Tổng thống Trump nhiều lần bày tỏ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, coi đây là một trong những chiến lược chính trong nỗ lực tái tranh cử của ông.
Trong bối cảnh sự rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng gần như mọi khía cạnh của quan hệ song phương, giới phân tích lo ngại cuộc khủng hoảng lãnh sự trong tuần này có nguy cơ phá vỡ chính sách hợp tác mong manh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Quyết định chưa từng có tiền lệ
Theo đánh giá của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, gần 50 năm kết giao về kinh tế và chính trị đã “không mang lại tương lai tươi sáng và đầy hứa hẹn về sự hợp tác”. Thay vì đó, quan hệ Mỹ-Trung bước vào thời kỳ khó lường nhất kể từ thập niên 1970, sau khi Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại thành phố Houston trong 72 giờ.
“Các bên luôn xem nhau là đối thủ”, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho biết. Còn Natasha Kassam, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Lowy cho rằng vụ việc diễn ra vào thời điểm mà nhiều người tin rằng quan hệ Mỹ-Trung không thể xuống mức thấp hơn nữa.
Ngay sau quyết định của Mỹ, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô. “Điều này sẽ hạn chế đường dây liên lạc của Washinton với Bắc Kinh và khả năng quan sát những diễn biến đang xảy ra bên trong Trung Quốc”, ông Natasha Kassam nói.
Giới phân tích cảnh báo căng thẳng giữa hai bên sẽ diễn ra theo đường xoắn ốc sau vụ đóng cửa các lãnh sự quán, bởi việc trục xuất các nhà ngoại giao và gạt bỏ nền móng cho các cuộc đàm phán sẽ khiến các bên khó nắm bắt được động thái của nhau, tạo rào cản lớn cho việc giảm căng thẳng trong tương lai.
Mỹ và Trung Quốc trong 3 năm qua đã phá bỏ “phần mềm” của mối quan hệ, và giờ là “phần cứng”, ông Jeff Moon, cựu quan chức thương mại và ngoại giao Mỹ chuyên trách Trung Quốc cho hay.
Nhiều người đặt câu hỏi tại sao Mỹ lại đẩy căng thẳng tiến xa hơn bằng cách nhắm vào lãnh sự quán Trung Quốc thay vì thực thi hành động khác như trục xuất các nhà ngoại giao, vốn đạt được mục đích tương tự nhưng gây ra ít thiệt hại hơn. Tờ Politico dẫn lời một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng, yêu cầu đóng cửa một cơ quan ngoại giao mà không có cảnh báo trước và việc từ chối thực hiện yêu cầu như vậy là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quan hệ Mỹ-Trung.
Giải thích về vấn đề này, Sourabh Gupta, một thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc-Mỹ ở Washington nói: “Chính quyền Trump thích theo đuổi một cách tiếp cận chưa từng có tiền lệ khi xác định quan hệ với Trung Quốc, trên thực tế điều này nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia quan trọng của Mỹ. Tuy vậy, nó lại khiến hành động và mục đích của họ bị đánh giá là thiếu tin cậy”.
Hậu quả địa chính trị lâu dài
Guy Saint-Jacques, cựu Đại sứ Canada tại Bắc Kinh cho rằng, việc chính quyền Tổng thống Trump thúc đẩy rời xa Trung Quốc có thể gây ra hậu quả địa chính trị lâu dài.
Kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, hai nền kinh tế đã có sự gắn kết chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết. Vào năm 2018, trước khi ông Trump áp đặt một loạt rào cản thuế quan đối với Bắc Kinh trong giai đoạn đầu của cuộc chiến thương mại, Trung Quốc từng là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, với tổng kim ngạch hai chiều đạt 660 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ.
Nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ, hoạt động trong các lĩnh vực từ sản xuất đến công nghệ đã phụ thuộc vào Bắc Kinh như một nguồn doanh thu lớn. Có rất nhiều tổ chức văn hóa, giáo giục của Mỹ cũng đang hoạt động tại Trung Quốc. Do đó, khi mối ngờ vực lẫn nhau gia tăng thì điều này sẽ mang đến những rủi ro cho công dân của cả hai nước.
Trong bài phát biểu đưa ra, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh sự cần thiết của việc tạo ra một liên minh quốc tế chống lại Trung Quốc, nhằm gây sức ép buộc Bắc Kinh thay đổi hành vi sau những diễn biến mới ở Hong Kong và cáo buộc Trung Quốc có hành vi thương mại thiếu công bằng. Nhưng chiến thuật này hầu như không phát huy hiệu quả.
Trung Quốc đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích, đặc biệt là từ các nước phương Tây sau khi áp đặt luật an ninh mới đối với Hong Kong hồi đầu tháng 7, song nước này đáp trả bằng cách tăng gấp đôi cảnh báo và biện pháp đối phó. Ngoài ra, Trung Quốc cũng không đơn độc trên sân khấu quốc tế. Bắc Kinh đã và đang xây dựng liên minh các quốc gia có cùng quan điểm để đối trọng với áp lực mà Washington tạo ra.
Phát biểu với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuần trước, Ngoại trưởng Vương Nghị chỉ trích “tâm lý Chiến tranh Lạnh” của Washington, kêu gọi Moscow cùng Bắc Kinh nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Nước cờ tranh cử của Tổng thống Trump?
Phát biểu với CNN sau khi Mỹ quyết định đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, Thượng nghị sĩ Angus cho rằng: “Chính quyền ông Trump chắc chắn có một lý do chính đáng để đối đầu Trung Quốc. Mối quan tâm của tôi là liệu sự leo thang căng thẳng này có thực sự bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa hai bên hay liên quan đến cuộc bầu cử chuẩn bị diễn ra trong 4 tháng tới”.
Theo ông Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc SOAS tại Đại học London (Anh), đẩy căng thẳng leo thang với Trung Quốc là một động thái đã được xem xét trước nhằm cứu vãn các nỗ lực tái tranh cử của ông Trump khi nhà lãnh đạo Mỹ hứng chịu nhiều chỉ trích do cách đối phó dịch bệnh Covid-19 và tỷ lệ ủng hộ thấp hơn đối thủ trong các cuộc thăm dò dư luận.
Tổng thống Trump đã bày tỏ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, cho đây là một trong những chiến lược chính trong nỗ lực tái tranh cử của ông, nhằm đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. “Ông Trump nhiều lần tuyên bố rằng khi ông bị đánh ông ấy sẽ đáp trả mạnh gấp đôi. Hoàn cảnh hiện tại khiến ông phải thực hiện chiến lược này bởi việc cứng rắn với Bắc Kinh là một vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử Tổng thống, hơn nữa cũng có sự đồng thuận rộng rãi giữa các đảng phái về việc cần phải đưa ra phản ứng mạnh mẽ trước hành vi gây hấn của Trung Quốc”, ông Jeff Moon nói.
Cần phải nhắc lại rằng, một loạt động thái của Mỹ thời gian gần đây, từ áp đặt trừng phạt Trung Quốc liên quan đến dự luật an ninh Hong Kong, tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo về vấn đề Biển Đông, đến quyết định đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc đều được đưa ra khi cuộc bầu cử Mỹ đang vào giai đoạn nước rút.
Theo ông Jeff Moon, Trung Quốc có thể đã sai lầm khi lựa chọn đóng cửa Tổng lãnh sự Mỹ ở Thành Đô thay vì ở Vũ Hán bởi quyết định này có khả năng dẫn đến sự đáp trả tiếp theo từ phía Mỹ. Chuyên gia này lý giải, Lãnh sự quán Mỹ ở Vũ Hán đã tạm thời đóng cửa trong nhiều tháng qua do dịch bệnh Covid-19, vì thế quyết định đóng cửa chính thức sẽ không tạo ra nhiều ảnh hưởng và có thể khiến căng thẳng hạ nhiệt, thế nhưng Trung Quốc không làm như vậy.
Về mặt kinh tế, Mỹ và Trung Quốc đang phải chịu sức ép của cuộc chiến thương mại. Về mặt quân sự, hiện đang có nhiều “điểm nóng” tiềm ẩn nguy cơ bùng phát xung đột giữa hai nước, chẳng hạn như Biển Đông. Trong khi đó, xung đột ngoại giao ngày một nóng lên sau khi giới chức Mỹ bắt giữ một nhà nghiên cứu trong Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố San Francisco, còn Tổng thống Trump đe dọa sẽ đóng cửa thêm nhiều lãnh sự quán Trung Quốc. Với những diễn biến này, căng thẳng hiện tại được cho là sẽ còn diễn tiến nghiêm trọng hơn.
Theo các nhà phân tích, dù đáp trả “cân xứng” hành động của Washington nhưng Bắc Kinh vẫn mong muốn sự hòa giải, vốn là động lực chính cho sự hợp tác giữa hai bên, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Tuy vậy, với tham vọng xây dựng hình ảnh một Trung Quốc mạnh mẽ và có tầm ảnh hưởng lớn hơn, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ khó nhượng bộ và khó tránh đưa ra phản ứng công khai với quyết định của Mỹ../.
Theo VOV