chính mình đang lướt sóng, anh đã gắn một chiếc máy ảnh nhỏ vào tay bằng một dải cao su. Và đây chính là lúc cảm hứng đến với anh.
Nick nhận ra rằng nhiều người đam mê thể thao như anh có lẽ đều không giỏi chụp ảnh và gặp phải khó khăn trong việc ghi hình các hoạt động thể thao của họ. Ý tưởng của anh là tạo ra một bộ dây đai để gắn máy ảnh vào rồi đeo lên người.
Những thiết kế đầu tiên tập trung vào việc tạo ra một chiếc máy ảnh đeo tay mà người dùng có thể sử dụng để chụp ảnh trong khi họ có thể rảnh hai tay để làm việc khác.
Ban đầu, Nick vay một số tiền đáng kể từ cha mẹ để ra mắt GoPro, chính xác là 235.000 USD. Ngoài ra, anh và vợ còn tự tích lũy được 30.000 USD từ việc bán những món đồ được chế tạo từ vỏ sò, vỏ ốc như đồ trang sức và thắt lưng trên một chiếc xe van.
Kể từ khi ra đời năm 2002, đến nay máy ảnh GoPro giờ đây đã trở thành sản phẩm được biết đến rộng rãi và đặc biệt phổ biến với những người đam mê thể thao, du lịch. GoPro không chỉ có loại đeo cổ tay mà còn có cả loại đeo ở ngực, ở đầu, thậm chí là gắn được vào phao bơi và cần câu… Năm 2014, GoPro lên sàn chứng khoán và ở thời điểm hiện tại, công ty có khoảng 900 nhân viên với mức định giá hơn 1 tỷ USD.
Năm 2019, giá trị tài sản của Nick Woodman ước tính đạt 800 triệu USD, giảm khoảng 2 tỷ USD so với vài năm trước do giá cổ phiếu GoPro suy giảm. Mặc dù vậy, câu chuyện của anh vẫn là bài học đáng quý cho các bạn trẻ có tinh thần khởi nghiệp.
Dưới đây là 5 bài học thành công từ Nick Woodman:
- Hãy theo đuổi đam mê
Niềm đam mê của Nick là lướt sóng. Nhờ đi du lịch vòng quanh thế giới để lướt sóng, anh mới có thể phát hiện ra nhu cầu thị trường về máy ảnh đặc dụng cho các hoạt động thể thao. Ý tưởng của Nick xuất phát từ việc theo đuổi đam mê của riêng mình và hiểu những người cùng sở thích muốn gì. Khi theo đuổi đam mê của bản thân, bạn có thể sẽ hiểu thêm về thị trường và nhu cầu tiêu dùng của những người có cùng sở thích.
- Không chấp nhận thất bại
Nick khởi nghiệp thất bại hai lần và kinh nghiệm này thực sự giúp ích cho anh khi thành lập GoPro. Anh từng rất lo lắng rằng công ty này sẽ kết thúc giống như những thất bại trước. Chính nỗi sợ đó đã khiến anh nỗ lực 100% và tự thúc đẩy bản thân để có được thành công như ngày nay.
- Luôn tập trung vào sản phẩm
Nick đã kiên quyết với ý tưởng GoPro và dành từng giây từng phút để cải thiện ý tưởng đó. Hãy tập trung hết sức vào sản phẩm của bạn để đảm bảo nó trở thành phát minh tốt nhất.
- Học cách trở thành người bán hàng giỏi
Nick Woodman là một nhân viên bán hàng và trong nhiều năm, anh đã tự học cách để thuyết phục đối tác và chốt “deal”. Sở hữu sản phẩm tốt là một chuyện, bạn còn cần khả năng bán hàng và đàm phán thì mới đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhất.
- Không biết bơi thì sẽ chết chìm, không thay đổi thì kinh doanh sẽ gặp khó
Phải mất một thời gian để các loại máy ảnh GoPro đạt được chất lượng HD sắc nét như hiện tại. Nếu không liên tục cải tiến sản phẩm thì việc trở thành một thương hiệu toàn cầu sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Tạm kết
Hành trình tự lực của Nick Woodman với GoPro đã có nhiều thành công rực rỡ. Năm 2015, anh vinh dự có tên trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ và đồng thời được tạp chí Forbes công nhận là người giàu thứ 73 trong lĩnh vực công nghệ. Tuy đang tạm thời không còn là tỷ phú nhưng câu chuyện lập nghiệp của anh vẫn truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ trên thế giới.
Huy Võ – Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp