Nếu công ty đang cần cắt giảm nhân sự và bạn thấy mình là một trong những kiểu nhân viên bên dưới thì hãy cứ chuẩn bị mang CV đi gửi là vừa.
Bên cạnh vô vàn những thị phi, dân văn phòng phải tự trang bị cho mình những phương cách ứng xử khôn khéo và tinh tế nhất. Trong một nền kinh tế cạnh tranh gay gắt và đổi thay chóng mặt từng ngày, một công ty bất kỳ, dù lớn mạnh đến đâu cũng khó tránh khỏi những thời điểm phải đối mặt với khó khăn, trắc trở.
Đứng trước những khó khăn này, cắt giảm nhân sự là lựa chọn thường được đưa ra nhất. Bất cứ cái tên nào được xướng lên cũng mang lại cảm xúc đan xen lẫn lộn nhất định cho cả người đi lẫn người ở lại. Dẹp bỏ mọi câu chuyện bên lề, cùng điểm qua 5 kiểu nhân viên dễ bị gọi tên nhất khi sếp cần hoặc buộc phải sa thải một ai đó.
Nhân viên có vai trò dễ dàng được thay thế bởi thuê ngoài
Ở thời điểm hiện tại, dân văn phòng đã quá quen thuộc với cụm từ “freelancer”, tức những người làm việc tự do. Đội ngũ này thường được các công ty thuê ngoài, trả chi phí theo từng dự án hoặc hạng mục công việc cụ thể, không phải ràng buộc quá nhiều điều khoản.
Thời đại công nghệ 4.0 với sự lên ngôi của internet và các thiết bị điện tử, việc kết nối và trao đổi thông tin với đội ngũ nhân viên thuê ngoài càng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Đã thuận tiện lại còn tiết kiệm được kha khá lượng chi phí nên đội ngũ thuê ngoài trở thành nguồn nhân lực được yêu thích của các công ty.
Vì lẽ đó, nếu vị trí công việc của bạn có thể dễ dàng được công ty thuê ngoài thì nên cẩn thận; bởi rất khó nói trước, trong trường hợp công ty đang khó khăn, bạn có phải là người ra đi hay không.
Nhân viên không chịu học các kỹ năng công việc mới
Trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0, tất cả mọi thứ đều thay đổi một cách chóng mặt. Những thứ hôm nay còn khá mới mẻ đối với nhiều người đã trở nên lạc hậu, cũ kỹ vào ngày mai. Do đó, những hạng mục công việc trong thời buổi này cũng thay đổi một cách nhanh chóng và đòi hỏi người làm việc phải luôn cập nhật cũng như trau dồi thêm về kiến thức lẫn kỹ năng. Bởi vậy, “thay đổi hoặc là chết” dường như đã trở thành phương châm sống và làm việc của nhiều người và nhiều tập thể.
Những thành tố bảo thủ, cứ khư khư giữ trong mình những thứ cũ kỹ sẽ không thể đáp ứng được những yêu cầu thay đổi từng ngày và dần trở nên lạc hậu và biến mình thành người thừa trong chốn công sở. Mà đã là người thừa thì chẳng công ty nào mặn mà giữ lại để ngày ngày phải “nuôi” bởi ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tập thể.
Do đó, đừng bao giờ từ chối nếu có cơ hội và được tạo điều kiện học hỏi thêm những kỹ năng cũng như lĩnh vực chuyên môn mới. Bởi lẽ, chẳng có gì thừa trong một thế giới chuộng những con người giàu kỹ năng và làm được nhiều hạng mục công việc khác nhau cùng một lúc.
Nhân viên hời hợt với công việc
Công việc dù nhỏ và đơn giản nhưng nếu hời hợt và không chịu đầu tư vẫn khó có thể hoàn thành một cách xuất sắc. Công sở thời buổi 4.0 ưa chuộng những thành tố năng động, sáng tạo, thích tìm tòi, khám phá, ưu học hỏi và tiếp thu cái mới. Do đó, đừng tưởng rằng việc nhàn lương cao lại là một điều hay ho.
Bởi lẽ, thứ nhất, những công việc quá đơn giản và nhàn nhãn khó có thể giúp bạn trau dồi và tiếp thu thêm cái mới chứ chưa cần nói đến việc thể hiện trong mắt sếp. Thứ hai, những công việc nhẹ nhàng có thể là một dấu hiệu cảnh báo vô cùng nguy hiểm; bởi trong mắt sếp, bạn đang quá nhàn hạ, thụ động và năng suất mang lại cho công ty là ở mức thấp.
Kiểu nhân viên này không hẳn không có năng lực nhưng chung quy mọi việc nằm ở câu chuyện thái độ. Do vậy, hãy thức tỉnh trước khi quá muộn, hãy đặt mình vào thử thách và dám đương đầu với khó khăn trong công việc để chứng minh được bản thân trong mắt sếp và đồng nghiệp.
Nhân viên thường xuyên gây phiền nhiễu
Có thể đây chỉ là một chú ý rất nhỏ nhưng những thành tố nhiều năng lượng tích cực, thường xuyên mang đến cho đồng nghiệp cũng như sếp cảm giác thoải mái, vui vẻ thường sẽ được yêu mến và ưu ái trong môi trường công sở. Trong quá trình tuyển dụng, những nhà tuyển dụng cũng thường lồng ghép một số câu hỏi tình huống để “thử” năng lượng của ứng viên.
Trái lại, những thành tố dù rất xuất sắc về mặt kiến thức cũng như kinh nghiệm làm việc nhưng lại đeo mang quá nhiều năng lượng tiêu cực hoặc thường xuyên tạo ra những rắc rối, phiền nhiễu cho những người xung quanh như chậm deadline, muộn trong bài thuyết trình quan trọng, công khai thách thức đồng nghiệp, thường xuyên thô lỗ hay phát ngôn tiêu cực về công ty đều không được đánh giá cao. Lúc đó, đừng mong sếp sẽ đấu tranh để giữ bạn lại nếu biến cố xảy đến.
Nhân viên làm công ty tốn quá nhiều chi phí
Tài chính là vấn đề mà công ty nào cũng phải đối mặt và khó khăn tài chính thường là lý do chủ yếu cho những quyết định cắt giảm nhân sự bởi chi phí lương luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí của một doanh nghiệp. Trong trường hợp cần sa thải một người lương cao để thay vì 3 người khác với mức lương bằng 1/3 thì sếp thường sẽ chọn nói lời tạm biệt với người có lương cao hơn, trừ khi đó là người không thể thay thế.
Đồng thời, chi phí nhân viên không chỉ dừng lại ở những khoản chi phí bằng tiền nói chung hay chi phí lương nói riêng. Một nhân viên với các công việc cá nhân ảnh hưởng tới năng suất công việc hoặc khiến sếp mất nhiều thời gian để làm “trọng tài” cho các cuộc tranh luận… thì sa thải hoàn toàn có thể là phương án tốt để cắt giảm chi phí thời gian mà công ty đang phải trả cho nhân viên đó.
Theo Louis – Thế giới trẻ