Từng được mệnh danh là “thiên đường du lịch” nhưng sau 6 tuần mở cửa, không nhiều du khách quốc tế đến với đảo Bali (Indonesia).
Trước đại dịch Covid-19, anh Dicky kiếm được khoảng 20 USD mỗi ngày, nhờ bán những sản phẩm thủ công cho khách quốc tế trên các bãi biển đông đúc ở Bali. Giờ đây, có những ngày người bán rong này không bán được bất kỳ món đồ nào.
“Tôi đến đây lúc 8h sáng và đi khắp bãi biển cả ngày nhưng không bán được món đồ nào. Tôi không hiểu tại sao khách du lịch không tới nhiều hơn, dù bây giờ Bali đã mở cửa trở lại” – Dicky nói.
Theo Tổng cục Nhập cư Indonesia, 6 tuần sau khi nước này mở cửa trở lại, chỉ có 153 người trên khắp thế giới nộp đơn xin thị thực du lịch. Việc khách quốc tế thờ ơ với Bali phản ánh tâm lý chung của du khách hiện nay. Theo kết quả khảo sát của IATA, 84% người được hỏi cho biết không lựa chọn những điểm đến yêu cầu cách ly.
Trong khi đó, Indonesia vẫn duy trì chính sách cách ly bắt buộc đối với khách du lịch quốc tế. Giáo sư I Gusti Ngurah Mahardika tại Đại học Udayana (Bali) nhận định: “Kể cả rút ngắn thời gian, nếu vẫn phải cách ly thì không có du khách quốc tế đến Bali”.
Khung cảnh vắng vẻ tại sân bay quốc tế Ngurah Rai (Bali) hồi tháng 10. Nguồn: Reuters
Từ ngày 28/11, Indonesia đã thắt chặt hơn các quy định về đón khách du lịch quốc tế để đối phó với biến thể Omicron, như cấm du khách từ một số quốc gia châu Phi. Nước này cũng tăng số ngày cách ly đối với du khách đến từ tất cả quốc gia khác.
Các quy định mới và nghiêm ngặt này đã buộc hãng hàng không Garuda hủy bỏ kế hoạch đón chuyến bay quốc tế đầu tiên từ Nhật Bản tới Bali, vốn được lên lịch vào đầu tháng 12. Các chuyến bay tiếp theo của hành trình này cũng bị xóa khỏi trang web của Garuda.
Không riêng Garuda, nhiều doanh nghiệp và người dân tại Bali vốn phụ thuộc vào khách quốc tế tiếp tục gặp khó khăn. Nói với AFP, Abdian Saputra – người cung cấp dịch vụ thuyền từ Bali đến các đảo cho biết đã phải bán tài sản và sa thải một nửa nhân viên để duy trì hoạt động kinh doanh, vì không còn nhiều chuyến tàu chở khách.
“Kể từ khi đại dịch xảy ra, hiếm hoi lắm mới có khách. Nếu chúng tôi ngừng hoạt động, các khách sạn hay cơ sở kinh doanh khác cũng sẽ chết. Chúng tôi đang giúp đỡ nhau để có thể tồn tại. Nhưng nếu tình hình này tiếp tục, doanh nghiệp của tôi có thể trút hơi thở cuối cùng vào tháng Một hoặc đầu tháng Hai năm sau”, ông Abdian Saputra nói.
Tờ Straits Times cho biết kể từ tháng 9, Chính phủ Indonesia đã 3 lần hứa hẹn sẽ mở cửa trở lại, khiến nhiều doanh nghiệp cố gắng tiết kiệm vốn hoặc “gồng nợ” để duy trì nhân viên và nguyên liệu, tuy nhiên sau đó những nỗ lực này trở nên vô ích.
Ông Ide Bagus Sidharta Putra – chủ khách sạn Griya Santrian ở Bali nói: “Chúng tôi đã làm tất cả những gì chính phủ yêu cầu. Nhưng chúng tôi đang tuyệt vọng… Liệu chúng tôi có thể sống sót thêm bao lâu?”
Theo nhận định của giới bất động sản tại Bali, hòn đảo này sẽ phải mất 1 đến 2 năm nữa để phục hồi. “Chỉ mở cửa biên giới là không đủ, mọi người cần cảm thấy an toàn trước khi đi du lịch trở lại” – ông Mark Ching, Giám đốc tập đoàn Tamora (Indonesia) cho biết./.
Theo VOV