Đó là cụm từ “Đừng trách là không nói trước!” mà tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đưa ra nhằm cảnh báo Mỹ về việc họ sẽ cắt đứt nguồn cung đất hiếm cho Mỹ
“Khuyên phía Mỹ không nên đánh giá thấp năng lực bảo vệ quyền lợi tự phát triển của phía Trung Quốc, khi sự việc xảy thì đừng có nói là không cảnh cáo trước!” Nhân dân Nhật báo bình luận trong một bài viết có tiêu đề “Mỹ đừng có đánh giá thấp năng lực phản kích của Trung Quốc”. Nhân dân Nhật báo là tờ báo chính thống của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo Đài CNBC tại Mỹ đưa tin, câu “Đừng trách là không nói trước!” này chỉ xuất hiện 2 lần trong lịch sử của tờ Nhân dân Nhật báo. Lần đầu là năm 1962, trước khi Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới với Ấn Độ; thứ hai là vào năm 1979, trước khi bùng nổ cuộc chiến tranh với Việt Nam.
“Đất hiếm liệu có trở thành vũ khí để Trung Quốc chống lại sự chèn ép vô cớ của Mỹ hay không? Đáp án không phải là quá cao thâm khó hiểu.” Nhân dân Nhật báo viết.
Xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn của thế giới nhanh chóng leo thang trong tháng này (tháng 5), hai bên đều tăng mức thuế quan đối với hàng hóa của đối phương. Sau khi phía chính quyền Trung Quốc nuốt lời đối với 7 hạng mục trong thành quả đàm phán thương mại trong tháng qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liệt Huawei (nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc) vào danh sách đen, phía Trung Quốc đe dọa sẽ hạn chế sản lượng đất hiếm bán cho Mỹ, nhiều nhà sản xuất chip và công ty công nghệ cũng đã cắt đứt quan hệ với Huawei.
Tuần trước, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm mỏ khai thác và chế biến đất hiếm tại tỉnh Giang Tây, đã khiến dư luận có nhiều đồn đoán về phương thức Trung Quốc trả đũa Mỹ. Một quan chức Trung Quốc hôm thứ Ba (28/5) đã cảnh báo, sản phẩm sản xuất từ những nguyên vật liệu này không nên được dùng để cản trở sự phát triển của Trung Quốc, những nguyên vật liệu này vốn được cho là mối đe dọa tiềm ẩn đối với Mỹ và các ngành công nghệ của Mỹ.
Mặc dù đất hiếm chỉ chiếm một phần nhỏ trong kim ngạch thương mại Trung – Mỹ, nhưng nó lại là nguyên liệu quan trọng để sản xuất iPhone, xe ô tô điện, các vũ khí tiên tiến có độ chính xác cao.
Hôm 28/5, Thời báo Hoàn Cầu trực thuộc Nhân dân Nhật báo cũng cho biết, Trung Quốc có thể dùng đến “lá bài đất hiếm”, và đang “cân nhắc kỹ” đến việc này.
Ông Ngô Cường – Tiến sĩ Chính trị học, đồng thời cũng là nhà bình luận thời sự, đã chia sẻ với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng, thời điểm căng thẳng trong tranh chấp Đảo Điếu Ngư (Quần đảo Senkaku) giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc cũng đã sử dụng đến lá bài đất hiếm. Tuy nhiên, Nhật Bản đã dùng đến phương thức khác để giải quyết vấn đề, nên hiệu quả của lá bài mà Trung Quốc dùng cũng không ra sao.
Ông cho biết, Mỹ cũng là một nước lớn về đất hiếm, có thể nhập khẩu từ nước khác và cũng có thể tự sản xuất, nên sẽ không chịu ảnh hưởng cơ bản từ Trung Quốc. Trong khi đất hiếm của Trung Quốc đang đối diện với nhiều vấn đề từ vài năm qua, bao gồm ô nhiễm môi trường, sản xuất dư thừa, v.v. Trung Quốc dùng cuộc chiến đất hiếm, chính là tự đánh mình. Hơn nữa, Mỹ chế tài Huawei cũng một phần là vì vi phạm quy định tại Iran, việc Trung Quốc cấm vận đất hiếm là không dựa vào căn cứ pháp luật nào, và rõ ràng chỉ là trả đũa Mỹ, do đó uy tín của Trung Quốc ở quốc tế cũng bị ảnh hưởng.
Trí Đạt