Thông qua việc này, tôi dần khám phá ra đâu là bí quyết giúp một người thoát khỏi tình trạng suy sụp. Và biết đâu, bạn cũng sẽ tìm được câu trả lời cho riêng mình.
Năm nay tôi ốm đau liên miên, nhiều việc trong công việc cũng như cuộc sống của tôi gặp trở ngại.
Tôi thường xuyên rơi vào trạng thái suy nhược, tâm trạng cũng chán nản, tuy luôn muốn làm một điều gì đó nhưng có quá nhiều việc phải làm, suy nghĩ quá hỗn loạn, khó hành động.
Tất nhiên, không chỉ riêng tôi, tôi nhận thấy xung quanh mình có rất nhiều người cũng đang trong tình trạng này.
Đây là giai đoạn thấp nhất của cuộc đời, không có triệu chứng, không có quy luật và rất đau đớn.
Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ nói về cách thoát khỏi tình thế khó xử này.
Tuy nhiên, hôm nay, tôi không muốn đi sâu vào lý thuyết quá nhiều mà muốn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về MỘT việc duy nhất giúp kéo tôi trở lại với cuộc sống, đó chính là: CHẠY BỘ
Thông qua việc chạy bộ, tôi dần khám phá ra đâu là bí quyết giúp một người thoát khỏi tình trạng suy sụp.
Và biết đâu, bạn cũng sẽ tìm được câu trả lời cho riêng mình.
Từ khi còn đi học, tôi hầu như tôi luôn đứng cuối lớp mọi cuộc chạy đường dài. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi tập luyện chăm chỉ trong hai hoặc ba năm. Nhưng khi công việc ngày càng bận rộn, tôi hiếm khi chạy bộ và thể lực cũng giảm sút.
Sau đó, được truyền cảm hứng bởi câu chuyện một người đàn ông lấy lại động lực sống thông qua chạy Marathon, tôi cũng có một quyết định: tôi cũng sẽ đi chạy.
Tất nhiên, ý tôi không phải là chạy marathon mà chỉ đơn giản là ra ngoài và chạy vào sáng hôm sau.
Vì đã lâu không chạy nên tôi tự nhắc nhở mình: Không yêu cầu tốc độ hay quãng đường, chỉ cần chạy nếu bạn còn sức, đi bộ khi mệt và về nhà nếu không còn sức.
Vì đã lâu không di chuyển nên cứ vài trăm mét tôi phải đi bộ một lần, đợi tới khi cảm thấy khỏe hơn rồi mới tiếp tục chạy.
Tôi chạy đến bờ sông gần đó, nơi có rất nhiều người tập thể dục buổi sáng, nhìn người khác tập thể dục cũng khiến tôi có thêm động lực. Chẳng bao lâu tôi đã đi được 5km, tôi cảm thấy mình vẫn còn đủ sức để tiếp tục chạy. Vậy là tôi đi được 7km, 9km… Cuối cùng, tôi đi bộ liên tục 10km, mất gần một tiếng rưỡi.
Quãng đường này khiến tôi phấn khích, lần cuối cùng tôi đạt được con số này là 7 năm trước.
Về đến nhà, tôi đi tắm, ăn sáng và giặt quần áo, chưa tới 10 giờ, nếu là vài hôm trước, giờ này, tôi vẫn nằm trên giường. Hôm đó mặt trời chiếu sáng rực rỡ, tôi nhìn trời xanh, mây trắng, và hít một hơi thật sâu. Khoảnh khắc đó, một cảm giác quyền năng bỗng xuất hiện, khiến tôi cảm thấy hai điều:
- Tôi dường như có khả năng làm được điều gì đó.
- Tôi cũng có thể trở nên mạnh mẽ hơn.
Nhà trị liệu tâm lý Stutz từng chia sẻ một quan điểm rằng:
Cho dù bạn đang gặp phải khó khăn gì trong cuộc sống, vẫn luôn còn đó một phương pháp, đó là “trước tiên, hãy chăm sóc cơ thể của bạn “.
Việc chăm sóc ở đây bao gồm ăn uống lành mạnh và vận động, mục đích là phục hồi sức lực trước rồi sau đó mới thoát ra khỏi tình trạng suy sụp.
Vậy nhưng, làm thế nào để giữ cho mình thói quen chạy bộ? Mặc dù không phải là chuyên gia chạy bộ nhưng tôi cảm thấy có một số nguyên tắc tương tự như tâm lý học. Tôi bắt đầu nhận ra lý do trước đây tôi không thể kiên trì việc chạy bộ, đó là vì tôi quá bị ám ảnh bởi tốc độ.
Nếu bạn luôn muốn chạy nhanh hơn, nhịp điệu của bạn sẽ bị rối loạn, năng lượng của bạn sẽ sớm bị cạn kiệt và quãng đường bạn chạy được sẽ bị rút ngắn lại. Sau đó, sự thất vọng ập đến và bạn sẽ muốn bỏ cuộc. Có một lý do rất quan trọng khiến tôi có thể chạy 10km trở lại: Tôi đặt mục tiêu của mình ở mức thấp. Vì thế bắt đầu từ lần thứ hai, mục tiêu của tôi đối với bản thân là “cứ ra ngoài đã”.
Chỉ cần bạn thay giày, ra ngoài và chạy, bạn đã hoàn thành mục tiêu và bạn đã thắng.
Vì điều này nên tôi không dễ dàng kháng cự lại sự lười biếng, muốn bỏ cuộc.
Điều thú vị là khi bạn nghĩ theo cách này, gánh nặng tinh thần của bạn sẽ nhẹ đi và bạn sẽ bắt đầu việc chạy của mình thuận lợi hơn.
Tất nhiên, sẽ có những lúc bạn rất dễ bị rối nhịp ở giai đoạn giữa.
Chẳng hạn, tôi thường gặp các cô chú tóc bạc, những người luôn có thể dễ dàng vượt qua tôi khi chạy.
Tất nhiên, tôi có thể nghiến răng và vượt qua họ một lúc, nhưng ngay sau đó tôi quay lại chế độ đi bộ và bất lực nhìn mình bị vượt qua.
Khi nhận ra mình đang lo lắng về được và mất, tôi tự nhắc nhở bản thân: Không sao, mới bắt đầu, có người vượt qua là chuyện bình thường.
Sau đó, tôi tiếp tục chạy theo tốc độ của riêng mình. Trong quá trình chạy bộ, đối thủ duy nhất của bạn chính là bạn. Vì vậy, mỗi khi cảm thấy mất kiên nhẫn, tôi lại tự nhắc nhở bản thân: Chỉ cần so sánh với chính bản thân mình là đủ.
Chỉ cần bạn có thể duy trì thói quen chạy bộ, sớm muộn gì bạn cũng sẽ nhanh hơn, vì vậy, không cần phải vội vàng.
Theo thời gian, tôi dần dần thích việc chạy bộ. Sau khoảng 2 tháng, tôi chạy 3-4 lần một tuần, mỗi lần 8-10 km và tốc độ hơn 7 phút mỗi km. Tại thời điểm này, một sự thay đổi khác xảy ra: Cuộc sống của tôi đã trở lại trật tự. Khi ở giai đoạn khó khăn, chúng ta dễ cảm thấy bối rối – cảm xúc dễ dao động, điều này khiến mọi thứ trở nên lỏng lẻo và không có phương hướng.
Việ duy trì thói quen chạy vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày khiến cuộc sống vốn dĩ bấp bênh của tôi, ở một khía cạnh nào đó, trở nên ổn định.
Nếu trước đây, khi ở trong tình trạng tồi tệ, lịch trình thời gian của tôi thường rất hỗn loạn, tôi thường làm bất cứ điều gì tôi nghĩ và rất dễ dành quá nhiều thời gian để xem video trên điện thoại.
Và khi trật tự dần dần được lặp lại, việc sắp xếp thời gian sẽ trở nên rõ ràng và có trật tự hơn, như thể sợi dây đang thắt nút dần dần được nới ra.
Kéo theo đó là hiệu quả làm việc cũng sẽ được nâng cao, giải pháp cho những việc ban đầu vốn còn chưa rõ ràng sẽ dần dần trở nên rõ ràng hơn.
Điều này đồng nghĩa với việc thoát ra khỏi vùng đáy đang dần trở nên rõ ràng hơn.
Gieo trồng một niềm tin
Vậy rốt cuộc đâu là chìa khóa để đưa con người thoát khỏi tình trạng suy sụp, chán nản?
Theo tôi, đó là niềm tin: niềm tin vào khả năng đương đầu với khó khăn của một người.
Chân lý này rất đơn giản, nhưng nếu chỉ dựa vào việc hô khẩu hiệu và đọc các bài viết khích lệ đơn thuần, vậy thì niềm tin sẽ không thể bén rễ trong con người.
Niềm tin cần được nuôi dưỡng bằng cảm giác về sức mạnh và trật tự ngày càng tăng dần trước khi nó có thể phát triển.
Hãy trải nghiệm và sau đó hiểu nó bằng cơ thể của bạn.
Việc thực hiện cụ thể có thể được tóm tắt thành ba yếu tố:
- Cống hiến hết mình cho điều gì đó
- Phát triển theo tốc độ của riêng bạn
- Tích lũy từng chút một, rồi từ từ cảm nhận thứ mà bản thân nhận lại được.
Không nhất thiết phải là việc đi chạy, bạn có thể bắt đầu bằng cách làm một việc gì đó mà mình cảm thấy hứng thú, nhưng hãy nhớ là phải kiên trì và sau đó nhận lấy phần thưởng dành cho mình.
Một buổi sáng gần đây, như thường lệ, tôi ra ngoài chạy bộ, cảm thấy hơi thở dễ dàng hơn trước, bước chân nhẹ nhàng hơn, ánh nắng chiếu rọi vào cơ thể.
Lúc này, một ý nghĩ từ trong không trung rơi xuống, nhẹ như một chiếc lông vũ, nói với tôi rằng:
“Tôi có thể vượt qua được những trở ngại mà tôi nghĩ mình không thể vượt qua.”
Diệu Đan-Theo Đời sống Pháp luật