Khi người Việt nói “cà phê đi”, đó có thể là một lời rủ rê hẹn hò, một buổi làm việc bên ngoài hay chỉ đơn giản là “chém gió!”. “Cà phê đi” không có nghĩa là chúng ta chỉ uống cà phê.
Sức sống của cà phê trong văn hóa uống của người Việt
Nhắc tới đồ uống Việt Nam, người ta nghĩ ngay đến cà phê. Là đất nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, chúng ta có thứ quả đỏ nhiệt đới kết chùm rực rỡ. Khi phơi khô dưới ánh mặt trời giòn giã, nó trở thành thứ hạt tuyệt vời để tạo ra thức uống đen sánh, đậm đà.
Nhiều tài liệu cho thấy, từ những năm 1857, khi người Pháp vào Việt Nam đã có cà phê phin. Về sau có cà phê vợt, cà phê sữa đá. Cà phê Việt thường gọi bằng tên cà phê Ban Mê, mang ý nghĩa như một dòng chảy mê đắm cho sớm mai. Đây là thức uống vào sáng sớm của nhiều người. Từ bạn sinh viên mơ màng buồn ngủ, những nhân viên văn phòng vội vã, bác xe ôm đợi khách đến những doanh nhân tập trung cho công việc.
Theo thời gian, việc thưởng thức mang đậm dấu ấn người Việt. Từ cách ngồi uống ở bàn ghế bình dân, ngắm từng giọt rơi xuống cốc thủy tinh bám hơi nước cho đến việc nhâm nhi trong những quán mở bản nhạc Trịnh hoặc trầm mình trong Giọt Đắng của Bức Tường. Người ta có thể uống cà phê bất kỳ đâu, trong bất kỳ câu chuyện nào.
Người Việt hay rủ nhau “cà phê đi”, dù thức uống của họ hôm ấy là món khác. Cà phê không còn là thức uống mà còn vươn tầm thành văn hóa thưởng thức, tán gẫu, kết nối và nâng cao năng suất làm việc.
Tờ Doanh nhân Sài Gòn cho biết: Cả nước có khoảng 20.000 quán cà phê và con số này chưa phải tất cả. Người pha chế cà phê có nhiều dư địa để phát triển, bởi nhu cầu không ngừng gia tăng.
Cà phê – kẻ mạnh đưa ngành Barista phát triển
Trước đây, khi nhắc đến “nghề pha chế” ở Việt Nam, mọi người thường nghĩ đến những người pha chế ở quán sân vườn, một vị trí bình thường trong xã hội. Nhưng sự phát triển của cà phê cùng với “làn sóng cà phê thứ ba”, thức uống này trở thành kẻ mạnh đưa ngành Barista lên tầm cao. Người Việt biết đến khái niệm Barista rõ ràng hơn, đó là những người pha chế cà phê và các thức uống không cồn, đồ uống hiện đại.
Vượt qua ranh giới “đen đường”, “cà phê sữa đá” truyền thống, sự du nhập văn hóa phương Tây khiến cho cà phê đa sắc với các hương vị: Cappuccino, Latte, Macchiato, Mocha, Espresso, Americano… Tuy nhiên, ngay cả các thương hiệu quốc tế lớn như Starbucks, The Coffee Bean & Tea Leaf, The Coffee House… cũng đều có “cà phê đen”, “cà phê sữa đá” Việt Nam chễm chệ trong menu. Trước làn sóng hội nhập và giao thoa văn hóa, cà phê Việt vẫn có chỗ đứng khó thay thế.
Người ta không chỉ uống cà phê đơn thuần mà còn hướng đến việc thưởng thức văn hóa cà phê, xem cà phê như một môn nghê thuật. Mô tuýp từ nông trại đến tách cà phê đang được nhiều thương hiệu hướng đến. Vì thế, nghề Barista không “ẩn mình” trong cụm từ “pha chế” nữa, mà còn đóng nhiều vai trò quan trọng trong một chuỗi quá trình rang, xay, phát triển công thức, pha chế, kinh doanh mở quán…
Các khoá học Barista cũng thu hút học viên hơn những năm gần đây. Học viên được trải nghiệm các chuyến đi khảo sát thực tế, tiếp cận xu hướng pha cà phê nghệ thuật. Những người theo ngành này có nhiều hướng phát triển sau tốt nghiệp như mở quán kinh doanh, giảng dạy, nghiên cứu, trở thành chuyên gia cà phê trong các hiệp hội quốc tế.
Văn hóa cà phê Việt làm cho ngành Barista phát triển, để rồi chính ngành Barista đã làm đầy thêm nền văn hóa uống đầy thi vị, đậm đà. Người làm ngành Barista nói riêng và làm nghề pha chế nói chung như loài chim được chắp thêm đôi cánh, giúp họ bay cao hơn trong sự nghiệp của mình.
Ánh Dương – Theo Nhịp Sống Kinh Tế