Thông tin trực tiếp về thế giới âm phủ! Điều gì sẽ xảy ra với con người sau khi rời khỏi thế gian? Cảm giác thế nào khi linh hồn rời khỏi cơ thể? Đối với những người làm điều ác, việc tụng kinh Phật có ích lợi gì không?
Trong một tập trước, chúng tôi đã giới thiệu trải nghiệm kỳ lạ làm âm sai khi còn sống của Chương Thái Viêm, một bậc thầy quốc học thời Trung Hoa Dân Quốc, mọi người đều cảm thấy rất mới lạ, càng hiếu kỳ hơn về việc âm phủ rốt cuộc sẽ xử án như thế nào? Đức hành mà âm gian chú trọng nhất là gì? Việc niệm kinh Phật có thể tiêu trừ hoàn toàn ác nghiệp được không? Sinh mệnh ở âm gian sinh sống như thế nào? Hôm nay chúng tôi sẽ đưa các bạn khám phá những bí mật của âm gian qua trải nghiệm của Lê Thụ, giảng viên tại Đại học Lục quân thời Quốc dân đảng.
Người lạ, giấc mơ lạ và sách lạ
Năm 1900, vào thời Quang Tự của nhà Thanh, Lê Thụ lúc đó mới 19 tuổi, một đêm nằm mơ, trong mộng thấy có một người thái độ đặc biệt cung kính có việc đến cầu cứu ông. Bởi vì đối phương rất thành khẩn, Lê Thụ đã đồng ý. Vài ngày sau, người đàn ông đó lại xuất hiện trong giấc mơ của Lê Thụ, đưa ông đến địa phủ bằng xe ngựa, mời ông thăng đường thẩm vấn các phạm nhân.
Từ đó trở đi, Lê Thụ mỗi ngày sau giờ Ngọ hoặc buổi tối đều sẽ từ trong mộng đi xuống âm phủ, làm pháp quan ở âm gian trong vài giờ, giám quản những sự vụ thiện ác của năm tỉnh Hoa Bắc, cứ làm việc như thế trong suốt bốn năm năm. Mỗi lần trở về đều cảm giác hơi mệt mỏi, như thể ngủ không ngon giấc.
Sau đó, nhà Thanh sụp đổ, đến Trung Hoa Dân Quốc. Bạn của Lê Thụ, tham mưu trưởng Lâm Ửu Tương, chủ nhiệm đặc biệt của Đại học Lục quân Quốc dân đảng, đã nghe về trải nghiệm này của ông. Để cảnh tỉnh thế nhân và để mọi người biết kính sợ quỷ thần, bỏ ác tòng thiện, ông Lâm đã thông qua hình thức đối thoại ghi chép lại những sự tình ở âm phủ mà Lê Thụ biết, xuất bản trong cuốn sách “Ký lục hỏi đáp về cõi âm”.
Lê Thụ nói rằng chức trách của ông tại âm phủ tương tự như trưởng chi nhánh ở tòa án nhân gian, với bốn bồi thẩm đoàn giúp đỡ ông, và vô số tiểu quỷ khác lo việc vặt.
Bản thân Lê Thụ thuộc quyền quản lý của Đông Ngạc đại đế, nhưng bản thân ông chưa bao giờ gặp ngài, cũng như chưa từng gặp Diêm Vương, ông chỉ xử lý các vụ án hàng ngày và báo cáo lên trên kết quả thẩm phán, coi như hoàn thành nhiệm vụ. Hơn nữa, ông chỉ giải quyết những trường hợp người chết trong vòng 10 tháng, vượt qua thời gian này sẽ do người khác quản.
Để làm thẩm phán ở nhân gian, bạn cần phải thông thạo pháp luật pháp quy, nhưng ở âm gian hoàn toàn không cần những thứ này, chỉ cần căn cứ tình tiết án mà tiến hành phán quyết, tự mình có thể nắm bắt được những điểm mấu chốt của vụ án mà căn bản không cần qua điều tra gì cả. Hơn nữa, quỷ thần có thể nhìn thấy những thứ mà con người không thể nhìn thấy, nghe được những âm thanh mà con người không thể nghe được, tất cả các loại tư tưởng và hành vi của con người, quỷ thần đều nhìn thấy rõ như ban ngày, ghi chép lại không gì bỏ sót.
Then chốt hơn là, quỷ thần có thể nhìn thấy ánh sáng có nhiều màu sắc khác nhau như đỏ, vàng, trắng, đen phía trên đầu người. Nếu màu của ánh sáng này là đỏ, trắng hoặc vàng thì người đó là người tâm địa thiện lương, nếu có màu đen, thì đó là người phẩm hành ác liệt. Vì vậy, chỉ cần nhìn thoáng qua là có thể biết được thiện ác trong hành vi tư tưởng của cá nhân này. Vì vậy, muốn giấu giếm điều gì đó ở địa phủ là hoàn toàn không thể, và sự phán xét của địa phủ cũng rất công bằng.
Có thể bạn muốn hỏi, nếu không có pháp luật pháp quy, thì xử hình định tội như thế nào?
Phán án không như bình thường
Lê Thụ giới thiệu, rằng cần đánh giá mức độ nghiêm trọng của tội phạm căn cứ trên động cơ và hậu quả của việc phạm tội, cân nhắc các tình tiết và phán định mức độ nặng nhẹ của tội hình dựa trên đạo lý. Lấy tội trộm cắp làm ví dụ, nếu người ta buộc phải trộm cắp vì sinh kế, tiền tài lấy trộm không tùy tiện loạn dụng, hoặc giả người bị mất cắp là giàu có và số tiền không lớn, không có ảnh hưởng đến sinh kế của người giàu, và họ đối với số tiền bị mất đó cũng không quá buồn phiền; hoặc tiền tài bị lấy trộm là thứ sẽ được dùng vào những việc không chính đáng như ăn uống, mại dâm, cờ bạc… thì tội trộm cắp này tương đối nhẹ.
Tuy nhiên, nếu người giàu vì bị trộm mà khiến nô tài bị trách phạt, dẫn đến họ phẫn uất tự sát; hoặc là lấy tiền mà người nghèo dùng mua gạo mua thuốc, dẫn đến họ chết đói chết bệnh; hoặc người bị trộm bị bức đến mức xảy ra ẩu đả với tên trộm, thậm chí dẫn đến giết người hại mạng, thì vụ án phi thường nghiêm trọng, không thể xử lý như một vụ án trộm cắp thông thường.
Khi tội phạm bị phán xét ở nhân gian, tội phạm thường kiếm cớ giảo biện, còn quỷ thì sao? Cũng sẽ như vậy. Ví dụ, Lê Thụ từng thẩm phán một con quỷ, ông ta khi còn sống biểu hiện tu thiện, nhưng lại lén lút làm nhiều điều ác, ông ta cực lực phủ nhận tội hành mình đã gây ra. Lê Thụ thấy tội của ông ta to như núi, chứng cứ xác tạc, chuẩn bị lập tức phán hình. Ai biết được lúc đó phát sinh việc ngoại ý.
Con quỷ kia bắt đầu niệm kinh Phật, trên đỉnh đầu xuất hiện một tia sáng đỏ. Khi các nhân viên bồi phán xung quanh Lê Thụ nhìn thấy cảnh tượng này, họ nhanh chóng yêu cầu ông dừng phiên tòa. Tại sao? Người này tội nặng như vậy, sao không thể xét xử, những bồi thẩm đoàn này lẽ nào đã nhận hối lộ, phạm sai lầm vì tư lợi? Lê Thụ trong tâm bất mãn, chuẩn bị tiếp tục tuyên án. Quỷ hồn tiếp tục niệm kinh Phật, lúc này bồi thẩm đoàn cố gắng hết sức để thuyết phục Lê Thụ đứng nghiêm. Lê Thụ hỏi: “Ta thân là thẩm phán, làm sao đứng nghiêm trước phạm nhân?” Tả hữu giải thích, bởi vì đỉnh đầu con quỷ phát ra ánh sáng đỏ do niệm kinh Phật, nên việc thẩm vấn hắn sẽ là báng bổ bất kính, thà rằng dừng phiên tòa. Lê Thụ thấy những bồi thẩm đoàn này cúi đầu im lặng, tỏ vẻ thập phần cung kính, liền hỏi: “Vụ án này sẽ phán thế nào?” Tả hữu kiến nghị, có thể phán hắn chuyển sinh làm người vài lần, đến lúc hắn quên mất Kinh Phật không còn đọc được nữa thì lại phán hình.
Lê Thụ nghe được đề nghị này, có chút bối rối, cho rằng con quỷ này đã phạm tội nhiều như vậy, phán cho nó chuyển sinh làm người chẳng phải quá nhẹ sao? Hơn nữa, nếu đầu thai mấy lần, trăm năm sau mới chịu quả báo, chẳng phải nó đang muốn trì hoãn trả quả báo sao? Tả hữu giải thích với ông: “Hãy để hắn đầu thai làm một bào thai chết ngay sau khi sinh, vài năm là có vài kiếp, bởi vì hắn tạo nghiệp sẽ tạo nghiệp báo, nhưng việc tụng kinh là có công đức tụng kinh, cả hai đều không thể tùy tiện tiêu trừ, tương lai sẽ thụ báo, sẽ không có gì sai biệt.” Vì vậy Lê Thụ đã đồng ý với an bài này.
Xem ra việc niệm kinh Phật xác thực là có công đức, có thể tiêu nạn giải nguy, nhưng cũng cần phải phán đoán theo từng tình huống khác nhau. Đối với những người đại tội cực ác, vừa hành ác vừa niệm kinh Phật cầu Thần Phật bảo hộ, thì không có tác dụng gì.
Trong âm phủ, ai là người có đạo đức nhất, ai là người có tội nhất?
Lê Thụ cho rằng, đức hành được coi trọng nhất trong âm gian là: Nam thì trung thành báo quốc, hiếu thuận cha mẹ; Nữ thì trinh khiết thủ tiết, hiếu thuận cha mẹ. Người có những mỹ đức này, nếu có mắc tội khác, thì cũng được giảm nhẹ hình phạt. Ở âm gian ghét nhất là hai tội tà dâm và sát sinh. Tội sát sinh so với tội tà dâm thì nghiêm trọng hơn, nếu vì tà dâm mà giết người hại mệnh, thì phạm vào cả hai tội, tội tăng thêm một bậc. Do đó người xưa nói “Bách thiện hiếu vi tiên”, đối nghịch với “Vạn ác dâm vi thủ”, điều này là nói thật không phải nói chơi, để cảnh tỉnh người đời sau.
Nói về điều này, Lê Thụ đặc biệt đề cập rằng có phi thường nhiều loại hình phạt ở âm gian, tàn nhẫn và khốc liệt hơn gấp trăm lần so với nhân gian. Theo quan điểm của Lê Thụ, con người thà chịu đựng sự trừng phạt ở nhân thế, còn hơn thụ hình ở địa ngục. Thụ hình ở nhân gian, trừng phạt xong là coi như kết thúc, còn ở âm gian, sau thụ hình lại tiếp tục thụ hình. Ví như, ở nhân gian giết chết mười mạng người, chịu tội bất quá là chết một lần. Nhưng tại âm gian, tất phải áp dụng hình phạt đủ 10 lần. Hình phạt xong, lại phán chuyển sinh 10 kiếp, mỗi một kiếp đều bị người ta sát hại; Cón có những hình phạt như bị cưa, bị xay, núi dao, chảo dầu sôi v.v. đều là có thực, do đó quả báo của việc hành ác là vô cùng đáng sợ.
Thời khắc lâm chung
Tin rằng nhiều người sẽ hiếu kỳ, cảm thụ của một người khi sinh mệnh bước đến cuối cùng, linh hồn rời khỏi thể xác là như thế nào? Có phải tất cả mọi người đều cần đến địa phủ sau khi chết không?
Bạn của Lê Thụ, Lâm Ửu Tương cũng đặt câu hỏi như vậy. Lê Thụ trả lời rằng hầu hết mọi người trước khi hết thọ mệnh đều có bệnh trong thân. Linh hồn rời khỏi thể xác, giống như mở cửa rời khỏi căn nhà, không có khó khăn gì, hồi tưởng lại nỗi đau trên giường bệnh trước đó, bấy giờ mới thấy giải thoát. Tuy nhiên, có người vì lưu luyến vợ con, hoặc tiếc nuối tài sản trong đời, chấp trước trong tâm không buông bỏ, hơi tàn lực kiệt cũng không chịu đoạn tuyệt, cho nên linh hồn không dễ rời khỏi thân xác, khi này chính là lúc đau khổ nhất. Nếu một người khi còn sống coi hết thảy trên đời rất đạm bạc, không có tâm niệm tham luyến, thì linh hồn của người đó khi ly khai thân thể sẽ nhẹ như cởi một chiếc áo, không cần chút nỗ lực.
Hơn nữa, không phải ai cũng phải xuống địa ngục sau khi ly thế. Bởi vì những người bị quản ở đó đều là người bị nghiệp lực chi phối. Nếu là một nhà tu hành chân chính, sau khi chết sẽ lập tức thăng lên Phật quốc, thăng lên Thiên giới, không cần phải đi qua âm tào địa phủ. Những người như thế không có tên tuổi trong sách địa phủ và không bị phán xét. Cũng có một số người thời gian thăng thiên bị trì hoãn, vẫn phải đi qua âm tào. Đối với những người này, quan lại của âm gian thường đứng lên nghênh tiếp, linh hồn của họ càng ngày càng bay cao, giống như bước lên một cái thang. Đợi khi thời gian đến, Thiên giới gọi tên, liền lập tức đăng thiên, không có chuyện bị giam giữ, cầm tù.
Khi nói về luân hồi chuyển thế, Lê Thụ cho rằng con người hữu sinh tất hữu tử, hữu tử ắt hữu sinh. Trừ khi bạn là bậc Thánh nhân siêu xuất khỏi luân hồi, nếu không, sau khi chết sẽ có lục đạo luân hồi. Luân hồi vào quỷ đạo, nó có thể xuất hiện khi cần thiết hoặc khi các thành viên trong gia đình ở dương gian nhờ người ta làm phép chiêu thỉnh.
Có lẽ mọi người sẽ hiếu kỳ, cuộc sống ở âm gian như thế nào?
Cuộc sống ở âm gian
Lê Thụ cho rằng âm gian và dương gian đều có ngày và đêm, nhưng ở đó tuyệt đối không nhìn thấy Mặt Trời, Mặt Trăng và các ngôi sao. Bầu trời luôn xám xịt, giống như những ngày sương mù ở Tứ Xuyên và những cơn bão cát ở miền Bắc Trung Quốc. Và ở đó cũng có xuân, hạ, thu, đông, nhưng mùa hè không nóng bằng dương gian, mùa đông lại lạnh hơn dương gian rất nhiều. Địa ngục cũng có đồ ăn, ăn một bữa có thể no nê nhiều ngày. Và khi ăn, bạn chỉ ngửi thấy mùi thức ăn chứ không thực sự ăn nó.
Lê Thụ đưa ra một ví dụ: Vào mùa hè, hai bát cơm như nhau, một bát dùng để cúng tổ tiên, bát kia không cúng tổ tiên, bát cúng tổ tiên nhất định sẽ bị thối trước bát không cúng tổ tiên, chính là vì khí của bát cúng tổ tiên đã bị quỷ hồn của tổ tiên lấy mang đi.
Ở âm gian cũng có những cửa hàng bán thực phẩm, hàng tạp hóa và những thứ tương tự, nhưng ở đó không có trung tâm mua sắm lớn nào. Quỷ hồn có thể sử dụng tiền giấy do người thân đốt ở nhân gian để mua đồ.
Người ở âm gian đều sợ gặp quỷ, theo Lê Thụ nói, kỳ thực những con quỷ đó cũng rất sợ gặp người. Nếu quỷ nhìn thấy có người tới thì sẽ nhanh chóng tránh né. Nếu là chính nhân quân tử, quỷ nhất định sẽ rất tôn kính. Trong một số tiểu thuyết giả tưởng cổ đại, chúng ta cũng thấy chuyện quỷ trêu người, Lê Thụ nói rằng loại tình huống này cũng xảy ra, nhưng những người bị quỷ bắt nạt phần lớn là những người tâm thuật bất chính, thời vận suy nhược.
Lúc này, Lâm Ửu Tương đã hỏi một câu hỏi đặc biệt: Liệu sinh mệnh tại âm gian còn có cơ hội tu hành siêu thoát không? Lê Thụ cho biết một khi đã vào cõi quỷ, do bị nghiệp lực cản trở, sẽ không cách nào tu luyện. Dù thế nhân có niệm Phật, tụng kinh, thì ma quỷ ở gần cũng không thể nhìn thấy hay nghe thấy. Lê Thụ cảm thán, muốn tu hành còn phải có được thân người, nếu không sau khi qua đời, muốn tu hành cũng rất khó.
Tại sao? Không phải vừa rồi nói quỷ có thể nhìn thấy người thế gian, có thể nghe được thế nhân nói hay sao? Tại sao chúng không thể nhìn thấy hoặc nghe thấy thế nhân tụng Kinh niệm Phật? Lâm Ửu Tương không lý giải được điều này.
Lê Thụ giải thích rằng điều này là do nghiệp chướng. Ví dụ, trên thế gian có một số người chưa bao giờ tin vào sự tồn tại của Thần Phật, có người chật vật mưu sinh không có thời gian tu hành, những người như vậy, đối với việc người khác niệm Phật tu hành, cũng giống như nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu vậy. Dù vô tình nhìn thấy nghe thấy, nhưng vì bị vướng víu bởi trăm tơ ngàn mối chấp trước dục vọng, họ không thể sinh khởi tín tâm, hoặc là chí hướng không kiên định, cuối cùng tu luyện không được, điều này có khác gì quỷ nhìn không thấy, nghe không hiểu người ta niệm Phật sao?
Tuy nhiên, rất khó để một sinh mệnh vượt qua được lục đạo luân hồi. Lê Thụ nói rằng ngay cả bản thân ông cũng không thể thoát khỏi nó. Các đồng sự của ông ở địa phủ đã giúp ông kiểm tra hồ sơ của địa phủ, nói rằng ông sẽ chuyển sinh đến Nam Dương, tỉnh Hà Nam trong kiếp sau. Tuy nhiên, do nhân gian mấy chục năm qua đã biến hóa rất nhiều, không rõ liệu ghi chú của địa phủ có biến hóa theo hay không.
Sau này, giống như Chương Thái Viêm mà chúng tôi đã giới thiệu trước đây, Lê Thụ cảm thấy mệt mỏi với việc làm thẩm phán của âm phủ, đã đề xuất từ chức nhưng không được chấp thuận. Sau này, đồng sự ở âm phủ dạy ông thường xuyên niệm kinh Phật, sau khi tụng Kinh Kim Cương hơn 2.000 lần, ông không còn giấc mơ đến làm việc ở âm phủ nữa.
Nếu chỉ nhìn vào kinh nghiệm của Lê Thụ, hay câu chuyện về Chương Thái Viêm mà chúng tôi đã giới thiệu trước đây, mọi người vẫn sẽ nghi ngờ điều này là thật hay giả? Đây có phải chỉ là một giấc mơ kỳ lạ? Tuy nhiên, hai người không quen biết nhau này có rất nhiều điểm tương đồng trong trải nghiệm của họ và cách miêu tả những sự việc ở âm gian, có thể nói họ chứng thực cho nhau, thực sự rất khó để không tin họ.
Ngoài hai câu chuyện đó ra, còn có một số câu chuyện được ghi lại ở Trung Quốc hiện đại. Tuy nhiên, nhân sự liên quan không làm phán quan, mà là âm sai chạy việc vặt để bắt quỷ, câu chuyện của họ không chỉ được ghi vào sách mà còn có cả video phỏng vấn thật. Họ thông qua kinh nghiệm của bản thân, tiết lộ rằng tuổi thọ của con người kỳ thực không liên quan gì đến sức khỏe. Thực sự là như vậy sao? Nếu có cơ hội trong tương lai, chúng tôi sẽ kể cho bạn nghe về câu chuyện của họ.
Theo Epoch Times,-Hương Thảo biên dịch