Lẽ thường con người đều mong muốn có một cuộc sống vinh hoa, phú quý và nỗ lực cả một đời để theo đuổi nó. Nhưng khi ước nguyện đã thành, khi đứng trên đỉnh cao của sự thịnh vượng, những người giàu làm gì với tiền của họ?
Người giỏi lại có người giỏi hơn, người giàu lại có người giàu hơn, nếu tranh nhau thể hiện ra sự giàu có của mình thì cuộc đua này tới khi nào mới kết thúc? Tả Truyện có viết rằng, “Tiết kiệm là đức lớn nhất trong các loại mỹ đức, xa xỉ là tội ác lớn nhất trong các việc hành ác.” Vậy nên người giàu có chân chính sẽ biết cách trân trọng tài sản của mình, làm giàu chính đáng, sử dụng tiền càng cần phải chính đáng.
Tư tưởng phụng sự xã hội
Nếu đã một lần đặt chân tới Viện bảo tàng Kỳ Mỹ tại Đài Nam, Đài Loan, hẳn du khách sẽ không khỏi trầm trồ ngưỡng mộ trước bộ sưu tập văn hoá khắp đông tây kim cổ của ông chủ Hứa Văn Long. Đây là một trong những viện bảo tàng, viện mỹ thuật tư nhân phong phú nhất của Đài Loan.
Lấy nghệ thuật phương Tây làm tư tưởng chủ đạo, viện bảo tàng đã triển hiện 4 lĩnh vực lớn là nghệ thuật, nhạc cụ, binh khí và lịch sử tự nhiên. Nơi đây lưu giữ hàng nghìn cây đàn violon, số lượng nhiều nhất trên toàn thế giới, cùng những tác phẩm nổi tiếng của các nhạc sỹ lừng danh, cũng như những bức tranh, những tác phẩm điêu khắc hoàn thiện bậc nhất của phương Tây. Thông qua bộ sưu tập hoàn thiện nhất về binh khí cổ đại của các nước châu Á, con người như được sống lại với thời xa xưa cũng như sự diễn tiến của lịch sử. Kỳ Mỹ còn thu thập số lượng tiêu bản động vật lớn nhất Đông Nam Á, gồm các loại động vật có vú và chim muông bao trùm khắp 5 châu. Vào năm 2012 ông chủ Hứa đã quyên góp toàn bộ bộ sưu tập của mình cho chính phủ Đài Loan.
Tại phương Tây, gia tộc Medici là danh gia vọng tộc có thế lực lớn ở châu Âu từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 17. Thành tựu lớn nhất của gia tộc Medici là những cống hiến trong phương diện nghệ thuật và kiến trúc. Giovanni là người tài trợ số một giúp nghệ thuật Phục Hưng phát triển mạnh mẽ. Medici cũng sưu tầm số lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật mà ngày nay vẫn được triển lãm tại trung tâm của Phòng trưng bày Mỹ thuật Uffizi, vùng Florence. Gia tộc Medici còn để lại cho Florence rất nhiều công trình kiến trúc giá trị như Phòng trưng bày Mỹ thuật Uffizi, Cung điện Pitti, Vườn Boboli và Biệt thự Belvedere.
Ngoài lĩnh vực kiến trúc và nghệ thuật, gia tộc này còn tài trợ cho những thiên tài khoa học như Leonardo da Vinci và Galileo Galilei. Những thành tựu đáng kinh ngạc này đã khiến gia tộc Medici trở thành “Cha đẻ của nền Phục hưng văn hóa nghệ thuật”. Gia tộc Medici đã tận dụng khối tiền bạc khổng lồ của mình, đốt đuốc soi đường cho nhân loại tìm đến nghệ thuật truyền thống.
Không phải kiếm sống, mà là làm cho thế giới đầy đủ hơn
Bạch Khuê là một thương gia nổi tiếng tại thành Lạc Dương trong thời Chiến Quốc. Ông được xem là Thủy Tổ Thương Mại hay Thương Thánh, là nhà kinh doanh sớm nhất cho ra đời lý luận về kinh tế thương mại tại Trung Hoa cổ đại.
Lúc bấy giờ việc kinh doanh trong xã hội đã phát triển, những chuyện đầu cơ tích trữ, cho vay nặng lãi là thói thường. Thậm chí xã hội đã chia thương nhân ra làm 2 phái: Thành thật, liêm sỉ, lương thiện và loại gian, tham, nịnh.
Bạch Khuê muốn việc kinh doanh phải đem lại lợi ích lâu dài cho nhiều người nên nói rằng “Dục trường tiền, thủ hạ cốc”, nghĩa là “Muốn tiền dài lâu, thì mua lương thực”. Ông không theo trào lưu buôn châu ngọc để phát tài nhanh lúc bấy giờ, mà giúp người nông dân tạo dựng một thị trường nông sản lớn. Ông mua giá cao ngũ cốc loại thượng phẩm, để khuyến khích người dân chú trọng đến chất lượng giống và công chăm sóc.
Ông chủ trương kinh tế cần vận hành tuần hoàn, bình ổn. Thứ nào được mùa, sản lượng nhiều thì ông mua tích trữ để đến lúc mất mùa, thiếu hụt thì đem ra bán lại đúng giá cho mọi người. Bởi vì học Đạo, có trí huệ thâm sâu, minh tường thiên văn, dự trù được thiên tai nên ông luôn có sự chuẩn bị trước.
Mặc dù là người kinh doanh vô cùng thành công, giàu có nhưng sinh hoạt của Bạch Khuê thì rất đạm bạc, thanh bạch – đúng với tác phong một người quân tử.
Gia tộc họ Phạm hưng vượng suốt 800 năm, từ thời Tống mãi cho đến thời Mạt Thanh, bắt đầu từ Phạm Trọng Yêm, một học giả Nho giáo giữ chức vị tể tướng dưới triều đại Bắc Tống. Ông được biết đến với câu danh ngôn: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”, nghĩa là “Lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ”.
Ông vô cùng tin theo Phật Pháp, thường hay làm việc thiện tạo phúc cho dân chúng. Dẫu tới nơi nào nhậm chức, Phạm Trọng Yêm cũng đều tu sửa chùa miếu, cung kính đối với tăng nhân, khuyên bảo dân chúng địa phương thờ phụng Phật Pháp. Phạm Trọng Yêm cứu tế học trò, giảm nô dịch, xây dựng nghĩa điền, hành thiện ân trạch khắp thiên hạ.
Ở vào địa vị của mình, Phạm Trọng Yêm hoàn toàn có khả năng làm giàu. Nhưng ông không làm giàu, mà lại có cách sử dụng tiền bạc rất đáng ngưỡng mộ.
Trong cuốn “Nghĩa Điền Ký” của Tiền Công Phụ có một đoạn ghi chép như sau: Phạm Trọng Yêm bỏ ra rất nhiều tiền mua mấy ngàn mẫu ruộng tốt. Ông không dùng ruộng đất để làm giàu, mà ngược lại mang tất cả ruộng đất đó coi là ruộng công ích, để bách tính khỏi phải chịu nỗi khổ đói khát, cơ hàn. Nhưng ông không cấp ruộng cho những người làm quan. Sau này do thời chiến loạn, ruộng công ích từng bị huỷ mất. Hai anh em Phạm Lương Khí, Phạm Chi Nhu, cháu đời thứ 5 của Phạm Trọng Yêm, lại tiếp tục cống hiến toàn bộ gia sản của mình để ruộng công ích được khôi phục trở lại.
Quả đúng như câu: Tổ tiên tích đức, con cháu đời sau được hưởng đức, nhờ vậy gia tộc nhà họ Phạm đã thoát khỏi quy luật “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời” mà hưng vượng suốt 800 năm lịch sử.
Thomas Woodrow Wilson, cựu tổng thống Hoa Kỳ, cũng từng khẳng định rằng: “Bạn không ở đây để kiếm sống. Bạn ở đây để làm cho thế giới đầy đủ hơn, với tầm nhìn rộng hơn. Bạn ở đây để làm giàu cho thế giới và bạn sẽ tự nghèo đi nếu bạn quên mất mục đích đó”.
Đây có lẽ là lời kết rất hay cho câu hỏi: “Người giàu làm gì với tiền của họ?”. Dẫu trong văn hoá cổ xưa hay sống giữa thời hiện đại, thì tư tưởng của cải để phụng sự nhân loại vẫn còn nguyên giá trị.
Thiên Cầm