Cổ nhân nói: Được lòng dân thì được thiên hạ, mất lòng dân thì mất thiên hạ. Điều dân muốn thì hãy làm cho đầy đủ, điều dân ghét thì đừng đem đến cho dân. Khi lòng dân bất an là lúc thiên hạ sắp đại loạn.
Trong lịch sử có nhiều vương triều bị diệt vong cũng bởi vì khiến lòng dân bất an, đánh mất lòng dân, trong đó triều nhà Tần – Tần Nhị Thế là một ví dụ điển hình.
Năm 209 TCN, Hoàng đế Tần Thuỷ Hoàng tuần hành xuất du, đi theo có Thừa tướng Lý Tư và Trung xa phủ lệnh kiêm Phù tỷ lệnh Triệu Cao, ngoài ra còn có người con nhỏ là Hồ Hợi. Tháng 7 năm đó, Tần Thuỷ Hoàng đến Sa Khâu thì bị bệnh.
Vì bệnh tình đã vô cùng nghiêm trọng, nên Hoàng đế lệnh cho Triệu Cao viết chiếu thư cho người con trai lớn là thái tử Phù Tô đang trấn thủ biên cương, giao quân đội cho Mông Điềm và lập tức đến Hàm Dương để chủ trì việc tang lễ. Chiếu thư đã phong kín nhưng chưa kịp giao cho sứ giả thì Tần Thuỷ Hoàng đã băng hà.
Lúc bấy giờ, chiếu thư, ấn tỷ đều ở trong tay của Triệu Cao, chỉ có Hồ Hợi, Lý Tư, Triệu Cao cùng năm sáu tên hoạn quan thân tín biết Tần Thuỷ Hoàng đã qua đời, các quần thần còn lại đều không một ai biết.
Gian thần Triệu Cao âm hiểm nói với Hồ Hợi: “Hoàng đế qua đời, không lưu lại chiếu thư phong các anh em của ngài ai làm vương, mà chỉ ban cho Phù Tô một chiếu thư. Một khi Phù Tô về, có thể lên ngôi Hoàng đế, còn ngài ngay cả phong địa nhỏ bé cũng không có. Làm sao bây giờ?”
Hồ Hợi không biết phải xử lý việc đó như thế nào. Triệu Cao bèn nói: “Nay đại quyền thiên hạ, bất luận ai sống ai chết, đều do ngài, thần và Lý Tư ba người nắm giữ, hy vọng ngài suy nghĩ thật kỹ.”
Hồ Hợi bị mê hoặc bởi sự dụ dỗ của Triệu Cao, cuối cùng quyết định soán đoạt hoàng vị. Thế là, Triệu Cao thay mặt Hồ Hợi đi thương lượng với Thừa tướng Lý Tư. Khi mới bắt đầu, Lý Tư không đồng ý với cách làm đó, nhưng ông ta lại sợ mất địa vị nếu Phù Tô về triều. Cùng với sự dụ dỗ của Triệu Cao, cuối cùng Lý Tư đã thuận theo.
Tiếp đó, ba người cùng nguỵ tạo chiếu thư của Tần Thuỷ Hoàng giao cho Phù Tô, nội dung là ban cho thanh kiếm để tự sát, tướng quân Mông Điềm không thể sửa chữa lỗi lầm của Phù Tô, thì tức là làm bề tôi mà không tận trung cũng phải tự sát theo.
Sau khi sứ giả đem chiếu thư đến Thượng Quận, Phù Tô khóc muốn tự sát, tướng quân Mông Điềm nghi ngờ chiếu thư là giả. Nhưng vì sứ giả liên tục thúc giục nên Phù Tô cuối cùng đã tự sát. Riêng Mông Điềm không chịu tự sát, sứ giả bèn lập tức áp giải Mông Điềm.
Sau khi đã thực hiện được âm mưu, Hồ Hợi lên làm Hoàng đế, xưng là Tần Nhị Thế, Triệu Cao được phong làm Lang Trung Lệnh. Toàn bộ việc chính sự trong triều đình đều do một tay Triệu Cao nắm giữ.
Hồ Hợi và Triệu Cao giết chết những người mà họ cho rằng không đáng tin. Hồ Hợi hạ lệnh giết chết em trai tướng quân Mông Điềm là tướng quân Mông Nghị, người nắm giữ đại quyền lúc bấy giờ.
Sau đó, ông ta lại đem 12 công tử chém đầu ở phố Hàm Dương, đem 10 công chúa phân thây. Tài sản của họ đều bị tịch thu, quy về cho hoàng đế, những người bị liên lụy mà phải chết lúc ấy là nhiều vô kể.
Lý Tư là người tài giỏi, nhiều công trạng, đã cùng Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa. Tuy nhiên Lý Tư phạm sai lầm đưa Hồ Hợi lên, rồi lại nhiều lần khuyên can không được, cuối cùng bị Triệu Cao hại chết.
Hồ Hợi và Triệu Cao sợ người khác không phục nên định ra nhiều pháp luật hà khắc. Triệu Cao nêu chủ ý, nói rằng chỉ có thực hành pháp lệnh nghiêm khắc và hình phạt tàn khốc, đem người phạm pháp và những ai liên luỵ giết sạch, mới có thể củng cố được chính quyền bền vững. Hồ Hợi nghe theo sự dẫn dắt của Triệu Cao sửa lại pháp luật.
Sự hoành hành bạo ngược của Tần Nhị Thế đối với bách tính càng ngày càng không có điểm dừng. Dân chúng trong thiên hạ vừa sợ hãi vừa căm phẫn. Chính trị hà khắc này cuối cùng đã khiến nhà Tần mất hết lòng dân.
Năm 207 TCN, nhà Tần bị lật đổ, vương triều nhà Tần bị diệt vong. Nhà Tần cũng là một trong những vương triều đoản mệnh nhất lịch sử Trung Hoa.
Trong “Sử ký – Lý Tư liệt truyện”, Tư Mã Thiên viết rằng: “Pháp lệnh tru phạt, nhật ích thâm khắc, quần thần nhân nhân tự nguy, dục bạn giả chúng” tức là, pháp lệnh trừng phạt ngày càng tàn khốc, quần thần ai ai cũng cảm thấy nguy hiểm, bất an, kẻ muốn làm phản đông lên. Khi mỗi người đều cảm thấy bản thân bất an thì thế cục trong thiên hạ sẽ càng trở nên căng thẳng, hỗn loạn mà phát sinh sự biến hóa. Cũng từ đó “nhân nhân tự nguy” cũng trở thành câu thành ngữ để khuyên răn hậu nhân.
An Hòa