Matcha đang trở thành một hiện tượng bùng nổ trên toàn cầu, nhưng chỉ có một nhóm nhỏ được thưởng thức loại trà tinh khiết, hảo hạng nhất của Nhật Bản, được trồng ở Uji, gần Kyoto.
Văn hóa trà
Trà đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa Nhật Bản trong gần 1.000 năm qua. Nó được du nhập từ Trung Quốc vào đầu thế kỉ thứ 8 nhưng chỉ dành cho tầng lớp hoàng gia và tôn giáo thưởng thức.
Đến tận thế kỉ 12, trà mới trở nên phổ biến nhờ nhà sư Eisai – được coi là người sáng tạo ra trà xanh Nhật Bản. Ngài đã trồng cây trà từ Trung Quốc quanh các tu viện và xuất bản một cuốn sách về lợi ích dược liệu của nó.
Eisai cũng là người đưa trường phái Thiền tông Rinzai đến Nhật Bản. Chính sự tích hợp tinh thần zen cùng với quá trình chuẩn bị trà của ngài đã đặt nền móng cho nghi thức trà đạo truyền thống của Nhật Bản.
Ngày nay, trà vẫn là một phần quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của người dân Nhật Bản. Người Nhật thường thưởng trà vào buổi sáng hoặc giờ nghỉ buổi chiều, phục vụ cho khách hoặc được sử dụng để tăng cường, cải thiện sức khỏe. Họ có một niềm tin mạnh mẽ vào tính năng chữa bệnh và đem lại sức khỏe dồi dào của trà.
Uji – Nơi matcha ra đời
Các đồn điền trà bắt đầu xuất hiện ở Uji, một khu vực gần Kyoto, khoảng 800 năm trước sau khi người dân địa phương phát hiện ra rằng đây là nơi hoàn hảo để trồng và nuôi dưỡng cây trà (tên khoa học là Camellia sinensis).
Những ngọn núi có khí hậu ôn hòa hơn và cho phép sương mù chạm tới lá trà, và sự bốc hơi từ sông Uji gần đó góp phần giữ ẩm cho lá trà.
Trong những ngày đầu, người trồng trà nhận thấy rằng sản lượng từ các khu vực được rừng bao quanh có chất lượng cao hơn với hương vị mạnh mẽ hơn. Họ kết luận rằng đó là nhờ cây che bóng cho cây trà một cách tự nhiên.
Do đó, những người trồng trà ở Uji, theo lí thuyết đó, đã xây dựng các cấu trúc bằng gỗ phía trên các bụi trà và đặt rơm lên trên để che ánh nắng mặt trời. Với phương pháp tạo bóng đó, matcha – lá trà xanh trồng theo cách đặc biệt được nghiền thành bột mịn – đã ra đời.
Nông dân trồng matcha ở Uji là một cộng đồng nhỏ, ưu tú, sản xuất loại trà chất lượng cao nhất Nhật Bản, và theo nhiều người, trên toàn thế giới. Các đồn điền thường rất nhỏ, vì vậy, trà hảo hạng đủ để phục vụ cho các nghi lễ là cực kì hiếm.
Trên thực tế, hầu hết những người bên ngoài Nhật Bản sẽ không bao giờ có thể được nếm matcha chất lượng cao được trồng ở đây. Trang trại matcha được cho là lâu đời nhất ở Nhật Bản là Horii Shichimeien, được điều hành bởi Chotaro Horii, nông dân thế hệ thứ 6. Đồn điền nhỏ, khoảng 2.000 cây, nằm giữa khu dân cư ở Uji.
Horii dành nhiều ngày để theo dõi và chăm sóc cho cây trà của mình, nơi sản xuất một số loại trà thiêng liêng nhất trong cả nước – đặc biệt là trà tới từ hai cây 600 tuổi.
Matcha không phải thức uống hằng ngày
Mặc dù matcha rất phổ biến ở phương Tây ở thời điểm hiện tại, nhưng ở Nhật Bản, một tách matcha truyền thống không phải là một thức uống hằng ngày tại nhà. Nó thường để dành riêng cho các lễ nghi hoặc các dịp đặc biệt. Sencha (lá trà khô được hãm bằng nước sôi) là loại trà thường được chọn để uống hằng ngày.
Cả matcha và sencha đều có nguồn gốc từ lá trà xanh khô, nhưng sự khác biệt là cách chúng được trồng và chuẩn bị. Sencha đến từ lá trà nhận được đầy đủ ánh sáng mặt trời, được hấp sau khi thu hoạch, sau đó được tạo hình thành cuộn mỏng và sấy khô.
Trong khi đó, matcha là sản phẩm của một quá trình tạo bóng cẩn thận, các lá sau đó được nghiền thành bột mịn. Về mặt chuẩn bị, với sencha, người thưởng trà ngâm toàn bộ lá trong nước trong khi bột matcha được trộn trực tiếp với nước giữ lại nhiều chất dinh dưỡng hơn.
Matcha được sử dụng trong các nghi thức trà đạo của Nhật Bản có giá trị quan trọng về mặt văn hóa và lịch sử, một sự kiện kéo dài nhiều giờ bắt nguồn từ việc đạt tới trạng thái zen và sống cho thời điểm hiện tại.
Theo truyền thống, buổi lễ diễn ra trong một phòng trà với chiếu rơm tatami truyền thống được bao quanh bởi một khu vườn, sử dụng gốm sứ tinh xảo, và bao gồm kaiseki (một bữa ăn nhiều món, phức tạp), một bát matcha và một món đồ ngọt Nhật Bản. Chủ nhà, người đã được đào tạo trong nhiều năm, thực hiện một loạt các cử chỉ và động tác được biên đạo chính xác để phục vụ trà.
Cơn sốt matcha toàn cầu
Matcha có nhiều lợi ích cho sức khỏe, hàm lượng các chất chống oxy hóa cực cao, bao gồm cả EGCG, và được cho là giúp tăng cường trao đổi chất, từ đó sử dụng năng lượng để đốt cháy calo, giải độc cơ thể, làm dịu tâm trí, cải thiện tâm trạng và khả năng tập trung.
Tất cả những lợi ích này đã đưa matcha đứng đầu xu hướng về chăm sóc sức khỏe trong những năm gần đây. Màu xanh đậm cũng biến matcha trở thành ngôi sao trên Instagram, trở thành nguyên liệu của mọi thứ từ latte cho đến bánh ngọt và kem.
Theo một báo cáo được công bố bởi Analytical Research Cognizance, doanh số matcha tại Mỹ đã tăng gấp 5 lần, đạt hơn 10 tỷ USD trong vòng 25 năm qua. Tuy nhiên, con số này không dành cho trà chất lượng cao được sản xuất tại Uji.
Thay vào đó, nó chủ yếu dành cho matcha giá rẻ, chất lượng thấp được sử dụng để trộn trong các món bánh hoặc đồ uống. Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra ở Nhật Bản, nơi những người trẻ tuổi đang tận hưởng hương vị hiện đại hơn của matcha.
Để đáp ứng được nhu cầu toàn cầu cho loại matcha chất lượng thấp hơn, các đồn điền đã xuất hiện ở nhiều khu vực khác nhau của Nhật Bản bên ngoài Uji, như Kagoshima. Mặc dù họ vẫn sử dụng kỹ thuật trồng trong bóng râm, những khu vực này sản xuất ra số lượng lớn nhờ hái bằng máy và tiến hành thu hoạch 2 – 3 lần/năm.
Vì matcha chất lượng thấp hơn là ‘con ngỗng đẻ trứng vàng’, nên các nông dân đủ trình độ để sản xuất matcha chất lượng cao ngày càng trở nên khan hiếm. Ở Uji, chỉ còn 60 gia đình làm nông còn đang trồng trà.
K Nguyễn – Theo Nhịp Sống Kinh Tế