Các thành viên mới sẽ chính thức gia nhập vào ngày 1/1/2024.
Jim O’Neill, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Goldman Sachs và là người đầu tiên đưa ra khái niệm BRICS, cho rằng nhóm các quốc gia mới nổi nên mở rộng và cùng hợp tác để chống lại tầm ảnh hưởng của đồng USD.
Tại hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra tại Nam Phi, mở rộng và kết nạp thêm thành viên là một trong những chủ đề chính được 5 nước thành viên BRICS đem ra thảo luận và đó cũng là điều thu hút sự quan tâm hàng đầu của dư luận thế giới.
Theo thông báo vừa được Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa công bố, các nhà lãnh đạo BRICS đã mời 6 nước gồm Saudi Arabia, Iran, Ethiopia, Ai Cập, Argentina và UAE gia nhập. Các thành viên mới sẽ chính thức gia nhập vào ngày 1/1/2024.
Cách đây không lâu, trong bài viết được đăng trên tạp chí Global Policy hồi tháng 3, “cha đẻ” của tên gọi BRICS đã kêu gọi nhóm cần áp dụng tiêu chí phân loại thực sự chặt chẽ để đảm bảo việc kết nạp thành viên mới sẽ tăng thêm sức mạnh cho BRICS. Đồng thời, ông nhận định BRICS nên tập trung vào các mục tiêu như cải thiện y tế và thúc đẩy thương mại giữa các nước thành viên.
“Đồng USD đang đóng vai trò quá quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu”, ông viết. “Bất cứ khi nào Cục dự trữ liên bang Mỹ muốn nới lỏng hoặc thắt chắt chính sách tiền tệ, giá trị của đồng USD đều bị ảnh hưởng và kéo theo tác động lan tỏa rất lớn đến toàn thế giới”.
Thế thống trị của đồng USD đồng nghĩa gánh nặng nợ niêm yết bằng USD của các quốc gia khác sẽ biến động mạnh theo tỷ giá, làm giảm mức độ ổn định của chính sách tiền tệ. Thậm chí biến động của đồng bạc xanh có thể đóng vai trò quan trọng hơn cả những quyết định mà chính phủ các nước đưa ra.
Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc thành lập BRIC năm 2009. 1 năm sau đó, nhóm kết nạp thêm Nam Phi và đổi thành BRICS. Theo O’Neill, nếu như BRICS kết nạp thêm “các quốc gia mới nổi khác có thặng dư bền vững” thì 1 hệ thống đa tiền tệ mang tầm cỡ toàn cầu và công bằng hơn sẽ nổi lên.
Tuy nhiên, ông cảnh báo BRICS chỉ nên kết nạp thêm các quốc gia đáp ứng một số tiêu chí nhất định như có dân số đông và quy mô nền kinh tế khá, có tiềm năng lớn. Ông từng phản đối quyết định bổ sung thêm Nam Phi vào nhóm. Hiện nay Nam Phi cũng là nền kinh tế nhỏ nhất trong BRICS.
“Nếu mục đích chính của BRICS chỉ là 1 nhóm mang tính biểu tượng thì thu hút thêm thành viên, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi đông dân là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu như để phục vụ mục đích kinh tế thì cần phải có những tiêu chí chặt chẽ hơn khi xem xét thành viên mới”, ông viết trong bài nghiên cứu có tựa đề “Tương lai của BRICS và ngân hàng NDB”.
Cụ thể, theo ông các nước BRICS nên hướng đến mục tiêu có tiếng nói lớn hơn trong những định chế tài chính toàn cầu như World Bank và IMF. Mặc dù BRICS chiếm tới 42% dân số toàn cầu, các nước thành viên chiếm chưa đến 15% quyền biểu quyết ở 2 tổ chức này.
Thành viên mới nên có dân số ít nhất 100 triệu người, ví dụ các quốc gia châu Á như Indonesia, Bangladesh, Việt Nam, Pakistan và Philippines. Ngoài ra Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Nigeria, Ai Cập và Ethiopia là những lựa chọn khả thi. Việc chọn Saudi Arabia và Iran chỉ có ý nghĩa nếu như BRICS hướng đến mục tiêu phát triển 1 đồng tiền chung đối trọng với USD, bởi đây là những nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất trên thế giới.
Một khối lớn hơn sẽ khiến cho các hoạt động hợp tác (vốn đang trì trệ) càng trở nên khó khăn hơn. Theo O’Neill, BRICS và NDB đã bỏ lỡ một vài cơ hội quý báu. Trong khi đó hai nền kinh tế lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy khá ít cam kết về việc phát triển hơn nữa quan hệ thương mại song phương.
Ông cũng khuyến nghị ngân hàng NDB của khối nên tập trung tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo để chống lại biến đổi khí hậu. 5 nước thành viên BRICS hiện đều nằm trong top 14 nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới, trong đó Trung Quốc đứng đầu.
Nếu BRICS có những mục tiêu rõ ràng và có thể đạt được những mục tiêu đó, “mở rộng BRICS không chỉ là điều có lý mà còn được tất cả mọi người hoan nghênh, kể cả những siêu cường truyền thống”, O’Neill nói.
Tham khảo Bloomberg, Nikkei-Thu Hương–Nhịp sống thị trường